Đảo Jackson – thiên đường của tự do

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 42 - 45)

Đảo Jackson được ba tên “cướp biển”, Tom, Huck và Joe chọn làm nơi ẩn náu bởi vị trí hết sức lí tưởng của nó :

Về phía dưới St Petersburg ba dặm, ở một chỗ con sông Mississippi rộng chừng hơn một dặm, có một hòn đảo dài và hẹp, cây cối mọc thành rừng, ở đầu có một dải cát nông; nơi đó dùng làm nơi tụ họp rất tốt. Trên đảo không có người ở; hòn đảo ở mãi

đằng xa về phía bờ bên kia, ngang với một khu rừng rậm rạp hầu như hoàn toàn không có dân cư. [63, (1), tr.221].

Một đặc điểm nổi bật của hòn đảo được nhắc đến tới hai lần là nó gắn với rừng :

“cây cối mọc thành rừng”, “ngang với một khu rừng rậm rạp”. Tom và các bạn, khi quyết định “từ bỏ” cuộc sống văn minh nơi trị trấn đã hướng đến với rừng một cách hết sức tự nhiên. Không gian rừng với sự vắng vẻ, yên tĩnh là nơi đầu tiên bọn trẻ nghĩ tới khi muốn thoát khỏi sự gò bó của gia đình, của trường học vì trong cảm nhận của chúng rừng là nơi có thể che chở, vỗ về, an ủi. Cảm thức ấy về rừng sẽ trở nên rõ rệt hơn trong cuốn Huck Finn

Thế rồi, sau khi chuẩn bị, bọn trẻ lên đường trên một cái bè gỗ nhỏ, xuôi theo dòng sông, ngang qua làng “đang yên lành ngủ bên kia dải nước bao la in bóng trời sao lấp lánh” [63, (1), tr.228] để đến đảo. Sau đêm đầu tiên “phè phỡn” trên đảo, Tom tỉnh giấc và chứng kiến cảnh vật kì diệu của thiên nhiên một buổi sớm mai trong rừng:

Trời mới tảng sáng, ánh sáng mờ mờ một màu xám nhạt, không khí mát mẻ; trong cái yên lặng tĩnh mịch bao trùm khu rừng có một cảm giác thư thái và thanh bình tuyệt thú. Không một chiếc lá nào lay động; không một âm thanh nào đến phá rối sự

trầm tư mặc tưởng của thiên nhiên vĩ đại. Sương đọng thành những chuỗi hạt nhỏ

trên lá cây, ngọn cỏ. Một lớp tro trắng phủ trên đống lửa, một tia khói xanh nhỏ như

sợi chỉ bốc thẳng lên trời… Ở đằng xa, mãi sâu trong rừng một con chim lên tiếng gọi; một con chim khác hót trả lời; một lát sau có tiếng chim gõ kiến mổ lộp độp. Màu sáng nhạt mát dịu của buổi sáng trắng dần, các âm thanh nổi lên mỗi lúc một nhiều, cuộc sống dần dần biểu hiện. Cảnh kì diệu của thiên nhiên đang giũ cái ngủ để sắp sửa bước vào lao động, diễn ra trước con mắt mơ mộng của Tom [63, (1), tr.238 – 239].

Vẻ đẹp như tranh của cảnh vật là điều không phải bàn cãi. Nhưng nếu chúng ta xem xét nó từ góc độ điểm nhìn của người kể chuyện thì có thể thấy những ý nghĩa khác đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên. Trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Mark Twain thuật lại câu chuyện từ điểm nhìn của một người trưởng thành nhìn lại tuổi thơ của mình. Do đó cảnh vật trên không phải do Tom trực tiếp ngắm nhìn. Nó là sự quan sát và miêu tả của nhà văn. Ông như một họa sĩ trước tiên phác họa cái nền cho toàn bộ cảnh vật rồi sau đó bổ sung từng chi tiết nhỏ và cuối cùng đặt bức tranh trước mắt Tom. Vai trò người kể chuyện - nhà văn ấy còn lộ rõ qua hai lần sử dụng phép nhân hóa quen thuộc trong văn chương tả cảnh truyền thống. Lần thứ nhất là “Không một chiếc lá nào lay động; không một âm thanh nào đến phá rối sự trầm tư mặc tưởng của thiên nhiên vĩ đại”. Và lần thứ hai còn cầu kì hơn “Cảnh kì diệu của thiên nhiên đang giũ cái ngủđể sắp sửa bước vào lao động”. Bởi thế Tom chỉ lướt qua cảnh vật rồi tập trung vào “chơi” với một con sâu. Nơi nhân vật chưa thể hiện sự hoà nhập với không gian rừng như Huck sau này.

Cũng chính vì vậy mà trong nhiều bức tranh cảnh vật, hành động của bọn trẻ được miêu tả nổi bật hơn việc miêu tả không gian. Tức là chúng không hòa nhập hoàn toàn vào cảnh vật mà cảnh vật chỉ là không gian làm nền cho hành động diễn ra mà thôi. Trong những ngày ở trên đảo, mọi hoạt động của Tom và các bạn gắn với dòng sông và khu rừng.

Nơi dòng sông, chúng “cười nói reo hò ầm ĩ”“đuổi nhau, nhảy đè lên người nhau trong làn nước trong suốt không sâu lắm trên bãi cát trắng” [63, (1), tr.242]. Còn khu rừng là nơi chúng thám hiểm và phát hiện ra nhiều điều kì thú :

Chúng thoăn thoắt bước đi, khi phải nhảy qua những thân cây gỗ mục, khi thì vướng bụi rậm, phải rẽ cây mà đi, len lỏi giữa những gốc cây to hùng vĩ ngự trị trong rừng, dây nho bám chằng chịt chung quanh, từ trên ngọn cây rủ xuống đến tận mặt đất chẳng khác gì những tua lòng thòng quanh mũ miện. Thỉnh thoảng chúng lại gặp một chỗ rất thú, có cỏ mọc hoa chen, trông như một tấm thảm nạm trân châu ngọc bích.

[63, (1), tr.244].

Giữa một không gian hoang sơ như thế, bọn trẻ còn phát hiện ra sự thú vị của một cuộc sống thiếu thốn tiện nghi. Khi dùng “lá sồi hay lá đào to làm chén” uống nước suối, Huck nhận thấy một “hương vị ngọt ngào” đặc biệt; khi bắt cá ở dưới sông lên, rán ăn ngay, “chúng rất ngạc nhiên khi thấy món cá ngon tuyệt”. Nét hồn nhiên, trong trẻo ấy của bọn trẻ giữa thiên nhiên quả thật khác xa nếu đặt nó trong sự so sánh với không gian của thị trấn St Petersburg nói trên. Về điểm này, Lê Hồng Sâm trong bài giới thiệu nhân dịp xuất bản cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, nhà xuất bản Văn học, 1988 cũng đã nhận xét :

Thông qua những cảm xúc trong trẻo và bộc trực chỉ có thể có ở trẻ thơ, tác giả còn muốn phê bình một số qui ước được người lớn phục tùng, muốn đánh giá lại một số

giá trị xã hội đương thời thừa nhận, cái xã hội theo ông làm cho vẻ tươi mát, hồn nhiên trong tâm hồn các em bị nhợt nhạt, thui chột… [62, tr.8].

Bởi thế, khi đang đắm mình trong sự hấp dẫn, lôi cuốn của thiên nhiên trên đảo Jackson, bọn trẻ “càng mừng” khi phát hiện cái bè, vật nối chúng với mọi người ở thị trấn St Petersburg, đã bị dòng nước cuốn trôi đi mất. Lí do để chúng mừng là “vì cái bè trôi đi như vậy cũng chẳng khác nào nhưđã tiêu huỷ cái cầu giữa chúng với cuộc sống văn minh”. [63, (1), tr.242]. Đó cũng chính là điều bọn trẻ đã quyết định trong cái đêm đầu tiên trên đảo. Sau khi “phè phỡn với nhau một bữa một cách tự nhiên phóng khoáng giữa cánh rừng già trên một hòn đảo chưa từng có ai đặt chân tới và không có người, ở cách xa những nơi mọi người qua lại”, Tom và các bạn đã quyết định “sẽ không bao giờ còn quay trở về với thế giới văn minh nữa”. [63, (1), tr.230]. Miêu tả thứ thiên nhiên đối lập với thế giới văn minh ấy là cách tác giả thể hiện tư tưởng phản kháng của mình.

Trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, chúng ta còn bắt gặp những khung cảnh thiên nhiên được miêu tả như những không gian nội tâm. Đó cũng là không gian rừng và sông nhưng không mĩ lệ, không nên thơ như trong các dẫn chứng trên mà gắn với những tâm trạng khác nhau của Tom. Khi bị dì Polly mắng oan, Tom ra sông, ngồi trên bè gỗ mà “ngắm nhìn mặt nước mêng mang ảm đạm” [63, (1), tr.59]; hay khi giận dỗi với Becky, Tom trốn khỏi lớp học để đi :

… thẳng tới giữa rừng và ngồi xuống đám rêu xanh dưới một gốc cây sồi lớn cành lá rườm rà. Không có lấy một hơi gió nhẹ; cái oi bức lúc giữa trưa làm cho đến cả chim chóc cũng phải im tiếng hót; cảnh vật im lìm như chết… [63, (1), tr.147].

Dạng không gian này không nhiều trong tác phẩm nhưng chúng cũng góp phần biểu hiện cảm thức của Tom về thiên nhiên như một chốn quay về. Bởi sau mỗi lần đến với rừng và sông ấy, Tom thấy vơi bớt nỗi phiền muộn và khi quay về thị trấn lại có thể hào hứng bắt tay vào một chuyện phiêu lưu mới. Cũng chính vì xuất hiện không nhiều nên các hình ảnh rừng và sông trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer chưa trở thành biểu tượng mà mới chỉ dừng lại ở mức độ là không gian sống và hành động của các nhân vật mà thôi. Cái nhìn về thiên nhiên của Mark Twain trong cuốn sách này vì thế cũng có thể hiểu là những dự cảm ban đầu của ông về thời đại.

Mặc dù vậy, với ý nghĩa là không gian phiêu lưu của các nhân vật, những hình ảnh thiên nhiên rừng và sông trên đảo Jackson trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer vẫn là thứ thiên nhiên tuyệt diệu nhất. Chúng đem lại sự trong sáng, bình yên cho các nhân vật và có thể đặt ra cho chúng ta những suy nghĩ về cái gọi là xã hội văn minh, hiện đại.

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 42 - 45)