Thái độ đối với mọi ngườ

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 77 - 80)

THIÊN NHIÊN NHƯ LÀ BẢN CHẤT – SỰ THUẦN PHÁC CỦA CÁC NHÂN V Ậ T

3.3.1.2. Thái độ đối với mọi ngườ

Nơi nhân vật Huck, sự thuần phác còn biểu lộ qua rất nhiều hành động cứu giúp người khác một cách vô điều kiện, bất kể họ là người tốt hay xấu. Chính cái bản chất đáng quí ấy đã khiến Huck luôn lo lắng hơn đến những khó khăn của người khác, thậm chí khi chứng kiến những kẻ xấu gặp nạn, cậu bé cũng áy náy không yên.

Ở cuối cuốn Tom Sawyer, trong một đêm đi rình tên Joe và đồng bọn của hắn để mong tìm ra nơi cất giấu thùng vàng, vô tình Huck biết bà quả phụ Douglas sắp gặp nguy. Nỗi sợ hãi ban đầu đã khiến Huck muốn co giò bỏ chạy, nhưng bản chất thuần hậu giữ nó lại, nhắc Huck nhớ việc “bà quả phụ Douglas đã nhiều lần tỏ ra tốt với nó” [64, (2), tr.173]. Nên cuối cùng Huck đã chạy đi tìm người có thể giúp đỡ.

Sau này trong cuốn Huckleberry Finn, gắn với hành trình phiêu lưu của Huck và Jim là rất nhiều chuyện như thế. Tiêu biểu nhất có thể kể đến việc Huck giúp các cô cô gái nhà Wilks thoát khỏi sự lừa đảo bỉ ổi của lão Vua, giữ lại được gia tài. Bản chất lương thiện không cho phép Huck đồng tình với việc lừa đảo nhưng ban đầu cậu bé cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao bản thân mình thoát khỏi được lão Vua và anh chàng Quận Công mà thôi. Thế nhưng sự tốt bụng, dịu hiền của các cô gái đã đánh thức Huck khiến cậu suy nghĩ và đi đến hành động theo sự mách bảo của trái tim thánh thiện :

Tôi cảm thấy mình cũng xấu xa, hèn hạ quá, và tự nghĩ tôi sẽ phải cố làm thế nào mà giấu số tiền kia đi cho các cô ấy mới được. [66, tr.281].

Cũng chính trái tim ấy hướng dẫn Huck tìm ra phương cách hành động tốt nhất và khiến các cô gái tin mình. Khi hướng về người khác, nghĩ cho người khác, Huck thường hay

tự trách mình, luôn cảm thấy mình có lỗi. Cảm giác đó của Huck cứ trở đi trở lại mỗi khi Huck bị buộc phải chứng kiến chuyện không may của người khác, bất kể người khác đó là ai.

Ở trên chúng tôi đã nhắc đến việc Huck tốt cả với những kẻ xấu. Đây chính là những chi tiết có thể làm rõ mức độ thuần phác đậm nét hơn trong bản chất của Huck so với nhân vật Tom Sawyer. Sau khi chứng kiến vụ thanh toán lẫn nhau của bọn cướp trên tàu Walter Scott, Huck và Jim vất vả lắm mới thoát khỏi chiếc tàu đang đắm. Thế nhưng việc đầu tiên Huck nghĩ đến sau khi thoát là làm cách nào để cứu bọn cướp đang bị kẹt trên tàu. Sau khi vừa khóc vừa bịa ra một câu chuyện hoàn hảo để mong có người đến giúp mà không có kết quả, Huck đã nhìn chiếc tàu đang chìm dần trên sông với tâm trạng :

…cảm thấy hơi buồn vềđám cướp, nhưng cũng không buồn lắm, vì tôi nghĩ nếu như

thiên hạ người ta có thể mặc nhiên được thì tôi cũng có thể chịu được. [66, tr.131]. Như vậy không chỉ tốt bụng mà Huck còn rất thành thật. Trong suy nghĩ của cậu, chúng ta không thấy có một chút giả vờ thương cảm nào. Thái độ thành thật ấy cũng chính là một biểu hiện có thể làm sáng tỏ bản chất thuần hậu nơi nhân vật này.

Cũng chính bản chất đạo đức ấy đã chi phối những suy nghĩ và hành động của Huck sau này, khi gặp phải hai kẻ lừa đảo là Vua và Quận Công. Không giống như bọn cướp không quen biết nói trên, hai nhân vật này ập lên và xâm chiếm chiếc bè của Huck và Jim rồi thi nhau hành hạ, bóc lột, lôi kéo đôi bạn. Huck hiểu rất rõ bản chất xấu xa, gian xảo của chúng và đã tìm mọi cách để không dính dáng đến những kẻ vô lại ấy nữa. Thế nhưng khi khi đang sống yên ấm ở nhà dì Sally, biết việc mọi người sẽ vạch mặt Vua và Quận Công, Huck đã tìm cách trốn ra khỏi nhà để đi báo cho chúng biết vì sợ “họ sẽ bị nguy”. Đến khi chứng kiến cảnh hai tên lừa đảo khắp người bôi hắc ín, bị kẹp vào một thanh sắt để giải đi, Huck đã nghĩ :

Tôi thấy cảnh đó cũng động lòng và lấy làm tiếc cho hai cái tên khốn kiếp đáng thương ấy; tôi cảm thấy như mình sẽ không còn có thể nào nghĩ đến hình phạt gì khác hơn đối với họ nữa. Trông ghê tởm thật cơ. Sao con nguời đối với con người lại có thểđộc ác một cách ghê tởm như thếđược. [66, tr.360].

Có nghĩa là con người Huck không hề biết đến sự ghét bỏ hay thù hận. Tâm trạng băn khoăn không sao hiểu nổi sự độc ác của con người trong việc đối xử với đồng loại của

Huck là sự xác nhận cao nhất bản chất thuần phác nơi nhân vật. Cái tính người ấy phải chăng đã bị những tiến bộ, những luật lệ của xã hội hiện đại làm cho mất đi?

Khi tìm hiểu bản chất của nhân vật Huck Finn bộc lộ như thế nào trong mối quan hệ với mọi người, chúng tôi nhận thấy có một nét giống nhau trong một số tình huống. Đó là việc nói dối cừ khôi và thành thục của cậu mỗi khi gặp tình huống nguy hiểm. Nếu không lí giải điều này, e rằng sẽ có sự mâu thuẫn trong việc đánh giá bản chất thuần phác nơi nhân vật. Khi đang trốn trên đảo Jackson vì muốn dò la tình hình, Huck đã giả gái, đến cuối tỉnh gặp một người đàn bà lạ mặt và vừa kể cho bà ta nghe câu chuyện “hư cấu” về mình vừa thăm dò động tĩnh của việc mình và Jim biến mất; hay chuyện cứu toán cướp nói trên. Đặc biệt là sau này để cứu Jim khỏi nguy hiểm Huck còn hành động theo kiểu đó nhiều lần. Có lần trước nguy cơ Jim bị phát hiện, Huck đã thản nhiên mời những tay săn lùng nô lệ bỏ trốn lại chỗ cái bè, rồi lấp lửng nhắc đến căn bệnh đậu mùa và giả vờ buồn bã khi chúng bỏ đi vì sợ lây bệnh. Hay câu chuyện về gia đình li tán “chẳng để lại một thứ gì khác ngoài số

tiền mười sáu đô la với anh da đen là Jim” [66, tr.207] cho Huck, khi Vua và Quận Công tỏ ra nghi ngờ Jim là nô lệ bỏ trốn. Những câu chuyện như thế được Huck “sáng tác” rất nhanh và “diễn” rất tự nhiên. Những câu chuyện có thể khác nhau về nội dung nhưng chúng rất giống nhau ở tình huống ra đời. Đó là những lúc nguy cấp cần phải tự bảo vệ bản thân và người khác thoát khỏi nguy hiểm. Như vậy chuyện nói dối của Huck là việc làm mang tính tự vệ, thể hiện bản năng tồn tại của con người chứ không phải là loại hành động thể hiện bản chất giả dối. So sánh với những hành động láu lỉnh của Tom Sawyer, chúng ta sẽ thấy sự khác nhau. Khi Tom vờ vịt thích công việc quét vôi hàng rào thì mục đích rõ ràng của cậu bé là kiếm người làm giúp để vừa thu lợi vừa không phải làm việc. Rồi khi gạ bọn trẻ đổi thẻ ở trường học Giáo lí, Tom cũng đã tính trước sẽ dùng những cái thẻ kiếm được một cách “bất chính” ấy để được “tôn vinh”. Cùng là hành động nói dối nhưng ở Tom là sự bộc lộ sự ranh mãnh, còn ở Huck lại là sự bộc lộ bản năng tự vệ. Điều này có ở Huck cũng là điều dễ hiểu bởi hoàn cảnh sống lang thang từ nhỏ, luôn phải đối phó với người cha nát rượu đã khiến bản năng sinh tồn nơi Huck phát triển mạnh mẽ. Bản năng ấy gợi nhớ đến chi tiết Huck tạo dựng cái chết giả của mình để trốn khỏi sự giam cầm của bố ở phần đầu tác phẩm. Rõ ràng Huck đã tính toán rất kĩ lưỡng mọi việc, từ việc tạo hiện trường giả đến việc chuẩn bị lương thực mang theo, rồi nơi đến, giờ khởi hành… Tất cả là để được tồn tại, sau nữa là để được sống tự do chứ không phải là loại hành động mang tính chất lừa dối.

Như vậy, có thể thấy bản chất thuần phác ở nhân vật Huck Finn đậm nét, nổi trội hơn ở nhân vật Tom Sawyer. Mọi hành động của Huck đều theo sự dẫn dắt của bản chất, nếu không muốn nói là bản năng, ấy. Sự đấu tranh giữa con người thuần phác và con người văn minh thể hiện nhiều hơn nơi Tom thì ở nhân vật Huck điều đó tập trung biểu hiện qua những chi tiết liên quan đến việc thả tự do cho Jim mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây.

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)