Kinh doanh bằng mô hình nhượng quyền thương mại tuy còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng sức hấp dẫn và những ưu điểm của nó đã được chứng minh qua thực tiễn ở các nước phát triển trên thế giới. Ngày nay, trên thế giới, khu vực kinh tế dịch vụ đang chứng kiến hàng loạt các doanh nghiệp sử dụng phương thức này. Đối với chủ thương hiệu, thông qua mô hình chuỗi liên kết tạo thành mạng lưới kinh doanh – phân phối dày đặc, nhượng quyền thương mại mang lại siêu lợi nhuận cho họ và cả sự tiện lợi cho người tiêu dùng. McDonald’s, Kentucky Fried Chicken, Burger King, Pizza Huts…là những điển hình minh chứng cho sự thành công này. Thể hiện ở:
Bên nhượng quyền có thu nhập từ phí nhượng quyền thương mại ban đầu và được hưởng một luồng tiền mặt liên tục thông qua tiêu thụ sản phẩm và từ các khoản phí nhượng quyền mà không phải cung cấp thêm vốn hoặc trực tiếp quản lý bên nhận quyền. Với luồng tiền mặt này chủ thương hiệu có thể tiếp tục nhân rộng hệ thống nhượng quyền của mình một cách nhanh chóng. Đây chính là một ưu thế nổi bật của kinh doanh nhượng quyền.
Bên cạnh đó nhượng quyền thương mại thể hiện một chiến lược có hệ thống và tiết kiệm chi phí để phát triển nhanh chóng hệ thống tiếp thị với sự tham gia trực tiếp và đầu tư tài chính tối thiểu.
Lợi thế kinh tế theo quy mô được phát huy một cách tối đa trong mô hình nhượng quyền: sức mạnh trong việc sở hữu một hệ thống đồng nhất giúp bên nhượng quyền có khả năng giảm thiểu chi phí do có quy mô lớn.
Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong việc giảm chi phí vận hành và chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Lấy ví dụ trong trường hợp của McDonald’s, hệ thống này có thể tiêu thụ đến 10.000 tấn thịt lợn mỗi ngày. Và đó là con số hấp dẫn cho bất kỳ nhà sản xuất hay hệ thống siêu thị nào trên thế giới. Do vậy, chúng ta có thể hình dung mức giá McDonal’s phải trả cho một tấn thịt khi mua hàng với quy mô nói trên.
Điểm cần phân tích thêm chính là hoạt động tiếp thị xây dựng thương hiệu và nghiên cứu phát triển. Đây là hai hoạt động rất cơ bản để xây dựng và phát triển một thương hiệu. Tuy nhiên, chúng lại chứa đựng rất nhiều rủi ro và đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Việc tập trung nguồn lực về một đầu mối trong toàn hệ thống để triển khai các hoạt động truyền thông tiếp thị và nghiên cứu phát triển giúp khẳng định được vị thế của thương hiệu và gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra hệ thống có khả năng bành trướng nhanh chóng vì có khả năng vượt qua những cản trở về áp lực quản lý. Trong hệ thống nhượng quyền, có sự phân chia rất rạch ròi về vai trò quản lý hệ thống và quản lý kinh doanh trực tiếp. Do tính chuyên nghiệp hoá này, quản trị công ty được tối ưu hoá. Bên nhượng quyền dành phần lớn nguồn lực để phát triển hệ thống thông qua các hoạt động như: quảng bá hình ảnh; hoàn thiện quy trình; đầu tư vào nghiên cứu cơ bản về hành vi tiêu dùng của khách hàng, về chiến lược phát triển, về chính sách hỗ trợ hệ thống, v.v…
Mặt khác những khó khăn về vị trí địa lý, tập quán văn hoá, đặc thù địa phương đều được hệ thống nhượng quyền thương mại giải quyết khá tốt khi bên nhận quyền giải quyết các vấn đề này. Chỉ có bên nhận quyền, do phải quản lý ở quy mô nhỏ, cấp cửa hàng, lại thường là doanh nghiệp có nguồn gốc chính tại địa phuơng triển khai hoạt động kinh doanh nên sẽ am hiểu tốt hơn bên nhận quyền để có thể vận hành hoạt động kinh doanh tốt.
Nói cách khác, hệ thống nhượng quyền đã khai thác được cả uy tín và cách quản trị toàn cầu nhưng triển khai phù hợp với địa phương.
Một lợi ích nữa đối với chủ thương hiệu khi tham gia nhượng quyền là việc giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh: việc vận hành nhượng quyền được hình thành trên quan điểm hệ thống. Một rủi ro xảy ra sẽ được san xẻ rủi ro trong toàn bộ hệ thống. Lấy ví dụ về trường hợp bệnh cúm gà trong thời gian qua. Có những lúc, chính quyền đã cấm không được kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm trong thời gian nhiều tháng thì rõ ràng một hệ thống hàng ngàn cửa hàng như KFC, Lotteria với thực đơn chính là gà rán thì nguy cơ phá sản hẳn không phải là không hiện thực. Trong thực tế, thiệt hại này được san sẻ đều cho cả hệ thống. Bên nhượng quyền bằng nguồn lực của mình sẽ nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra thực đơn thay thế, món cá rán của KFC là một ví dụ.