Bảo đảm thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giáo dục lý luận Mác-Lênin cho sinh viên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục lý luận Mác - Lênin cho sinh viên các trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hiện nay doc (Trang 56 - 58)

Mác-Lênin cho sinh viên

Phương châm giáo dục trong nhà trường là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội cho nên sự thống nhất giữa lý thuyết và thực hành, lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc rất quan trọng trong công tác giáo dục nói chung, giáo dục lý luận Mác-Lênin nói riêng.

Giáo dục lý luận Mác-Lênin không chỉ dừng ở tuyên truyền, giải thích, trang bị cho người học hiểu biết về lý luận Mác-Lênin trên cơ sở đó hiểu được đường lối, quan điểm của Đảng mà quan trọng hơn là làm cho sinh viên hiểu rõ, nắm vững lý luận và biết sử dụng những kiến thức đó vào cuộc sống để cải tạo thế giới, cải tạo chính ngay bản thân mình. Điều đó xuất phát từ bản chất của lý luận Mác-Lênin là khoa học và cách mạng, nó quy định mục đích học là để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận.

Theo Hồ Chí Minh, học lý luận không phải để thuộc lòng từng câu, từng chữ, để trở thành những con mọt sách mà học cốt để vận dụng.

Giáo dục lý luận Mác-Lênin gắn với thực tiễn còn thể hiện ở chỗ từ việc xây dựng nội dung chương trình đến việc sử dụng các hình thức và phương pháp phải phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý của sinh viên CĐSP BGPB. Theo lý luận duy vật Mác xít, phương pháp phải xuất phát từ đối tượng, phải phù hợp với đối tượng, bởi nếu không phương pháp chỉ là những sản phẩm có tính chủ quan và không đem lại hiệu quả thực tiễn. Do điều kiện sinh hoạt vật chất và chất lượng giáo dục của các tỉnh biên giới phía Bắc quy định đặc điểm tâm lý, khả năng nhận thức của sinh viên các trường CĐSP ở đây khác với sinh viên ở các vùng kinh tế xã hội phát triển. Vì vậy, để việc giáo dục lý luận Mác-Lênin cho sinh viên đạt hiệu quả, cần phải căn cứ vào đối tượng cụ thể để xác định nội dung, phương pháp giáo dục một cách phù hợp. Tuy nhiên, cần tránh hạ thấp, tầm thường hoá giáo dục lý luận Mác-Lênin để đạt yêu cầu phù hợp với trình độ nhận thức của đối tượng giáo dục. Mục đích hướng tới của giáo dục lý luận Mác-Lênin là không ngừng nâng cao nhận thức cho sinh viên để họ có thể chủ động lý giải những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, có đủ khả năng “miễn dịch” trước sự tấn công của những ảnh hưởng tiêu cực, những tư tưởng lạc hậu trong đời sống xã hội.

Giáo dục lý luận Mác-Lênin phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, phải gắn với nhiệm vụ chính trị, gắn với cuộc sống và thúc đẩy cuộc sống đi lên. Vì vậy, giáo dục phải đi sát thực tế, kịp thời lý giải những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Muốn vậy, giáo dục lý luận Mác-Lênin phải gắn liến với coi trọng tổng kết thực tiễn, phải gắn việc nghiên cứu khoa học trong nhà trường CĐSP các tỉnh biên giới phía Bắc với tổng kết thực tiễn đổi mới của đất nước và của các địa phương, qua đó làm sáng tỏ hơn về lý luận Mác-Lênin cũng như con đường đi lên CNXH. Kết quả đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận Mác-Lênin cho sinh viên CĐSP các tỉnh biên giới phía Bắc trong tình hình mới hiện nay.

Giáo dục lý luận Mác-Lênin phải đặt trong mối liên hệ với thực tiễn, cần đưa thực tiễn phong phú vào bài giảng, dùng thực tiễn để chứng minh và trả lời cho những vấn đề lý luận thì nội dung giáo dục mới giàu sức sống, sinh động và có tính thuyết phục cao. Đó cũng là điều kiện để khắc phục bệnh chủ quan và lý luận suông, tránh được những

khuynh hướng: Một là, giáo điều, nặng về sách vở, coi lý luận là tất cả nhưng lại không giải đáp được những vấn đề mà cuộc sống đặt ra, làm cho giáo dục cứng nhắc, không có sức thuyết phục; Hai là, khuynh hướng coi thường lý luận, nặng về kinh nghiệm, tách rời lý luận làm cho việc phân tích, phê phán những tư tưởng và việc làm sai lầm một cách hời hợt, đơn giản, gò ép, sức thuyết phục kém. Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn sẽ khắc phục những khuynh hướng này, sẽ làm cho giáo dục lý luận Mác-Lênin trở nên sinh động, thiết thực, hấp dẫn đối với người học.

Để thực hiện tốt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn, đòi hỏi mỗi GV Mác-Lênin phải nắm vững lý luận, bám sát thực tế, nhất là thực tế của địa phương, của ngành để liên hệ vào bài học, giúp cho bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn và có hiệu quả thiết thực.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề giáo dục lý luận Mác - Lênin cho sinh viên các trường cao đẳng sư phạm ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hiện nay doc (Trang 56 - 58)