Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án tại Hà Nội ppt (Trang 28 - 30)

Là một thành phố đông dân nhất của cả nước, nhà ở là vấn đề hết sức nóng bỏng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề nhà ở được xem là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong những năm tới đây. Hoạt động đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần không nhỏ trong việc chỉnh trang đô thị, giải quyết chỗ ở cho người dân ven kênh rạch, tạo quỹ nhà cho công tác giải phóng mặt bằng,… Kinh nghiệm thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rằng, để hoạt động đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án phát huy được hiệu quả, chủ đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền thành phố cần giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, phải tiến hành khảo sát một cách kỹ lưỡng địa điểm thực hiện dự án. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có những dự án chính quyền đã phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp tiến hành khảo sát trong vòng vài năm, từ đó mới đưa ra được những phương án đầu tư, thi công và giải phóng mặt bằng hợp lý.

Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn cho xây dựng nhà ở. Nếu như trước đây, vốn đầu tư xây dựng nhà ở chủ yếu có nguồn gốc từ ngân sách thì hiện nay hầu hết là vốn xã hội. Vốn huy động cho đầu tư xây dựng nhà ở đã được từng bước xã hội hóa, nhiều mô hình huy động vốn tiêu biểu đã xuất hiện, trong đó phải kế đến hình thức huy

động vốn của Hợp tác xã nhà Gia Phú (thuộc Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh), của Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn (RESCO). Thành lập vào năm 1994, Hợp tác xã nhà ở Gia Phú đã trở thành một mô hình điển hình trong huy động vốn phát triển nhà ở xã hội. Muốn tham gia chương trình nhà ở của Gia Phú, thì người có thu nhập thấp phải trở thành xã viên Hợp tác xã, mỗi tháng xã viên phải đóng từ 100.000 đến 300.000 đồng, số tiền này sẽ được qui đổi thành điểm, khi có đủ 180 điểm xã viên sẽ được mua nhà và cấp chủ quyền, số tiền còn lại, Hợp tác xã sẽ cho xã viên sử dụng giấy chủ quyền thế chấp ngân hàng để được vay ưu đãi. Việc đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đã thu hút được nguồn vốn đáng kể cho đầu tư phát triển nhà ở, chỉ tính riêng 5 năm (1996-2000) tổng vốn đầu tư đạt 22.021 tỷ đồng, đạt bình quân 4.400 tỷ đồng/năm, trong đó phần lớn là vốn huy động từ dân. Nếu như năm 1991 vốn huy động từ dân cư vào đầu tư phát triển nhà ở chiếm 65% thì năm 2000 đạt 80% [5, tr. 122].

Đối với hoạt động huy động vốn xây nhà cho đối tượng có thu nhập thấp, thành phố đã đề ra cơ chế hết sức linh động, quỹ nhà nhà ở được hình thành từ nguồn hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước (chủ yếu từ đất đai), cụ thể là từ tiền sử dụng đất, các khoản lệ phí thu từ sử dụng đất và các khoản vay của ngân hàng giành cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh nguồn vốn huy động trong nước, các doanh nghiệp đã được phép chủ động huy động vốn thông qua các khoản vay tín dụng từ nước ngoài. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2006, người dân Thành phố Hồ Chí Minh vay tiền mua nhà ở bằng tiền đồng có thể kéo dài thời hạn trả nợ lên 10-15 năm nếu vay tại ngân hàng Sacombank. Ngân hàng này thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển Hà Lan (FMO), đã vay 9 triệu USD nhằm tài trợ cho những người có thu nhập thấp mua nhà ở. Hình thức tạo vốn này đã giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở cho những người có thu nhập thấp.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong đầu tư xây dựng nhà ở. Sự phối hợp này được thể hiện qua việc huy động vốn, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng,... Trước hết, đó là sự phối hợp giữa doanh nghiệp có quỹ đất, doanh nghiệp xây dựng nhà ở và ngân hàng trong việc giải quyết nhà ở cho người lao động. Theo đó, doanh nghiệp có quỹ đất làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động của đơn vị mình, trong đó vốn của cán bộ, công nhân góp 50%, quỹ doanh nghiệp đóng góp 10% và 40% vay từ ngân hàng với lãi suất thấp. Hoặc doanh nghiệp kinh doanh nhà phối hợp với

doanh nghiệp có người lao động muốn mua nhà ở, doanh nghiệp kinh doanh nhà sẽ bỏ 50% vốn, phần còn lại sẽ huy động từ người lao động và đóng góp của công đoàn [5, tr. 122]. Để đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển nhà ở, thành phố đã thực hiện sự hỗ trợ đối với nhiều dự án như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng,... sự hỗ trợ này đã có tác động không nhỏ đến việc thực hiện một cách có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển nhà ở.

Thứ tư, mạnh dạn thí điểm các mô hình đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt trong vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh đã hết sức linh động và mạnh dạn trong việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình đầu tư phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội. Cụ thể, thành phố đã tiến hành thí điểm việc xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở cho sinh viên, cán bộ công chức trẻ có thu nhập thấp; thí điểm việc xã hội hóa việc huy động vốn đầu tư phát triển nhà ở thông qua việc cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà ở kết hợp với ngân hàng trong nước vay vốn nước ngoài đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội,...

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án tại Hà Nội ppt (Trang 28 - 30)