Tinh thần biên cương và tiểu thuyết phiêu lưu của Mark Twain

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 37 - 39)

Trong thế kỉ XIX lịch sử Hoa Kì là một cuộc Tây tiến, đẩy lùi dần “biên cương” đến tận Thái Bình Dương. Khái niệm “miền Tây – miền biên cương” ở Mĩ không có ý nghiã cố định mà biên cương cứ xa dần bờ biển Đại Tây Dương, băng qua miền Trung Tây rồi đến Viễn Tây (phiá Tây sông Mississippi). Hành trình vượt biển đi tìm vùng đất mới ấy và hành trình “Tây tiến” mở rộng lãnh thổ đã hình thành nên tinh thần phiêu lưu nơi người Mĩ. Họ ưa thích mạo hiểm, luôn hướng đến sự đổi mới, xa lạ với những gì tù đọng. Có thể nói tinh thần phiêu lưu đã tạo nên một nét nổi bật trong tính cách Mĩ.

Khi những người Mĩ từ bỏ cuộc sống đã ổn định theo khuôn mẫu Anh quốc ở miền Đông để xê dịch về phiá Tây, họ không chỉ gặp những vùng đất hoang mênh mông vô cùng hấp dẫn nhưng không kém phần nguy hiểm mà còn tiếp xúc với những điều đơn giản của xã hội nguyên thủy thuộc về người da đỏ vốn rất xa lạ với họ. Miền biên cương này vì thế còn được coi là “điểm gặp gỡ giữa con người hoang dã và con người văn minh” (F.J. Turner).

Sở dĩ chúng tôi nhắc đến các yếu tố lịch sử xã hội nói trên vì chúng biểu hiện khá rõ trong các sáng tác của Mark Twain, đặc biệt là hai cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom SawyerNhững cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn.

Theo Phan Cự Đệ, tiểu thuyết phiêu lưu là một thuật ngữ có nội dung rất rộng, bao gồm nhiều loại tiểu thuyết khác nhau từ tiểu thuyết du kí, tiểu thuyết hiệp sĩ thời trung cổ… đến tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết trinh thám… Do đó :

Trong tiểu thuyết phiêu lưu, những biến cố bất ngờ, đầy kịch tính xảy ra dồn dập trong cốt truyện. Nhân vật đi lang thang nơi chân trời góc bể hoặc dấn thân vào những nguy hiểm, phần nhiều là những nguy hiểm chết người để hoàn thành một sứ

khám phá một vụ án, một bí mật, có khi là bí mật của cả một quốc gia. [25, (7), tr.91].

Những tính chất trên khiến tiểu thuyết phiêu lưu luôn hấp dẫn người đọc và nó có mặt trong nhiều nền văn học. Riêng ở Mĩ, truyền thống phiêu lưu của lịch sử, tinh thần ưa thích mạo hiểm của mỗi cá nhân mà chúng tôi vừa nêu trên, là một nguyên nhân khiến kiểu tiểu thuyết này đặc biệt phát triển. Ngay từ thời kì thuộc địa, yếu tố phiêu lưu đã được tìm thấy trong những ghi chép của các nhà khai phá. Sau này tiểu thuyết phiêu lưu có mặt trong cả văn học lãng mạn, văn học hiện thực và hiện đại Mĩ. Tất nhiên trong mỗi thời kì văn học, các tác phẩm hướng tới những vấn đề tư tưởng khác nhau nhưng tính chất phiêu lưu thì không đổi.

Đến Mark Twain, tính chất phiêu lưu ấy được thể hiện bằng ngòi bút hiện thực “tự

do một cách sâu sắc và tiềm tàng sức mạnh phản kháng xã hội”. Do đó, trong các tác phẩm của Mark Twain, ông không chỉ tiếp tục những đặc trưng của tiểu thuyết phiêu lưu Mĩ mà còn thể hiện được những ý nghĩa mới mẻ đằng sau những chuyện phiêu lưu của các nhân vật.

Đào Ngọc Chương, khi bàn về tiểu thuyết phiêu lưu đã chỉ ra mối quan hệ giữa nhân vật và kết cấu – cốt truyện của thể loại này như sau :

Tiểu thuyết phiêu lưu luôn gắn liền với kiểu nhân vật hành động. Hành động và mục tiêu của hành động là toàn bộ sự quan tâm của nhân vật phiêu lưu, là bản thân sự

tồn tại của nhân vật… Và vì thế kết cấu – cốt truyện phiêu lưu phải là một chuỗi các sự biến thường là do hành động của nhân vật gây ra mà sự biến nào cũng có thểđẩy nhân vật đến những điểm mút (thời gian và không gian) bất ngờ, và hành động cứ

thế tiếp tục, tiếp diễn. [13, tr.122 – 123].

Hai cuốn Tom Sawyer Huck Finn mà chúng tôi đang khảo sát, quả thật đáp ứng được các yêu cầu trên của tiểu thuyết phiêu lưu. Tom, Huck, Joe và sau này là Huck và Jim không quan tâm tới những buổi học ở trường, những buổi cầu kinh ở nhà thờ hay những qui định đạo đức mà mọi người tuân thủ. Chúng bàn bạc, lên kế hoạch và thực hiện những cuộc phiêu lưu của mình một cách say mê, thích thú dù với những mục đích khác nhau để đi làm cướp biển, để tìm của chôn dấu hay để được tự do. Trong những chuyến phiêu lưu của mình bọn trẻ đã gặp hết biến cố này đến biến cố khác, mà hầu hết đều bất ngờ, hồi hộp khiến chúng “sợ rúm cả người”, đẩy chúng tới chỗ phải hành động tiếp. Có thể nói những hành

động của các nhân vật ở nghĩa địa, ở ngôi nhà hoang, ở trong hang… trong cuốn Tom Sawyer; chuyến hành trình gắn với vô số chuyện bất ngờ của Huck và Jim trong cuốn Huck Finn đã thể hiện rõ nhất kiểu kết cấu – cốt truyện nói trên.

Nhưng điều làm nên giá trị to lớn, sức hấp dẫn dài lâu cho hai tác phẩm này chính là những ý nghĩa thời đại của các chuyện phiêu lưu kia. Trong phạm vi đề tài của mình, chúng tôi chỉ xem xét ý nghĩa ấy thông qua các hình ảnh thiên nhiên trong các chuyến phiêu lưu. Trước hết thiên nhiên với ý nghĩa tự nhiên được miêu tả hoàn toàn đối lập với những không gian thuộc xã hội văn minh là cách mà Mark Twain bày tỏ sự phản đối xã hội công nghiệp. Hơn nữa trong các sáng tác của ông, vẻ đẹp hoang sơ, nét đặc trưng của thiên nhiên miền Tây hiện lên hết sức chân thực, tự nhiên qua mọi hình ảnh, mọi chi tiết, từ dòng sông, hòn đảo đến ngôi làng, nhà thờ… Nó là một biểu hiện cụ thể của khuynh hướng vùng miền trong các sáng tác của Mark Twain. Thiên nhiên được nhìn ngắm không phải bằng sự ngạc nhiên thích thú của một người từ xa đến bị choáng ngợp bởi sự rộng lớn, hùng vĩ của cảnh quan địa lí, mà bằng sự gắn bó máu thịt với nó. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến cuộc đời Mark Twain, người vẫn được coi là nhà văn lớn đầu tiên xuất thân từ một vùng nội địa của nước Mĩ. Ông sinh bên phía bờ Tây dòng Mississippi tại Florida, Missouri; sống những năm thơ ấu hạnh phúc, tinh nghịch tại Hannibal, Missouri, một thị trấn nhỏ còn duy trì chế độ nô lệ, nằm phía trên St Louis khoảng một trăm dặm; tuổi trẻ phiêu bạt của ông gắn liền với những chuyến xuôi ngược dòng Mississippi. Chính những kí ức ấy đã tạo nên nét đáng yêu, quyến rũ rất tiêu biểu cho các tác phẩm của ông nói chung và những bức tranh cảnh vật nói riêng. Điều này sẽ được chúng tôi sẽ trình bày kĩ hơn trong các phần sau khi đi vào tìm hiểu nội dung Thiên nhiên như là tự nhiên trong hai tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Tom SawyerNhững cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn với ý nghĩa là không gian để các nhân vật thực hiện mọi hành động phiêu lưu.

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)