Đổi mới phương pháp dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục lý luận Mác - Lênin cho sinh viên các trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hiện nay doc (Trang 62 - 64)

Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin

Trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học đòi hỏi việc giảng dạy lý luận Mác-Lênin cũng phải có sự đổi mới tích cực. Giảng dạy lý luận Mác-Lênin cần phải thay phương pháp dạy học cũ, nặng tính áp đặt bằng một cách dạy mới đó là chứng minh lý luận Mác-Lênin một cách thuyết phục bằng chính những luận cứ khoa học, bằng chính thực tiễn cuộc sống sinh động và phải phát huy được tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập.

Các môn khoa học Mác-Lênin với đặc trưng khái quát hoá, trừu tượng hoá cao, đòi hỏi GV dạy các môn khoa học này phải tìm ra cách dạy phù hợp với tâm lý, đặc điểm tư duy của sinh viên các trường CĐSP biên giới phía Bắc. Đó là phương pháp giảng dạy dẫn dắt sinh viên đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp,từ thấp đến cao; Từ hiểu tri thức đến rèn luyện kỹ năng vận dụng tri thức. Giảng dạy lý luận Mác-Lênin cần tránh cách dạy đang còn tồn tại hiện nay là nhồi nhét kiến thức, lý thuyết chung chung. Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Các thầy, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh” [51, tr.138]. Dạy lý luận là phải làm sao để người học hiểu thấu vấn đề, phải dùng lời lẽ, thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu. Dạy phải nâng cao và hướng dẫn tự học cho người học. Người coi đây là một trong những yêu cầu rất quan trọng của người dạy. Có làm được như vậy thì việc giáo dục mới đạt được yêu cầu theo như tinh thần của Hồ Chí Minh là giáo dục phải “cốt thiết thực, chu đáo hơn”.

Giáo dục lý luận Mác-Lênin phải “chú trọng việc cải tạo tư tưởng”. Sau mỗi bài học các môn khoa học Mác-Lênin, giảng viên cần chú ý đến việc liên hệ với thực tế diễn biến tư tưởng của sinh viên, hướng dẫn sinh viên vận dụng lý luận vào bản thân để phân tích và chỉ ra được những biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng của mình. Như Hồ Chí Minh dạy, mục đích giáo dục và học tập lý luận chính trị nói chung, lý luận Mác-Lênin nói riêng là: “Học để sửa chữa tư tưởng, tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới

làm tròn nhiệm vụ được giao; “học để tin tưởng”, học lý luận Mác-Lênin sẽ giúp sinh viên tin tưởng hơn vào con đường xây dựng XHCN của dân tộc ta, để có quyết tâm và nghị lực vượt khó trong học tập và cuộc sống; “học để hành: học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.

Như vậy, đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác-Lênin cho sinh viên các trường CĐSP ở các tỉnh biên giới phía Bắc cần theo hướng sau:

- Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học cùng với sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại nhằm đảm bảo tính hiệu quả và mang tính khả thi.

- Đổi mới phương pháp thảo luận (xêmina) nhằm nâng cao chất lượng các giờ thảo luận.

- Đổi mới cách thức tổ chức ôn tập cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá sinh viên, tìm ra những hình thức thi phù hợp việc đổi mới phương pháp dạy và học như: thi trắc nghiệm, viết tiểu luận cho sinh viên.

- Gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp học chính khoá với tổ chức các hình thức ngoại khoá, những hoạt động chính trị-xã hội đa dạng, phù hợp đối tượng sinh viên và điều kiện của nhà trường, địa phương.

Thứ hai, đổi mới phương pháp học tập các môn khoa học Mác-Lênin của sinh viên

Dạy - học là hai mặt nằm trong một thể thống nhất biện chứng, vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy phải gắn liền với việc tìm ra những biện pháp để tăng cường khả năng tự học, khả năng tư duy, biết vận dụng lý luận vào thực tiễn của sinh viên như:

+ Phải có phương pháp học tập chủ động, tích cực, phát huy được năng lực trí tuệ của bản thân.

+ Hình thành thói quen quan tâm đến những vấn đề liên quan môn học như: nghe chương trình thời sự, đọc sách báo cập nhật thông tin trong nước, địa phương và thế giới giúp mở mang kiến thức, tạo hứng thú học tập bộ môn.

+ Phải rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát kiến thức trong khi nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin.

+ Tăng cường trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn. Phương pháp này giúp sinh viên biến mình thành cá nhân tích cực, giúp sinh viên nhớ lâu, nhớ

sâu những vấn đề đã trao đổi, thảo luận, đồng thời rèn luyện được kỹ năng nói thuộc yêu cầu của nghiệp vụ sư phạm.

Tóm lại, việc đổi mới phương pháp dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin cho

sinh viên các trường CĐSP ở các tỉnh biên giới phía Bắc là một quá trình rất phức tạp, đa dạng đòi hỏi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Phải chú ý đến kết hợp nhiều hình thức, phương pháp thích hợp với từng môn học, với đối tượng người học; phải đảm bảo theo hướng thiết thực, hiện đại, gắn với yêu cầu của cuộc sống. Giáo dục sinh viên phải bằng nhiều biện pháp linh hoạt, phát huy năng lực tư duy sáng tạo của sinh viên, khắc phục dần cách dạy “nhồi nhét” của GV và kiểu “học vẹt”, học “đối phó” của sinh viên.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục lý luận Mác - Lênin cho sinh viên các trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hiện nay doc (Trang 62 - 64)