Sau gần 30 năm cải cách mở cửa, đời sống của nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là ở các đô thị đã thay đổi một cách hết sức căn bản, đây là một điều kiện hết sức thuận lợi đối với công tác phát triển nhà ở. Năm 1998, Chính phủ Trung Quốc quyết định ngưng cấp nhà ở phúc lợi mang tính hiện vật, thực hiện tiền tệ hóa và thương phẩm hóa việc phân phối nhà ở, quyết định này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong đầu tư xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường nhà ở của Trung Quốc không mấy lạc quan, nhà thương phẩm xây dựng xong không bán được, theo số liệu thống kê năm 1999, cả nước có 101,71 triệu m2 nhà bị ứ đọng, có đến 61% vốn đầu tư vào địa ốc là vốn vay từ ngân hàng, chỉ tính riêng năm 2002, đã có khoảng 95 tỷ USD chảy vào lĩnh vực nhà đất tăng 30% so với năm 2001 [24, tr. 4]. Tỷ lệ tăng trưởng về nhà ở về nhà ở tại Trung Quốc tăng bình quân hàng năm khoảng 30%. Mặc dù nhà ở được xây dựng nhiều nhưng số hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở lại tăng lên, mức tăng mỗi năm khoảng 0,4 triệu hộ; ở các thành phố, thị trấn hiện có khoảng 5 triệu hộ có diện tích nhà ở mới đạt mức 6m2/người. Tại Thượng Hải, giá nhà trung bình được rao bán khoảng 9.475 NDT/m2, tại Bắc Kinh khoảng 6.000 NDT/m2 và tại Quảng Châu giá bán xấp xỉ khoảng 7.383 NDT/m2. Theo thống kê, có tới 70% người dân ở các đô thị của Trung Quốc không thể mua nhà với mức giá như hiện nay, sức mua không cao bắt nguồn từ sự phát triển quá "nóng" của thị trường nhà ở, giá đất tăng nhanh, thuế đánh vào xây dựng nhà ở quá cao, điều này đã làm tăng giá nhà, vượt quá khả năng thanh toán của người dân [24, tr. 4]. Nguyên nhân của giá nhà đất ở Trung Quốc tăng cao là do ngân hàng nới lỏng việc cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra nhiều chính sách và giải pháp nhằm phát triển thị trường xây dựng nhà ở. Nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản, Chính phủ Trung Quốc đã cụ thể hóa và yêu cầu các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt các chính sách vĩ mô để ổn định và phát triển thị trường bất động sản. Theo đó, Nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư vào tài sản cố định, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đất đai và vốn vay, đồng thời ngăn chặn việc đầu tư mạnh trở lại vào lĩnh vực này. Chính phủ chỉ cho phép chủ đầu tư kinh doanh bất động sản phải cầm cố 35% tổng giá trị của dự án bất động sản (trước đây là 30%) với mục đích đảm bảo cho giá cả bất động sản không tăng nhanh hơn tỷ lệ lãi suất ngân hàng. Mặt khác, Chính phủ Trung
Quốc tiến hành việc hoàn thiện chế độ quản lý đất đai song song với việc cải cách cơ chế này; thực hiện thanh lý các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản không phát huy hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng thị trường nhà ở đóng băng, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực hết sức quan trọng nhằm đưa thị trường nhà ở phát triển trở lại bình thường, các giải pháp đó là:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế hình thành giá hợp lý, hạ thấp giá nhà thương phẩm. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số giải pháp như:
- Tăng cường sự quản lý nhà nước đối với qui hoạch tổng thể đô thị, từng bước hình thành cơ chế cung ứng đất đai. Các cấp chính quyền địa phương phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát qui hoạch tổng thể đô thị, đảm bảo nhu cầu đất xây dựng cho dân cư, cung cấp đất với giá rẻ cho xây dựng nhà ở. Theo đó, Trung Quốc đã quyết định ngưng cấp đất cho những dự án xây biệt thự nhằm tiết kiệm đất, giành nhiều đất để xây dựng các khu chung cư cao tầng giá rẻ, Chính phủ đã qui định 70% đất thổ cư trong các dự án phải được sử dụng xây các căn hộ nằm trong khả năng mua của người dân.
- Giảm, miễn các loại thuế, phí không hợp lý trong quá trình xây dựng, phát triển nhà đất.
- Cải thiện dịch vụ cho cá nhân vay vốn mua nhà ở. Những cải tiến này tập trung vào một số vấn đề như: phương thức hoàn trả, đơn giản hóa trình tự vay vốn…
Thứ hai, để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản nhằm thao túng thị trường, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định nâng mức đặt cọc tối thiểu và siết chặt các tiêu chuẩn cho vay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BOC) đã có nhiều giải pháp tăng cường việc kiểm soát vốn vay nhằm hạn chế tình trạng "đầu tư thái quá và vay gia tăng". Nhờ những biện pháp kiểm soát này, tình trạng đầu tư quá mức vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã được kìm hãm lại, đầu tư vào kinh doanh bất động sản đã lắng xuống. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản năm 2005 là 1.575 tỷ NDT (195 tỷ USD), tăng 19,8% thấp hơn nhiều so với năm 2004 là 28,1% và 2003 là 27,2% [24, tr. 4], quan hệ cung cầu về nhà ở đã được cải thiện, tạo điều kiện cho việc ổn định thị trường nhà đất.
đưa tiền nhà vào lương đối với cán bộ, công chức. Năm 1998, Trung Quốc chính thức chấm dứt hình thức phân phối nhà theo kiểu phúc lợi xã hội để chuyển sang phương thức đưa tiền nhà ở vào lương. Các chi phí mua nhà ở được thanh toán bằng khoản tiền lương của công chức trích lập tạo dựng chỗ ở, khoản tiêu dùng cá nhân và khoản hỗ trợ mua nhà. Từng bước thiết lập thể chế cung cấp nhà ở đô thị dựa theo mức sống, theo đó, những người có thu nhập thấp được mua nhà ở giá rẻ với sự hỗ trợ của nhà nước hoặc nơi làm việc, những người thuộc diện khó khăn được mua nhà ở tiện dụng và kinh tế thông qua các hình thức giúp đỡ khác nhau của Nhà nước, những người có thu nhập cao thì phải mua nhà ở theo giá thị trường. Nhà nước tạo cơ chế và chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, quản lý một cách chặt chẽ thị trường bất động sản, thực hiện nghiêm chỉnh việc đấu thầu các dự án xây dựng nhằm hạ giá thành nhà ở. Cùng với các giải pháp trên, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chế độ trích lập quỹ công cộng về nhà ở, quỹ này được sử dụng chủ yếu vào việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho cá nhân.