Thứ nhất, về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên các môn khoa học
Mác-Lênin trong 7 trường CĐSP biên giới phía Bắc, tính đến 31-5-2005 (Xem phụ lục 1) cho thấy: đội ngũ giáo viên các môn khoa học Mác-Lênin của nhiều trường CĐSP biên giới phía Bắc là còn thiếu về số lượng, đặc biệt là về chất lượng của đội ngũ giáo viên Mác-Lênin. Do đa số các trường CĐSP biên giới phía Bắc mới được nâng cấp lên trình độ cao đẳng (Trừ CĐSP Quảng Ninh được nâng lên từ năm 1980, còn lại các trường khác: Lạng Sơn 1997; Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai 10-2000, Điện Biên 12-2000) nên giáo viên Mác-Lênin chủ yếu có trình độ cử nhân. Trong tổng số giáo viên các trường
CĐSP biên giới phía Bắc tính đến năm học 2004-2005 có số tiến sĩ là: 3; thạc sĩ 212 / 860 GV, chiếm 25,8%. Trong đó, số giáo viên Mác-Lênin ở các trường CĐSP biên giới phía Bắc có trình độ thạc sĩ mới chiếm 10 %, còn nhiều trường cho đến thời điểm năm học 2004-2005 chưa có giáo viên Mác-Lênin đạt trình độ thạc sĩ (Lạng Sơn, Lào cai, Điện Biên, Sơn La)
Chiếm 45,8% giáo viên Mác-Lênin ở các trường là người dân tộc thiểu số. Về độ tuổi, 70 % giáo viên ở độ tuổi từ dưới 30 tuổi đến 40 tuổi. Nếu so với nhiều trường đại học (theo dự thảo báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX của Bộ GD&ĐT số giáo viên dưới 35 tuổi rất thấp chiếm 12%) thì đội ngũ giáo viên Mác-Lênin ở các trường CĐSP biên giới phía Bắc đang được trẻ hoá. Đội ngũ này được đào tạo cơ bản tại ba trung tâm giáo dục lớn là ĐHSP Thái Nguyên, ĐHSP Hà Nội và ĐH Quốc gia. Thế mạnh của đội ngũ này là trẻ, khoẻ, nhiệt tình, nhanh nhạy và sáng tạo. Tuy nhiên, hạn chế của đội ngũ giáo viên trẻ là còn thiếu kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn chưa cao. Đội ngũ giáo viên có độ tuổi trên 40 đến 50 tuổi chiếm 30% đồng thời là những Đảng viên có số tuổi Đảng nhất định là điểm tựa vững chắc cho đội ngũ giáo viên trẻ, nhất là về kinh nghiệm giảng dạy và phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Song hạn chế của đội ngũ này về trình độ ngoại ngữ và tin học rất hạn chế, kiến thức chuyên môn, theo thời gian, nếu không được thường xuyên củng cố bồi dưỡng thì dễ bị mai một, lạc hậu, việc tiếp cận và ứng dụng phương pháp giảng dạy hiện đại chậm chạp, khó khăn.
Đội ngũ giáo viên Mác-Lênin các trường CĐSP biên giới phía Bắc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tất cả các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với số lượng là trên 10 môn học trong chương trình đào tạo CĐSP. Đội ngũ giáo viên Mác- Lênin còn tham gia vào công tác giáo dục trong "Tuần sinh hoạt công dân-sinh viên " đầu khoá, đầu năm học, tham gia các tuần thi tìm hiều pháp luật, thi Ôlimpic các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tham gia công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các đợt học tập Nghị quyết của Đảng, các phong trào thi tìm hiểu về các sự kiện chính trị xã hội nhân các dịp kỷ niệm…góp phần đảm bảo cho việc giáo dục lý luận Mác- Lênin cũng như hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng trong nhà trường đi đúng định hướng phát triển của đất nước.
Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên Mác-Lênin, chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy để dần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy-học các môn khoa học Mác- Lênin trong các nhà trường. Đảng uỷ, Ban giám hiệu các nhà trường luôn tạo điều kiện để giáo viên các môn Mác-Lênin tham dự những đợt tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức; tăng cường quản lý dạy và học các môn Mác-Lênin trong nhà trường. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Mác-Lênin các trường CĐSP biên giới phía Bắc.
Do yêu cầu của việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho sinh viên, nhận thức được trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lý luận Mác-Lênin, nhiều giáo viên đã vượt khó khăn vươn lên trong tự bồi dưỡng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.Trong những năm gần đây, số lượng giáo viên đi học cao học đã tăng đáng kể, một số giáo viên tích cực học tập ngoại ngữ, vi tính để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy lý luận Mác-Lênin các trường CĐSP biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, việc cập nhật thông tin để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như để bổ sung tài liệu thực tiễn vào bài giảng của đội ngũ giáo viên chưa thường xuyên, liên tục. Điều này do nhiều nguyên nhân: hạn chế về trình độ của bản thân giáo viên; thiếu những phương tiện hỗ trợ cần thiết như sách báo chuyên ngành, những phương tiện thông tin hiện đại.
Giáo viên Mác-Lênin các trường CĐSP biên giới phía Bắc hầu như không đi thỉnh giảng như giáo viên ở các Thành phố lớn, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào lương và phụ cấp theo quy định của Nhà nước, nên đời sống còn gặp khó khăn. Để tăng thu nhập, giáo viên chạy theo số lượng giờ dạy và giảng dạy kiêm môn, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giờ dạy.
ở nhiều trường CĐSP biên giới phía Bắc (Lào cai, Cao bằng, Điện Biên, Sơn La) còn tình trạng chưa có Tổ Mác-Lênin độc lập (nằm trong Tổ các bộ môn chung trực thuộc Ban giám hiệu nhà trường), thể hiện tính chuyên môn hoá chưa cao, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy Mác-Lênin.
Do đội ngũ giáo viên trẻ chiếm số đông, nên công tác phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên Mác-Lênin ở các trường CĐSP biên giới phía Bắc còn có tiến độ chậm. Số lượng giáo viên Mác-Lênin là Đảng viên còn ít (Trường CĐSP Lào Cai: 14,2%; Trường CĐSP Điện Biên: 22,2%) (xem phụ lục 1) ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo viên Mác-Lênin về mọi mặt cũng như đến việc nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận Mác- Lênin trong nhà trường.
Về phương pháp giảng dạy
Trong những năm gần đây, việc dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin ở các trường CĐSP biên giới phía Bắc đã từng bước thực hiện theo hướng chuyển dần từ việc truyền đạt tri thức thụ động, sang lối giảng đối thoại, gợi mở; chú trọng dạy cho sinh viên phương pháp tự học, tự thu nhận thông tin một cách có hệ thống, phát triển năng lực cá nhân sinh viên; tăng cường tính chủ động, tự chủ của sinh viên trong quá trình học tập, hoạt động tự quản trong nhà trường. Bước đầu ở một số trường đã xây dựng quy trình lên lớp theo phương pháp mới gồm các bước: giáo viên yêu cầu sinh viên tự đọc tài liệu trước ở nhà - Lên lớp sinh viên tập trung nghe giảng và chủ động ghi chép bài giảng - Sinh viên tự hệ thống bài dưới sự định hướng của giáo viên - Sinh viên ôn tập thường xuyên. Theo phương pháp học tập mới này, sinh viên phải nghiên cứu giáo trình trước khi lên lớp, trong giờ học sinh viên thảo luận sôi nổi, nâng cao chất lượng giờ dạy. Với phương pháp học mới, sinh viên được đọc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn.
Giáo viên chú trọng hướng dẫn sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn, kết hợp giảng dạy lý luận với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nâng cao trình độ nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho sinh viên.
Tuỳ theo đối tượng, điều kiện cụ thể, yêu cầu của mỗi bài, giáo viên bước đầu chú ý kết hợp sử dụng nhiều hình thức phong phú, sinh động như vừa diễn giải vừa lấy ví dụ chứng minh, vừa thuyết minh vừa nêu vấn đề, vừa sử dụng đèn chiếu, mô hình sơ đồ bước đầu gây hứng thú cho sinh viên. Nhưng phương thức này còn ít được giảng viên thực hiện (chủ yếu là tiết thao giảng hoặc tiết đăng ký giáo viên giỏi) vì giáo viên phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, kinh phí không có, lại không có chế độ khuyến khích.
Khâu kiểm tra, thi, đánh giá kết quả là một khâu quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy và học các môn khoa học Mác-Lênin. Để chống thái độ học tủ, học lệch, mang tài liệu vào phòng thi và để đảm bảo đánh giá đúng thực chất trình độ của sinh viên, các trường đang nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm. Chẳng hạn, trường CĐSP Lạng Sơn đang nghiên cứu, thực hiện phương pháp này ở một số môn khoa học Mác-Lênin.
Có thể nhận thấy, việc giảng dạy lý luận Mác-Lênin ở các trường CĐSP biên giới phía Bắc trong thời gian gần đây đã có sự chuyển biến nhất định, song nhìn một cách tổng thể còn chậm được cải tiến và đổi mới; chưa tạo được điều kiện phát huy tính tích cực của sinh viên; những nhận thức mơ hồ, sai trái của sinh viên, ít được nêu lên để kịp thời được uốn nắn. Phần lớn số giờ lên lớp vẫn được giáo viên dạy theo phương pháp thuyết trình, phương pháp đối thoại, nêu vấn đề còn ít được sử dụng. Qua điều tra trong giáo viên Mác-Lênin ở ba trường CĐSP (Lạng Sơn, Cao bằng, Lào cai) cho thấy: 100% sử dụng phương pháp thuyết trình thường xuyên, phương pháp nêu vấn đề, thảo luận nhóm, động não chỉ chiếm từ 20% đến 32,4% (Xem phụ lục 4, bảng 1).
Đội ngũ giáo viên Mác-Lênin các trường CĐSP biên giới phía Bắc còn bộc lộ những hạn chế như: giáo viên ở độ tuổi trẻ chiếm số đông lại ít được thâm nhập thực tế do chế độ đi thực tế hàng năm của giáo viên Mác-Lênin ở các trường hầu như chưa được thực hiện, khả năng và điều kiện cập nhật thông tin hạn chế nên vốn sống, vốn hiểu biết thực tiễn xã hội của giáo viên còn nghèo nàn dẫn đến bài giảng của giáo viên thường bị bó hẹp trong nội dung sách giáo khoa, ít mở rộng, bổ sung số liệu, chất liệu của cuộc sống. Trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên thấp dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật thông tin, nắm bắt các phương tiện giảng dạy hiện đại làm cho giờ dạy các môn lý luận Mác-Lênin trở nên khô khan, ít sức thuyết phục, khiến sinh viên thiếu hứng thú trong học tập các môn lý luận Mác-Lênin. Qua điều tra sinh viên ba trường CĐSP biên giới phía Bắc, 80% sinh viên cho rằng các môn khoa Mác-Lênin là rất trừu tượng, khô khan và thiếu sinh động; chỉ có 8,9% sinh viên thấy hài lòng, hứng thú khi nghe giáo viên giảng, bình thường 78,6% và 12,5% là không hứng thú (Xem phụ lục 4, bảng 2).
Thảo luận (xêmina) đạt hiệu quả chưa cao, ít sử dụng hình thức tham quan, thực tế, viết tiểu luận cho sinh viên do khó khăn về kinh phí hỗ trợ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy bộ môn.
Phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nhìn chung vẫn chưa thật sự đảm bảo tính khách quan, chưa phát huy được tính tích cực sáng tạo của sinh viên.
Tóm lại, trước yêu cầu của việc thực hiện giáo dục toàn diện trong đó có việc nâng
cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên các trường CĐSP ở các tỉnh BGPB, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời kỳ CNH-HĐH, phát triển kinh tế -xã hội của các tỉnh BGPB thì đội ngũ giáo viên lý luận Mác-Lênin còn bộc lộ những hạn chế về trình độ chuyên môn, am hiểu thực tiễn xã hội, cập nhật thông tin, phương pháp giảng dạy, trình độ tin học, ngoại ngữ…Điều đó đòi hỏi đội ngũ giáo viên Mác-Lênin trong thời gian tới cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành, của nhà trường cùng với sự nỗ lực của bản thân để tạo nên sự phát triển về chất.
2.2.2. Thực trạng học tập và rèn luyện của sinh viên
Thứ nhất, về ý thức học tập các môn khoa học Mác - Lênin
Trong quá trình học tập và rèn luyện, sinh viên CĐSP chịu sự quy định bởi mục tiêu đào tạo của nhà trường CĐSP. Có thể nói, ngay từ khi có nguyện vọng thi vào các trường CĐSP, họ đã có ý thức về nghề giáo viên là một nghề cao quý, bên cạnh phải có kiến thức, có kỹ năng sư phạm còn luôn phải là tấm gương sáng về mọi mặt để những thế hệ học sinh noi theo. Khi đã trở thành sinh viên CĐSP, với những hoạt động học tập, rèn nghề, rèn người của nhà trường sư phạm thì ý thức về việc phấn đấu trở thành người giáo viên mẫu mực càng được định hình rõ hơn. Đây là đặc điểm thuận lợi cho việc giáo dục lý luận Mác-Lênin cho sinh viên các trường CĐSP.
Nhận thức được tầm quan trọng của các môn khoa học Mác-Lênin trong mục tiêu giáo dục toàn diện, một bộ phận sinh viên có thái độ học tập đúng đắn, chăm chỉ học tập, tích cực tham gia các kỳ thi học sinh giỏi môn học và kỳ thi Ôlimpic các môn khoa học Mác-Lênin.
Tuy nhiên, còn một bộ phận sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải học tập lý luận Mác-Lênin, đồng nhất việc giáo dục lý luận Mác-Lênin với công tác tư tưởng chính trị chung chung dẫn đến chỉ tập trung vào học các môn chuyên ngành và
nghiệp vụ sư phạm mà coi thường các môn khoa học Mác-Lênin. Biểu hiện về thái độ học tập đối với các bộ môn khoa học Mác-Lênin của bộ phận sinh viên này là không hào hứng, học đối phó, cầm chừng, cốt đạt được điểm 5. Qua điều tra sinh viên của 3 trường CĐSP có 28,3% sinh viên cho rằng học các môn khoa học Mác-Lênin cốt sao để không phải thi lại (Xem phụ lục 4, bảng 1). Bắt nguồn từ thái độ đó, những sinh viên đó có biểu hiện là không soạn bài trước khi lên lớp, trên lớp không tham gia phát biểu xây dựng bài, học tủ, học đối phó trước các kỳ thi học trình và học phần. Thái độ học tập tiêu cực này của sinh viên tác động không nhỏ đến tâm lý của giảng viên, gây ức chế, làm giảm khả năng sáng tạo và nhiệt huyết của người dạy, không khí lớp học trở nên nặng nề, căng thẳng.
Là trường CĐSP, các trường CĐSP biên giới phía Bắc không có khoa giáo dục công dân (giáo dục chính trị hay khoa lý luận Mác-Lênin), nếu có ở hệ cao đẳng THCS thì là đào tạo hai chuyên ngành như: Văn-GDCD, Địa - GDCD, sử- GDCD, GDCD- công tác đội, GDCD- Nhạc, GDCD- Sử...có thể nói không có sinh viên học tập lý luận Mác- Lênin để chuyên hành nghề lý luận. Do vậy, không thể tránh khỏi một số sinh viên chưa nhận thức đúng đắn về ý nghĩa lý luận và thực tiễn của các môn khoa học Mác-Lênin. Trong khi đó, một nhóm xã hội và dư luận xã hội chưa nhận thức đúng về vị trí của việc giáo dục lý luận Mác-Lênin, cho rằng nó không có tác dụng thực sự đối với người học mà chỉ là một sự áp đặt, mang tính thuần tuý lập trường chính trị, tư tưởng. Từ nhiều năm nay, trong nhận thức của nhiều người vẫn cho đó là tính đặc thù của việc giảng dạy, giáo dục lý luận Mác-Lênin. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đối tượng giáo dục lý luận Mác-Lênin là sinh viên.
Thứ hai, về phương pháp học tập các môn khoa học Mác - Lênin
Mặc dù công cuộc đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường CĐSP đã được thực hiện và đẩy mạnh trong những năm học qua, nhưng sinh viên tìm tòi phương pháp học mới đối với các môn Mác-Lênin vẫn còn chậm và lúng túng. Qua điều tra sinh viên cho thấy, việc học các môn Mác-Lênin một cách tích cực chủ động mới đạt 3,9%, tích