Du lịch là thế mạnh của Lạng Sơn, là một ngành kinh tế quan trọng có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong tương lai và góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, do đó cần:
Phải phát triển mạnh du lịch với tốc độ tăng trưởng nhanh, phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh
Tổ chức lãnh thổ du lịch trên địa bàn tỉnh gắn liền với tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và các vùng khác.
Năm 2006, thu hút khoảng 1.142 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế là 151 ngàn lượt khách, khách nội địa là 991 ngàn lượt khách; Phấn đấu đến năm 2010 có khoảng 2.290 ngàn lượt khách du lịch đến Lạng Sơn, trong đó khách quốc tế khoảng 302 ngàn lượt khách, khách nội địa khoảng 1.988 ngàn lượt khách, tăng gấp 2 lần so với năm 2006. Mức tăng bình quân giai đoạn này là 19%. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm tăng từ 19 - 21% [33, tr.5-6].
Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực phục vụ trong ngành du lịch, đồng thời tạo môi trường xã hội thanh bình, mến khách, để đạt được mục tiêu và phù hợp với xu thế phát triển chung. Phát triển ngành du lịch trong từng thời kỳ nối tiếp nhau với phương châm: Hoàn thiện hơn, hiện đại hơn và hiệu quả hơn.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao ở khu vực thành phố, Đồng Đăng, Tân Thanh phục vụ nhu cầu khách du lịch và buôn bán quốc tế. Đầu tư hoàn thiện các khu du lịch như: Khu nghỉ mát Mẫu Sơn, khu Động Nhị - Tam Thanh, thành nhà Mạc, hồ Phai Loạn, khu nghỉ mát Thác Trà - Nà Me, hệ thống hang động Chi Lăng, rừng đặc dụng Hữu Liên, du lịch Đèo Giang - Văn Vỉ...
Một trong những điểm du lịch quan trọng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế là thành phố Lạng Sơn và phụ cận, cách thủ đô Hà Nội khoảng 154 km đồng thời cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Đồng Đăng 14 km, là cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, một
trung tâm buôn bán sầm uất, có núi Vọng Phu, có nàng Tô Thị, có động Nhị - Tam Thanh, chùa Tiên, giếng Tiên... Trong tương lai, đây sẽ là khu du lịch thương mại quá cảnh, tham quan... của tỉnh.
Điểm du lịch nghỉ mát Mẫu Sơn có khí hậu quanh năm mát mẻ, sạch sẽ, trong lành, cảnh quan thơ mộng, nơi quần tụ sinh sống chủ yếu của đồng bào Dao, nơi có đào Mẩu Sơn nổi tiếng cả nước... Tỉnh đang đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng nơi đây thành khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi, thám hiểm và giao lưu văn hoá các dân tộc của tỉnh.
Điểm du lịch khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Sơn - Bình Gia. Nơi đây có di tích lịch sử: khu căn cứ cách mạng Bắc Sơn, hệ thống hang động Thẩm Quyến, Thẩm Hai, khu rừng nguyên sinh Mỏ Rẹ với nhiều loại thảm thực vật và động vật quý hiếm... Trong tương lai, đây sẽ là điểm du lịch văn hoá - sinh thái hấp dẫn.
Điểm du lịch di tích lịch sử Chi Lăng với cảnh quan núi non, hang động đa dạng, là điểm văn hoá - lịch sử.
* Phát triển các tuyến du lịch: - Tuyến du lịch liên vùng:
Tuyến du lịch Đồng Đăng - Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội và từ Hà Nội có thể đi các tỉnh khác trong cả nước.
Tuyến du lịch Lạng Sơn - Móng Cái - Trà Cổ.
Tuyến du lịch Lạng Sơn - Hạ Long - Cát Bà - Hải Phòng.
Tuyến du lịch Lạng Sơn - Cao Bằng - Yên Bái - Phú Thọ Vĩnh Phúc. Tuyến du lịch Lạng Sơn - Thái Nguyên - Bắc Cạn.
- Tuyến du lịch biên giới giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).
Tuyến du lịch Lạng Sơn - Bằng Tường (Hữu Nghị Quan, Pò Chài, thị xã Bằng Tường, điểm du lịch Đại Liên Thành) - Huyện Ninh Minh (Bích hoạ hoa sơn) - Lạng Sơn.
Tuyến du lịch Lạng Sơn - Bằng Tường - Đại Tân - Sùng Tả - Bằng Tường - Lạng Sơn.
Tuyến du lịch Lạng Sơn - Bằng Tường (Hữu Nghị Quan, vườn Đại Thạch Sơn) - Sùng Tả (Thạch Lâm, tháp nghiêng, khỉ đầu trắng...) - Phù Tuy (di chỉ khủng long...) - Bằng Tường - Lạng Sơn.
Đây cũng chính là các chương trình du lịch đang được phía Quảng Tây (Trung Quốc) quan tâm và đề nghị hợp tác khai thác.