Thiên nhiên trong Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 48 - 49)

Tiểu thuyết Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn (1884) được Mark Twain khởi thảo ngay sau khi xuất bản Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1876) nhưng vì nhiều lí do ông phải gác lại vài lần và mãi đến tám năm sau mới hoàn thành. Nó chính là kiệt tác của ông và của cả nền văn học Mĩ mà ý kiến đánh giá của Ernest Hemingway “Toàn bộ nền văn học Mĩ hiện đại ra đời từ tác phẩm này” là một minh chứng.

Nhân vật chính Huck Finn, từng đồng hành với Tom Sawyer trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer , bây giờ, trong vai trò người kể chuyện đã thuật lại rất hấp dẫn hành trình trốn chạy của mình và Jim, một nô lệ da đen. Huck muốn trốn chạy khỏi người cha tàn ác của mình và những thiện chí muốn khai hóa “văn minh” của bà quả phụ Douglas và cô Watson; còn Jim muốn trốn chạy khỏi những trói buộc của đời sống nô lệ. Cả hai thực hiện hành trình đến với tự do theo nghĩa thoát khỏi những qui định xã hội, trên một chiếc bè, xuôi dòng Mississippi tìm về với thiên nhiên. Tác phẩm cuốn hút độc giả từ đầu đến cuối bởi nhiều tình tiết bất ngờ, gay cấn xảy ra với Huck và Jim trong suốt chuyến đi đúng với tính chất của một tiểu thuyết phiêu lưu. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nó trở thành tác phẩm best seller ngay sau khi xuất bản.

Nhưng đó chỉ là “bề nổi” của tác phẩm. Hành trình hướng thẳng đến thiên nhiên của Huck và Jim còn chứa đựng những ý nghĩa xã hội, ý nghĩa triết lí sâu xa mà chúng ta, để hiểu được cần phải đặt tác phẩm vào trong bối cảnh mà nó ra đời. Cuộc cách mạng kĩ thuật ở nước Mĩ cuối thế kỉ XIX như chúng tôi đã trình bày ở trên khiến quốc gia này trở nên hùng mạnh; đồng thời văn minh công nghiệp cũng khiến con người thay đổi nhận thức về

các giá trị hiện đại. Do đó, lúc bấy giờ ở Mĩ sự bừng tỉnh về một nền văn hóa nông nghiệp mà kết quả là ngành Folklore học Mĩ ra đời vào năm 1888, được xem như là một phản ứng với xã hội công nghiệp. Cả hai đã tác động đến quan điểm của Mark Twain về những vấn đề con người, đất nước, xã hội đương thời. Và do đó, trong các tác phẩm của mình, bằng sự quan tâm đặc biệt đến cuộc sống ở một vùng đất biên giới gắn liền với thiên nhiên sông nước đặc trưng, ông đã bộc lộ thái độ phê phán xã hội công nghiệp theo một cách riêng. Hành trình đi tìm tự do bằng cách hướng thẳng đến thiên nhiên của Huck và Jim chính là mang ý nghĩa này. Đồng thời :

Trong một bối cảnh như thế, “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” còn là một cách đi tìm tính cách của dân tộc Mĩ trên cơ sở bày tỏ những quan điểm về con người khi tìm về với cái quá khứ của một quốc gia trước Nội chiến lúc dân Mĩ biên cương giáp mặt với thiên nhiên trong thời kì khai phá. [11, tr.18].

Hai ý nghĩa trên của cuộc hành trình thực ra có quan hệ tương tác với nhau bởi chúng gắn bó chặt chẽ với yếu tố thiên nhiên. Tìm hiểu vấn đề thiên nhiên chính là để chỉ ra các tầng ý nghĩa ấy của hành trình.

Chúng ta đều đã biết, hành trình của Huck bắt đầu từ khu rừng cách thị trấn St Petersburg ba dặm, xuôi theo dòng Mississippi, Huck đến đảo Jackson và phát hiện ra Jim. Cả hai vượt sông trên một chiếc bè, lúc thì đi bên phía bờ Tây, Missouri; lúc lại dạt sang bờ Illinois ở phía Đông. Ngày giấu bè vào một chỗ kín đáo, trốn trong rừng. Đêm đến lại lênh đênh trên sông. Vì thế hành trình ấy gắn chặt với hai hình ảnh thiên nhiên là rừng và sông. Trong toàn bộ tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn hai hình ảnh rừng và sông trở đi trở lại rất nhiều lần. Cụ thể : rừng xuất hiện 52 lần và sông “đậm đặc” hơn với 243 lần. Và như thế chúng đã đạt đến mức độ biểu trưng, có thể chứa đựng những ý nghĩa xa hơn, rộng hơn bản thân chúng. Khi hiểu rừng và sông như những biểu trưng thì hành trình của Huck và Jim cũng trở thành biểu trưng và vì thế chúng ta có thể tìm thấy ở hành trình ấy những tầng nghĩa khác nhau.

Khám phá hành trình ấy, do đó không thể không đi vào tìm hiểu các biểu tượng rừng và sông. Chính vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ lần lượt tìm hiểu các biểu tượng ấy với ý nghĩa : thiên nhiên – tự nhiên.

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 48 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)