Miền Trung có những cặp biểu tượng độc đáo gắn với môi trường văn hóa, điều kiện sinh hoạt của từng tiểu vùng: ca dao xứ Nghệ hay dùng cặp biểu tượng sông Lam –Núi Hồng, xứ Huế có sông Hương - Núi Ngự…Đây là những cặp biểu tượng độc đáo, bởi vì trong thế giới tâm linh con người mỗi vùng đất đều có những ngọn núi, dòng sông linh thiêng làm nên biểu tượng của vùng đất. Sự kết hợp sông núi đó thể hiện tư duy lưỡng hợp, lưỡng phân của những
cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Do đó hệ biểu tượng cặp đôi về sông núi vừa mang tính uyển chuyển, mềm mại vừa có được sự mạnh mẽ vững chắc. Trong ca dao, những biểu tượng như thế được sử dụng rất linh hoạt :
“ Sông Lam Giang càng ngày càng rộng Núi Hồng Lĩnh mỗi bậc mỗi cao
Bấy lâu nay nguyệt tỏ với đào
Búp hoa tàn hết nhụy chàng tính sao bây giờ” “Bao giờ ngàn Hồng hết cây
Sông Lam hết nước họ này hết quan”
Do được vận dụng sáng tạo và linh hoạt trong nhiều tình huống, các biểu tượng đã tạo nên cách thể hiện độc đáo, tế nhị, tao nhã mà không bị xói mòn, khô cứng. Sự xuất hiện biểu tượng với số lượng phong phú, cấu trúc đa dạng, phản ánh cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt của trai gái khi yêu nhau, ý tình sâu sắc, mặn nồng. Phải chăng đó là cái “duyên thầm”, mang hương sắc của ca dao xứ Nghệ .
Biểu tượng trong ca dao người Việt nói chung và ca dao xứ Nghệ nói riêng rất gần gũi với
lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân ta. Nhiều biểu tượng được sử dụng trong ngôn ngữ
thường ngày được đưa vào ca dao một cách tự nhiên, thế giới biểu tượng ấy rất đa dạng, phong phú như chính bản thân cuộc sống - nơi cội nguồn đã sinh ra biểu tượng.
Khám phá biểu tượng trong ca dao xứ Nghệ sẽ góp phần làm chúng ta hiểu thêm đặc điểm nghệ thuật của văn học dân gian xứ Nghệ.
KẾT LUẬN
Ca dao xứ Nghệ là một bộ phận rất quan trọng tạo nên sự đa dạng, phong phú cho ca dao Việt Nam.
Ca dao xứ Nghệ có thể phát sinh từ đất Nghệ, cũng có thể được lưu truyền trên đất Nghệ,
đều được xem là ca dao xứ Nghệ, bởi vì đối với nghệ thuật dân gian, quá trình lưu truyền và
sáng tạo đồng nhất với nhau. Khảo sát ca dao xứ Nghệ qua hai bộ sách “Kho tàng ca dao xứ
Nghệ” (2 tập) và “Hát Phường Vải” chúng ta thấy ca dao xứ Nghệ giàu có, phong phú, có cái
chung và cái riêng so với ca dao các vùng miền trên đất nước.
Ca dao xứ Nghệ có những nét riêng về đặc điểm nội dung và nghệ thuật. Được hình thành, lưu truyền và phát triển trên mảnh đất được xem là “địa linh nhân kiệt”, ca dao xứ Nghệ là một
bức tranh trọn vẹn đầy màu sắc về một vùng đất “nắng đốt mưa quay”.
1. Tìm hiểu về ca dao xứ Nghệ, chúng ta thấy những nét đặc sắc về nội dung, thể hiện trong những vần thơ in bóng mảnh đất và con người xứ Nghệ. Những đặc điểm về địa lí, địa danh, những làng nghề, truyền thống học hành khoa bảng, những con người bất khuất kiên trung, cần cù chăm chỉ, chịu thương chịu khó, yêu thương mãnh liệt…đã được phản ánh trong ca dao xứ Nghệ. Đây là những lời ca dao gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt, lao động của những người dân xứ Nghệ.
2. Cũng như ca dao xứ Bắc và ca dao các địa phương khác trên đất nước Việt Nam, ca dao xứ Nghệ đã tìm được tiếng nói chung với dòng thơ trữ tình dân gian của dân tộc. Phần lớn lời ca dao xứ Nghệ được sáng tác theo thể lục bát (hơn 95 %), các thể thơ còn lại chỉ chiếm 5 %. Tuy nhiên mỗi thể loại có một vai trò, ý nghĩa riêng của nó và tất cả đều góp sức mình vào việc thể hiện những cảm xúc phong phú, nhiều cung bậc của con người xứ Nghệ, đưa ca dao xứ Nghệ gần gũi, thống nhất với ca dao dân tộc, nhưng đồng thời cũng giữ được phần bản sắc riêng của mình.
Cái để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong mỗi người khi đến với ca dao xứ Nghệ chính là
những nét độc đáo riêng của nó. Cái riêng ấy nằm trong những hình thức biến thể của các thể thơ. Có thể nói, hiếm có ca dao địa phương nào lại có nhiều biến thể như ca dao xứ Nghệ. Biến thể lục bát, biến thể song thất lục bát, biến thể bốn, năm chữ, biến thể bảy chữ…Ở từng loại lại có những dạng biến thể khác nhau. Có biến thể dòng lục, dòng bát, biến thể cả dòng lục lẫn dòng bát, có biến thể âm, vần, biến thể cấu trúc, có biến thể cặp song thất, biến thể cả cặp song
thất lẫn lục bát trong thể song thất lục bát, lại có cả biến thể theo hình thức tăng âm tiết, giảm âm tiết, kết hợp tăng, giảm âm tiết. Tất cả những hình thức biến thể ấy đã làm cho nội dung ca dao xứ Nghệ được thể hiện sâu sắc hơn, phong phú hơn. Có thể nói, nếu sự giàu có về thể loại đã giúp cho ca dao xứ Nghệ có được một khối lượng nội dung lớn thì những hình thức biến thể đa dạng lại giúp những nhà thơ dân gian có điều kiện lựa chọn những hình thức phù hợp với nội dung.
Sự xuất hiện nhiều biến thể trong ca dao Nghệ là do lời ca dao gắn với hoạt động diễn xướng: “Đây là thơ để hát, không phải chỉ là lời để hát. Lời thơ, lời mang tính thơ để hát, đặc
điểm này dẫn đến sự biến hóa, biến thể rất mực giàu có của ca dao về mặt cấu tạo ngôn từ thơ, tổ chức ngôn từ thơ do nhu cầu ca hát lúc đầu đòi hỏi…Sau này khi nói, ca dao vẫn giữ được lợi thế của thơ về mặt vần và nhịp cũng nhờ như vậy” [184]. Mặt khác, lớn hơn, đó là do nhu cầu thể hiện, bộc lộ của tác giả dân gian. Nhu cầu ấy đã khiến cho khuôn hình cố định của các thể thơ bị phá vỡ, biến thành một hình thức mới phóng túng, tự do hơn, nhưng vì thế, nhiều lúc cũng lỏng lẻo hơn. Cái chính là nó đem lại hiệu quả nghệ thuật rõ rệt hơn. Đây cũng là một đóng góp làm phong phú thêm thể thơ trong ca dao Việt Nam.
3. Số lượng các lớp từ địa phương và từ Hán Việt trong ca dao xứ Nghệ khá phong phú. Từ địa phương tạo nên chất dân dã, mộc mạc, cái đẹp hồn nhiên, thuần phác của ca dao. Các từ Hán Việt mang lại vẻ trang trọng, giàu tính hình tượng, tính biểu cảm. Tỉ lệ sử dụng từ Hán Việt trong HPV khá cao (299/1000 lượt câu). Từ địa phương và từ Hán Việt thuộc phong cách văn chương, có giá trị biểu cảm cao được phân bố, tập trung ở đề tài tình yêu. Những từ địa phương và từ Hán Việt thuộc phong cách sinh hoạt xuất hiện phổ biến trong những lời ca dao phê phán các thói hư tật xấu và các hủ tục. Sự phân bố từ địa phương và các từ Hán Việt không phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn chủ quan của người sáng tạo (nho sĩ trí thức hay quần chúng lao động) mà còn phụ thuộc vào kết cấu, nội dụng đề tài, mục đích giao tiếp và phong cách của từng thể loại.
4. Đặc biệt là các biểu tượng trong ca dao xứ Nghệ. Các biểu tượng trúc mai, trầu cau, núi Hồng, sông Lam.. rất phong phú. Những biểu tượng này nói lên phẩm chất, tình cảm của con người xứ Nghệ. Nếu đem so sánh tần số xuất hiện của mỗi loại biểu tượng với ca dao xứ Bắc chúng ta thấy biểu tượng trúc mai trong ca dao xứ Nghệ có tần số xuất hiện ít hơn. Ngược lại, biểu tượng trầu cau lại bắt gặp trong ca dao xứ Nghệ nhiều hơn trong ca dao xứ Bắc. Điều này
cũng dễ hiểu, nó nói lên sự gắn bó của ca dao xứ Nghệ với môi trường sống và lao động của người nông dân.
Tìm hiểu nội dung, nghệ thuật của ca dao xứ Nghệ chúng ta hiểu thêm về một miền ca dao có những bản sắc riêng, còn giữ được nét cổ sơ của văn nghệ dân gian. Hòa nhập vào nền văn hoá chung của dân tộc, ca dao xứ Nghệ đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá tinh thần của con người Việt Nam. Hiểu ca dao xứ Nghệ, chúng ta hiểu tâm tư, tình cảm và tài năng sáng tạo của người dân xứ Nghệ, cũng từ đó hiểu được những giá trị tinh thần của người Việt Nam.