Thị trấn St Petersbur g: không gian thu nhỏ của xã hội văn minh

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 40 - 42)

Đây không phải là thứ không gian mà đề tài chúng tôi quan tâm nhưng nó là thứ không gian đối trọng với không gian tự nhiên. Và trong thế đối trọng ấy, xuất hiện cái nhìn về thiên nhiên vừa mang ý nghĩa xã hội vừa mang ý nghĩa triết lí của Mark Twain. Không gian đối trọng ấy chính là thị trấn St Petersburg với nhà thờ, trường học… Nơi đây chính là thế giới của những qui ước xã hội gò bó, những thói quen khiến cuộc sống của mọi người trở nên tù túng, nhàm chán, tất nhiên là trong con mắt của bọn trẻ. St Petersburg không chỉ gợi lại thị trấn Hannibal, nơi mà Mark Twain đã sống tám năm thơ ấu đẹp đẽ mà nó còn là hình ảnh tiêu biểu của một thị trấn kiểu Mĩ hồi thế kỉ XIX. Công cuộc viễn chinh về phiá Tây thời kì đầu đã góp phần định hình tính cách cộng đồng ở Mĩ nên thời gian sau họ hầu như đều sống trong các thị trấn hoặc làng. Điều này khiến họ có thể quây quần dựa vào nhau mà chống chọi lại môi trường sống khắc nghiệt và còn có thể xây dựng những mối quan hệ gắn bó với nhau vốn là bản chất của con người. Thị trấn St Petersburg quả thật mang những nét như vậy. Giữa thiên nhiên rộng lớn còn nhiều nét hoang sơ, mỗi gia đình

sống trong một ngôi nhà có hàng rào bao quanh vườn. Mọi người trong thị trấn hàng tuần gặp nhau ở nhà thờ. Họ chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày. Khi những đứa trẻ trốn nhà ra đi họ gặp nhau than khóc, khi ngỡ bọn trẻ đã chết thì “một sự

yên tĩnh bất thường đè nặng trên thị trấn”, rồi họ cùng nhau tập trung ở nhà thờ để cầu nguyện; hay giữa đêm khuya họ sẵn sàng ra khỏi nhà với súng ống trên tay khi biết hàng xóm của mình đang gặp nguy hiểm…

Nhưng đó là thế giới của người lớn, người lớn có thể thấy dễ chịu, ấm áp với tất cả những điều trên nhưng bọn trẻ con thì không. Đối với chúng, việc ngày ngày phải răm rắp tuân thủ những qui định do người lớn đề ra quả thật là ngạt thở. Với Tom Sawyer những lúc ở nhà thờ, ở trường học là thử thách ghê gớm. Do đó Mark Twain đã luôn sử dụng nghệ thuật tương phản khi miêu tả không gian trang nghiêm của hai nơi ấy cùng với những trò tếu táo của Tom.

Hàng tuần cứ vào sáng chủ nhật là bọn trẻ phải đến nhà thờ để học :

nhà thờ chỉ là một ngôi nhà nhỏ, kiến trúc đơn sơ, cái gác chuông ở trên nóc trông chẳng khác gì một hàng rào chung quanh các gốc cây làm bằng ván gỗ thông ghép lại! [63, (1), tr.70 – 71].

Trong không gian ấy, bài giảng đầy thành kính của thầy hiệu trưởng thường diễn ra cùng lúc với những chuyện gây lộn, những trò nghịch ngợm và trong tiếng “tiếng dậm chân, tiếng xì xào lan ra khắp tứ phía”.

Không gian trường học cũng không khác hơn là mấy. “Ngôi trường nhỏ làm bằng ván ghép đứng chơ vơ cách xa làng xóm” [63, (1), tr.122] là nơi Tom buộc phải đến mỗi ngày sau khi đã tìm mọi phương cách để tránh né mà không xong. Không khí trong lớp học càng trở nên tẻ nhạt hơn khi được đặt trong thế so sánh với thiên nhiên bên ngoài.

Tiếng học bài rì rầm như ru ngủ của hai mươi nhăm đứa trẻ có tác dụng màu nhiệm làm tâm hồn tê mê như tiếng đàn ong vo ve. Xa xa đồi Cardiff hiện ra với những sườn đồi xanh dịu sau làn không khí nóng rung rinh trông xa như phơn phớt màu tím nhạt… [63, (1), tr.131].

Ngay cả buổi lễ tổng kết năm học cũng vậy. Dù “… trong trường đèn thắp sáng trưng, chăng hoa kết lá, trang hoàng rực rỡ.” [64, (2), tr.60] nhưng mọi chuyện diễn ra trong không gian trang trọng ấy đều kệnh cỡm, lộn xộn, từ việc Tom đọc bài diễn văn “với

một vẻ hung hăng tuyệt mĩ, hoa chân múa tay như điên như cuồng, rồi bỗng nhiên ngắc ngang giữa quãng.” [64, (2), tr.62]; đến các bài luận suớt mướt được các nữ sinh đọc như những cái máy ghi âm…

Những không gian gò bó hạn hẹp ấy đối với những chú bé “hư hỏng” như Tom Sawyer, Huck Finn… hiển nhiên là không thể chịu nổi và rất dễ hiểu nếu chúng tìm cách thoát khỏi những nơi ấy để tìm đến với một thế giới khác, một không gian tự do, bay bổng hơn nơi đảo Jackson.

Hai không gian tiêu biểu là nhà thờ và trường học ở thị trấn St Petersburg, vẫn được các nhà nghiên cứu trong nước đặc biệt chú ý như là những biểu hiện tập trung của chủ nghĩa hiện thực trong các sáng tác của Mark Twain. Còn chúng tôi, với đề tài của mình chỉ tìm hiểu hai không gian ấy dưới góc độ không gian tù túng đối lập với không gian tự nhiên rộng lớn của hành trình phiêu lưu của các nhân vật. Đó là thứ không gian rừng và sông quyến rũ, nghĩa địa và nhà hoang âm u.

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 40 - 42)