Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên, phía Nam giáp tỉnh Hà Tây, phía Tây giáp tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc. Hà Nội chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới có gió mùa đông lạnh và ẩm, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 23,90, có số giờ nắng trung bình hằng năm khoảng 1.640 giờ, lượng mưa bình quân 1.600 - 1.700mm, có độ ẩm không khí bình quân 80 - 88%. Đặc điểm tự nhiên này đã tác động không nhỏ tới chất lượng các công trình xây dựng, trong đó có nhà ở. Chính đặc điểm khí hậu này đã làm cho cấu kiện của các công trình nhà ở dễ bị phá vỡ, trở nên nhanh chóng hư hỏng và xuống cấp. Mặt khác, để chống đỡ với sự khắc nghiệt của thời tiết, người dân đã phải cải tạo, cơi nới, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ như máy điều hòa không khí, mái che,.. vì vậy, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề vệ sinh, môi trường của các khu nhà ở và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho bộ mặt kiến trúc đô thị của thành phố Hà Nội trở nên hết sức lộn xộn.
Là thủ đô của cả nước, Hà Nội đóng một vai trò hết sức quan trọng, Nghị quyết 15NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: "Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế" [14, tr. 3]. Là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, tập trung nhiều cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan ngoại giao của nhiều quốc gia và trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế. Với vị trí và tầm quan trọng của mình, Hà Nội luôn giành được sự quan tâm, ưu tiên của Trung ương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư phát triển nhà ở, đây là nguồn lực chính trị hết sức quan trọng đối với hoạt động đầu tư phát triển nhà ở.
Là trung tâm của nhiều đầu mối giao thông quan trọng, Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút các nguồn lực của vùng đồng bằng Băc Bộ và của cả nước. Đến nay, sau gần 1000 năm phát triển, Hà Nội có tổng diện tích khoảng 921 km2, bao gồm 14 quận, huyện, mật độ dân cư trung bình khoảng 4.423 người/ km2, đặc biệt có những nơi đạt 33.913/người/km2 (quận Hoàn Kiếm). Dân số lớn, mật độ dân cư đông đúc, đây là một thách thức đối với thành phố Hà Nội trong việc đảm bảo chỗ ở cho người dân [11, tr. 11].
Trong những năm gần đây, kinh tế của Hà Nội đã có những bước phát triển tương đối khá, thành phố Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm không ngừng tăng, giai đoạn 1990 -1999 đạt 11,85% (cả nước đạt 7,7%), giai đoạn 2000 - 2005 đạt 9,8%. Tỷ trọng GDP của thành phố Hà Nội so với cả nước không ngừng tăng, năm 1990 là 5,5%, lên 6,1% năm 1995, lên 7,1% năm 1999 và 8,4% năm 2004. Tỷ trong GDP bình quân đầu người tăng trưởng với mức trung bình 5%/năm, từ 466 USD năm 1990 lên 915 USD năm 1999 và năm 2004 đạt khoảng 1.100 USD, đưa Hà Nội cùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ GDP/ đầu người cao nhất của cả nước [13, tr. 22]. Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thành phố Hà Nội đã phát triển cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, với tỷ lệ trong cơ cấu GDP của năm 2004 là: công nghiệp 37,5%; dịch vụ 58,6%; nông nghiệp 3,9% [13, tr. 22]. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của thành phố Hà Nội vẫn được xếp vào một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước. Tăng trưởng của kinh tế cho phép thành phố Hà Nội triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu đô thị mới, điều này đã có tác động không nhỏ tới hoạt động đầu tư phát triển nhà ở. Mặt khác, sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đã góp phần trực tiếp tạo nên sự thay đổi mức sống của dân cư. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2004, mức sống chung của dân cư tăng 30%, thu nhập bình quân của người dân nội thành tăng 63,4% và ngoại thành là 19,7% so với năm 1996. Mức sống và thu nhập tăng lên là một điều kiện hết sức thuận lợi trong vấn đề giải quyết nhà ở. Tuy nhiên, bên cạnh đó khoảng cách giàu nghèo ngày càng có xu hướng nới rộng ra. Thu nhập bình quân hàng tháng tính trên đầu người của 5% số hộ có
thu nhập cao nhất gấp 17,1% lần thu nhập của 5% số hộ có thu nhập thấp nhất, thu nhập của người dân nội thành cao hơn nhiều lần so với người dân ở ngoại thành [23, tr. 8]. Vì vậy, vấn đề xóa bỏ sự bất bình đẳng, tạo lập chỗ ở cho người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách,…đang là vấn đề hết sức khó khăn của thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Hiện nay, Hà Nội luôn là nơi thu hút đông đảo người dân của cả nước đến công tác, lập nghiệp. Trong thời kỳ chiến tranh, mặc dù Hà Nội luôn là trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ nhưng số lượng cư dân từ các tỉnh khác về Hà Nội công tác không hề giảm, mà ngược lại theo thống kê lực lượng này đã không ngừng tăng lên. Chuyển sang thời kỳ đổi mới, với xu hướng tự do dịch chuyển lao động, tự do tìm kiếm việc làm, lực lượng lao động từ các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội ngày một đông. Trong lúc quỹ nhà ở của thành phố từ những năm 1960 - 1990 không tăng lên được bao nhiêu. Dưới ảnh hưởng của chiến tranh và dưới sức ép của sự gia tăng dân số, vấn đề nhà ở của thành phố Hà Nội ngày càng trở nên bức thiết, nhu cầu về chỗ ở ngày một tăng, trong lúc đó khả năng đáp ứng của thành phố lại có hạn. Mặt khác, trong một thời gian dài, các khu nhà ở cũ không được đầu tư sửa chữa đã xuống cấp, điều kiện sống của nhân dân trong các khu phố cổ, phố cũ hết sức chật chội, ô nhiễm. Trước sức ép của việc gia tăng dân số tự nhiên và cơ học, quỹ nhà ở ngày càng thu hẹp, nhu cầu tìm kiếm, cải thiện chỗ ở của người dân ngày càng cao. Chính vì vậy, trong suốt một thời gian dài, giải quyết vấn đề nhà ở là việc làm hết sức khó khăn đối với các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội.