Theo số liệu của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, hiện nay có khoảng hơn 70 hãng cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế tại Việt Nam, trong đó chuyển phát nhanh quốc tế có 10 hãng. Các hãng chuyển phát nhanh nội địa ngoại trừ EMS đều là các hãng trẻ, hướng vào các thị trường sôi động như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Số lượng nhà cung ứng cho thấy quy mô thị trường chuyển phát nhanh đang mở rộng một cách nhanh chóng, nhu cầu chuyển phát nhanh ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp ngày càng tăng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào cung ứng dịch vụ để thu lợi nhuận. Tuy cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam còn kém nhưng các phương tiện sử dụng trong dịch vụ đều là các phương tiện linh hoạt nên đáp ứng được nhất định nhu cầu vận chuyển liên
tỉnh và quốc tế. Các hãng chuyển phát nhanh quốc tế thường trang bị phương tiện và cơ sở vật chất, kho hàng hiện đại và chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên mức giá cước cao hơn nhiều các hãng nội địa do dịch vụ cao cấp hơn, an toàn, chính xác và phạm vi vận chuyển rộng hơn.. Các hãng chuyển phát nhanh quốc tế mạnh hiện nay là DHL, FEDEX (của Mỹ), TNT, UPS (của Mỹ), OCS (của Nhật), JNE Crie (của Pháp) có tên tuổi và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Về thị phần chuyển phát nhanh quốc tế, DHL hiện đang là hãng có vị thế lớn nhất, chiếm 1/3 thị trường. Tiếp theo là TNT và FEDEX với thị phần khoảng 20%, EMS 15%, UPS khoảng 3-4%. Các hãng Việt Nam mới thành lập chủ yếu cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh trong nội địa, nhưng đây mới là các hãng quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Thị phần chuyển phát nhanh nội địa chủ yếu thuộc về công ty EMS của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (khoảng 80%) do công ty này có mạng lưới nội địa rộng, có uy tín lâu năm ở Việt Nam.
Về chất lượng dịch vụ, nhìn chung các hãng chuyển phát nhanh quốc tế có chất lượng dịch vụ hơn hẳn ở cả tiêu chí an toàn, chính xác, tinh thần phục vụ. Các hãng nội địa hiện nay kinh doanh rất linh hoạt, tốc độ vận chuyển khá nhanh nhưng sự đảm bảo về an toàn chưa cao, đồng thời phạm vi phục vụ thấp, chăm sóc khách hàng chưa chuyên nghiệp nên chất lượng dịch vụ chỉ ở mức “chấp nhận được” với các doanh nghiệp khách hàng.
Về chủng loại sản phẩm, các chủng loại sản phẩm chưa đa dạng. Các hãng hiện nay chủ yếu chia sản phẩm chuyển phát nhanh thành hai loại: chuyển phát nhanh hàng hóa và chuyển phát nhanh tài liệu, ngoài ra các sản phẩm dịch vụ đi kèm không nhiều. Các hãng thường đưa ra gói sản phẩm “chuyển phát nhanh định giờ” nhưng với điều kiện phương tiện hiện nay thì chưa hãng nào thực hiện được hoàn chỉnh gói sản phẩm này. Các công ty quốc tế do có công nghệ cao và cơ sở tốt nên còn đưa thêm các sản phẩm như chuyển phát hàng nguy hiểm, hàng nặng, thiết bị y tế, quần áo thời trang…
Xét tổng thể, thị trường chuyển phát nhanh tại Việt Nam hiện đang mở rộng và có những bước chuyển mình. Các hãng chuyển phát nhanh ở Việt Nam chưa có quy mô lớn và trình độ cao nhưng sự có mặt của các hãng quốc tế đem lại sức ép cạnh tranh rất lớn, buộc các hãng nội địa phải đầu tư phát triển theo chiều sâu. Với số lượng hãng chuyển phát nhanh trên thị trường Việt Nam hiện nay, tình hình cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng mạnh mẽ và sôi động, các hãng quốc tế sẽ thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực chuyển phát nhanh nội địa và các hãng Việt Nam sẽ tích cực hơn vươn ra chuyển phát nhanh quốc tế, thúc đẩy ngành chuyển phát nhanh tại Việt Nam phát triển lên tầm cao hơn.