- Phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, di dân giải phóng mặt bằng Trong những năm vừa qua, trước yêu cầu phát triển của thủ đô, Hà Nội đã tiến hành xây dựng
2.3.1. Những thành tựu, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
2.3.1.1. Thành tựu
Hoạt động đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án trong giai đoạn 2000 đến 2005 tại thành phố Hà Nội đã giành được một số thành tựu sau đây:
Thứ nhất, đã tạo lập được một quỹ nhà ở đáng kể góp phần vào việc nâng cao chất lượng, cải thiện yêu cầu về nhà ở của người dân thủ đô. Theo thống kê của Chương trình Phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội năm 2005 thì trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2005, tổng quỹ nhà ở khu vực đô thị của Hà Nội đã tăng gấp đôi, diện tích nhà ở tính trung bình theo đầu người đã tăng từ 5,5m2 năm 1999 lên 7,5m2 / người năm 2004. Diện tích nhà ở xây dựng theo mô hình dự án đã tăng từ 187.150 m2 năm 2000 lên 948.000 m2 năm 2004, sự gia tăng về quỹ nhà ở này đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân thủ đô [1, tr. 12].
Thứ hai, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các chính sách giải quyết vấn đề nhà ở của thành phố Hà Nội. Hoạt động đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế nó còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt
ra đối với thành phố Hà Nội hiện nay. Thông qua hoạt động này, thành phố đã gây dựng được một quỹ nhà ở đáng kể để giải quyết cho các đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng (kết quả xem tại Bảng 2.3).
Thứ ba, đã huy động được một nguồn lực đáng kể vào hoạt động đầu tư phát triển nhà ở. Với phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia xây dựng nhà ở, hoạt động đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án đã thu hút được nguồn vốn đáng kể từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư vào nhà ở thông qua việc xã hội hóa công tác xây dựng nhà ở. Thông thường các hoạt động đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư phát triển nhà ở cần phải huy động một lượng vốn lớn và khả năng huy động vốn rất khó khăn đây là cản trở lớn đối với chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, thông qua mô hình đầu tư phát triển nhà ở theo dự án, thành phố Hà Nội đã thu hút được một nguồn lực lớn của xã hội vào phát triển nhà ở, có những dự án mức huy động đạt đến 80 - 90% so với tổng mức đầu tư, điều này đã góp phần giải quyết những khó khăn về nhà ở cho người dân Hà Nội.
Thứ tư, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo lập trật tự kiến trúc, qui hoạch. Trong một thời gian dài, nhà ở của thành phố Hà Nội chủ yếu do người dân tự đầu tư xây dựng, do đó việc quản lý nhà nước về kiến trúc và qui hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Với hình thức đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án nhược điểm này đã được khắc phục. Trong những năm vừa qua, hoạt động này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt của thủ đô Hà Nội. Trên thành phố xuất hiện những khu chung cư mới trên nền các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 đã xuống cấp, hình thành nhiều khu đô thị mới với những đường phố sạch sẽ, những chung cư hiện đại, những biệt thự xinh đẹp và tiện nghi, như khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Thăng Long, Trung Yên, làng Quốc tế Thăng Long, Linh Đàm, Đại Kim, Định Công... Đây là những công trình đã góp phần không nhỏ tạo nên bộ mặt của Hà Nội văn minh, hiện đại.