Dân số trung bình năm 2004 của Lạng Sơn là 731.820 người, trong đó các dân tộc ít người chiếm số đông (dân tộc Nùng chiếm 43,86%, dân tộc Tày chiếm 35,92%, dân tộc Kinh chiếm 15,16%, dân tộc Dao chiếm 3,59% và các dân tộc khác là 1,41%) Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động là 390.220 người chiếm 53,3% tổng dân số, trong đó đa số là lao động trẻ, khoẻ, là nguồn nhân lực lớn cho phát triển kinh tế. Nhưng lực lượng lao động của Lạng Sơn chủ là lao động nông nghiệp, mặt khác số lao động qua đào tạo lại chiếm một tỷ trọng tương đối thấp khoảng 19,6% trong tổng số lao động, số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao rất ít, đó là cản trở lớn trong việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá [58, tr.36].
Những tập quán sinh hoạt, những phong tục hội hè, những phiên chợ vùng cao ở đây, những trang phục dân tộc cùng những làn điệu then, sli, lượn đều rất hấp dẫn các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế và những khách du lịch. Tham dự một buổi hát sli lượn,
một ngày hội lồng tồng, một ngày hội nào khác ở bản làng, đều là những ước mơ để thoả mãn những nhu cầu văn hoá của khách du lịch.
Bên cạnh đó Lạng Sơn còn có những đặc sản quê hương, những món ăn đặc biệt với hương vị riêng rất Lạng Sơn. Nhiều người thích bánh cuốn trứng với nước chấm chanh rừng, phở chua, phở vịt quay... Những năm đầu thế kỷ XX, Tràng Định nổi tiếng cả nước và cả Trung Quốc về món vịt quay mà ngày nay đã phát triển ra nhiều nơi. Còn rất nhiều món ăn dân tộc của bà con các dân tộc Tày, Nùng chưa được giới thiệu. Những loại gia vị như lọ măng ớt cũng đã bắt đầu được làm quen với khách du lịch. Lạng Sơn có nhiều loại hoa quả: Mơ Tràng Định, Mận Bình Gia, Lê Thất Khê, Hồng Bảo Lâm, Quýt Bắc Sơn, Na Chi Lăng, Đào Mẫu Sơn... và nhiều loại hoa quả khác luôn hấp dẫn mọi người.
* Lạng Sơn có nhiều di tích lịch sử - văn hoá:
- Di tích lịch sử Chi Lăng: Chi Lăng là khu di tích lịch sử gồm 52 điểm, kéo dài gần 20 km, từ Bia Mỗ đền Hổ Lai (xã Mai Sao) đến Bia Mốc cầu Quan Âm. Đây là khu di tích ghi dấu những chiến công oai hùng của dân tộc ta trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Từ những di tích chiến thắng chống quân Tống năm 981, chiến thắng chống quân Tống lần thứ 2 năm 1077, chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 2 lần thứ 3 (thế kỷ XIII) chiến thắng Chi Lăng ngày 10/10/1427... và những di tích chống Pháp, Nhật, Mỹ sau này khu di tích này đã được Bộ văn hoá thông tin xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962.
- Quần thể du lịch Nhị - Tam Thanh và tượng đá Tô Thị Vọng Phu.
Từ thế kỷ XVIII nhà thơ, nhà chính trị Ngô Thì Sĩ đã từng gọi Nhị - Tam Thanh là một trong những “ Trấn doanh bát cảnh” của Xứ Lạng.
Động Tam Thanh là thắng cảnh tự nhiên với muôn trùng nhũ đá thiên tạo, trong động có hồ Cảnh (hay còn gọi là hồ Âm Ty), nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn. Gần cửa sau của động, cửa Thông Thiên hướng thẳng lên đỉnh núi. Qua bao thăng trầm đến nay động Tam Thanh vẫn xứng với lời văn bia tiền nhân đã khắc ghi: Động này là kỳ quan do trời đất tạo ra, nơi đây là thắng cảnh của vùng đất thiêng, người giỏi, thực khó mà mô tả, tô vẽ được. Ngoài ra, chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh là danh
thắng mang giá trị văn hoá, nghệ thuật. Nổi bật nhất trong chùa là hệ thống văn bia ghi lại quá trình tôn tạo chùa và cảm xúc của các văn nhân, thi sĩ qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Nằm cạnh động - chùa Tam Thanh là động Nhị Thanh với chùa Tam Giáo. Một trong bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ có công phát hiện, tôn tạo để làm “Trấn đốc Lạng Sơn” giai đoạn 1777-1780. Động Nhị Thanh là một hang đá tự nhiên, phía trên là các hòn đá với nhiều hình dáng kỳ vĩ, phía dưới là con suối dài 500m, nước chảy róc rách. Trước đây, động là nơi đàm đạo, thưởng ngoạn của các tao nhân. Đến nay, động Nhị Thanh còn lưu lại dấu tích “Thạch Miên am”(tức Am ngủ trên đá), “Thụy Tiền hiên”(tức Hiên ngủ bên suối). Điều quý giá nhất ở động Nhị Thanh là 20 bia Ma Nhai tạc trên vách đá, ghi bút tích của các danh nhân, thi sĩ, quan lại qua các thời kỳ. Chính giữa động lưu giữ tượng truyền thần của Ngô Thì Sĩ tạc từ năm 1779, có giá trị mỹ thuật - lịch sử cao. Tượng đá nàng Tô Thị với truyền thuyết về tấm lòng son sắt của người phụ nữ Việt Nam đã được đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều đã để lại bài thơ “Đá vọng phu” với 2 câu kết:
Bốn trời đồi núi mênh mông Riêng người phụ nữ gương lành treo cao.
Ngay dưới chân núi Tô Thị là một eo núi còn lưu giữ 2 đoạn tường thành xây bằng đá với nhiều lỗ châu mai. Đó là dấu tích của thành nhà Mạc, một di tích kiến trúc quân sự phản ánh một thời kỳ nội chiến tương tàn trong lịch sử Việt Nam. Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn là căn cứ quân sự hiểm yếu, trấn giữ con đường độc đạo nối giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Đền Kỳ Cùng:
Đền Kỳ Cùng ở phố Đầu Cầu, phường Quang Trung, Thành phố Lạng Sơn. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: Đền Kỳ Cùng ở xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, nơi tả ngạn sông Kỳ Cùng có thần Giao Long, đền rất linh hiển, được lịch triều phong tặng, khi sứ bộ đi qua đây trước sửa lễ cáo yết sau mới sang đò...
Phía trước đền là bến đá Kỳ Cùng (Kỳ Cùng Thạch Độ) từng được Ngô Thì Sĩ xếp là 1 trong 8 cảnh đẹp của Xứ Lạng từ thế kỷ 18 (Trấn doanh bát cảnh).
Trước đây khi đền được xây dựng để thờ thần Giao Long(Thần sông) nhưng qua quá trình biến đổi của tự nhiên cũng như của xã hội, dưới tác động của các sự kiện lịch sử,
đền đã thay việc thờ thần Giao Long bằng thờ quan Tuần Tranh, một vị tướng nhà Trần. Theo truyền thuyết của nhân dân Xứ Lạng ông là người có thân thế và sự nghiệp gắn với khu di tích này. Bên cạnh còn có điện thờ Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian người Việt. Đền còn lưu giữ được một số hiện vật quý liên quan đến đền: Bia trùng tu đền (Trùng tu bi tư) tạc tháng 2 năm 1931; Các hoành phi - Đại tự có niên đại thời Lê(1784) và Nguyễn (Bảo Đại, Khải Định...).
Lễ hội đền Kỳ Cùng được tổ chức ngày 22- 27 tháng giêng. Đền Kỳ Cùng đã được Bộ văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia năm 1993.
* Khu du lịch Mẫu Sơn:
Từ xa xưa Mẫu Sơn đã có huyền thoại kỳ bí nay trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khách thập phương bởi môi trường sinh thái trong lành.
Dẫy núi Mẫu Sơn cao trên 1.500m so với mặt biển. Khi lên tới đỉnh núi du khách có thể thả hồn chiêm ngưỡng sự bao la, hiền hoà của đất trời và ngắm nhìn thành phố Lạng Sơn bằng mắt thường cách xa khoảng 20km theo đường chim bay. Đặc biệt, ở Mẫu Sơn khi nhiệt độ dưới O độ C, thậm chí âm 6 độ C, băng tuyết xuất hiện là lúc Mẫu Sơn trở nên trắng xoá.
Lên Mẫu Sơn, du khách còn được tìm hiểu nét văn hoá độc đáo của các dân tộc Dao, Mông, Nùng hay thưởng thức các món ăn dân tộc vùng cao như “rau sạch”, đặc sản ếch Hương, quả đào Mẫu Sơn thơm ngon... Thú vị hơn, du khách có thể vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa thưởng thức ly rượu Mẫu Sơn, loại rượu đặc sản mà chỉ thứ men có thành phần của một số loài thảo mộc trên núi Mẫu Sơn mới có và chỉ dùng nguồn nước chảy từ Núi Mẹ để chưng cất. Ai đã từng uống loại rượu này mới cảm nhận được hương mùi sắc của ngọn núi Mẫu Sơn như câu ca dao:
Ai lên xứ Lạng cùng anh Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem Mải vui quên hết lời em dặn dò
Trên đây là những tiềm năng và lợi thế của Lạng Sơn. Để biến các tiềm năng đó thành của cải, một đòi hỏi thiết yếu là phải phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại và
du lịch coi đó là giải pháp đột phá tạo tiền đề cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.