Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Dịch vụ thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn potx (Trang 73 - 74)

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung cũng như thúc đẩy hoạt động của dịch vụ thương mại và du lịch Lạng Sơn nói riêng. Lạng Sơn cần triển khai các những vấn đề sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức cho bản thân người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ thương mại và du lịch đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để từ đó giáo dục ý thức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động

Đảm bảo tính hợp lý trong cơ cấu đào tạo tránh sự mất cân bằng cung cầu lao động trên thị trường, không gây lãng phí nguồn lực của xã hội, tránh tình trạng chỉ tập trung vào đào tạo ở bậc đại học mà ít quan tâm đến việc đào tạo nghề chuyên môn nghiệp vụ gây ra tình trạng “ thừa thầy, thiếu thợ ”.Tại các cơ sở đào tạo phải kết hợp lý luận đi đôi với thực tiễn. Tỉnh cần có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí để đào tạo đội ngũ cán bộ thương mại và du lịch cho tỉnh dưới nhiều hình thức như mở các lớp đào tạo trên địa bàn, tổ chức các khoá đào tạo, dành các suất học bổng cho cán bộ chủ chốt của ngành tu nghiệp ở nước ngoài. Liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp thương mại và du lịch, gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực thương mại và du lịch.

Xây dựng các chính sách đào tạo cán bộ quản lý thương mại ở các cấp độ khác nhau như đào tạo các cán bộ giỏi đàm phán trong các buổi tiếp xúc, trao đổi giữa các đoàn đại biểu chính quyền và doanh nghiệp 2 nước để học hỏi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư, tổ chức tốt công tác xúc tiến thương mại... đào tạo cán bộ quản lý chuyên ngành phù hợp với những đòi hỏi, yêu cầu của thị trường và phong cách tư duy thương mại hiện đại.

Xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi tiếng Trung, đồng thời giỏi nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, thành lập bộ phận nghiên cứu thị trường để nắm bắt kịp thời những thay đổi về chính sách quản lý xuất nhập khẩu, các ưu đãi thuế quan và phi thuế quan của cả hai phía cũng như những biến động về nhu cầu thị trường để xây dựng phát triển dịch vụ thương mại và du lịch phù hợp, có hiệu quả.

Tăng cường trao đổi thông tin giữa hai nước, hợp tác áp dụng các hình thức trao đổi thương mại hiện đại như thương mại điện tử.

Trong công tác tuyển dụng lao động cần tuyển đúng người, đúng việc, có chính sách ưu đãi đối với nhân tài. Hàng năm, cần tiếp tục tổ chức chặt chẽ các cuộc thi tay nghề như lễ tân, hướng dẫn viên, nhà kinh doanh giỏi... nhằm thúc đẩy phong trào thi đua và tôn vinh những người lao động giỏi trong ngành thương mại và du lịch. Mặt khác, tỉnh cần có những chính sách đầu tư đúng mức cho đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thương mại và du lịch, ưu tiên phát triển cho ngành.

Tăng cường công tác quản lý lao động trong các doanh nghiệp thương mại và du lịch. Thực hiện tốt việc đóng bảo hiểm cho người lao động, chỉ tuyển dụng những lao động đã có chứng chỉ được đào tạo nghiệp vụ thương mại và du lịch; có kế hoạch cụ thể trong việc tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ cho người lao động. Tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng quốc gia các doanh nghiệp cần tuyển đội ngũ hướng dẫn viên giỏi.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Dịch vụ thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn potx (Trang 73 - 74)