Những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực ngân hàng

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân Hàng Phát Triển Nhà Tp. Hồ Chí Minh (HDBank (Trang 57 - 58)

GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA HDBANK

3.2Những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực ngân hàng

Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng cho phép các tổ chức tín dụng nước ngoài được hiện diện tại Việt Nam dưới các hình thức khác nhau, mở rộng phạm vi và loại hình cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng. Theo cam kết khi gia nhập WTO, về hình thức hiện diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, kể từ ngày 1.4.2007, ngoài các hình thức văn phòng đại diện, chi nhánh, ngân hàng liên doanh, các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Việc tham gia thị trường của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có thể làm thay đổi bức tranh về thị phần hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới, bởi ngân hàng 100% vốn nước ngoài được hưởng đối xử quốc gia đầy đủ như các NHTM Việt Nam. Điều này có nghĩa là, ngân hàng 100% vốn nước ngoài có điều kiện để phát triển cả dịch vụ ngân hàng bán buôn, bán lẻ, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ tài chính, tham gia vào quá trình mua/bán, sáp nhập ngân hàng6.

Về phạm vi hoạt động và loại hình dịch vụ, các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được cung cấp hầu hết các dịch vụ ngân hàng như cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ, các công cụ phái sinh, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản, cung cấp dịch vụ thanh toán, tư vấn thông tin tài chính. Riêng về hoạt động nhận tiền gửi, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi từ các thể nhân Việt Nam sẽ được nới lỏng trong vòng 5 năm kể từ ngày 1.4.2007 ở mức tối đa là 6,5 lần vốn pháp định của ngân hàng, tiến tới đối xử quốc gia

đầy đủ vào năm 2011. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép mở các điểm giao dịch ngoài trụ sở chi nhánh nhưng được phép lắp đặt và vận hành các máy rút tiền tự động ATM và được phát hành thẻ tín dụng như các ngân hàng trong nước.

Về việc góp vốn dưới hình thức mua cổ phần, tổng số cổ phần được phép nắm giữ bởi các thể nhân nước ngoài tại mỗi NHTM cổ phần của Việt Nam hiện tại không được vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng (trừ khi có những quy định khác của cơ quan có thẩm quyền).

Trên thực tế, các ngân hàng nước ngoài đã mua cổ phần tại một số NHTM cổ phần Việt Nam và trở thành đối tác chiến lược của các ngân hàng này. Như vậy, các ngân hàng nước ngoài có thể lựa chọn các cách thức tiếp cận thị trường khác nhau, qua đó tạo sức ép cạnh tranh với các NHTM Việt Nam tuỳ theo loại hình hoạt động. Có thể thấy rằng, sức ép cạnh tranh lên hệ thống NHTM Việt Nam là rất lớn. Nhất là khi các ngân hàng nước ngoài với sức mạnh tài chính, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm hoạt động trên thế giới đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, nếu các NHTM Việt Nam không có những cải cách triệt để thì sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong cuộc cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân Hàng Phát Triển Nhà Tp. Hồ Chí Minh (HDBank (Trang 57 - 58)