Sự thuần phác và tình bạn

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 80 - 89)

THIÊN NHIÊN NHƯ LÀ BẢN CHẤT – SỰ THUẦN PHÁC CỦA CÁC NHÂN V Ậ T

3.3.2. Sự thuần phác và tình bạn

Mối quan hệ giữa Huck, chú bé da trắng nghèo và Jim, người nô lệ da đen bỏ trốn trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Nó là sự tiếp nối :

Một hiện tượng đặc biệt trong dòng tiểu thuyết phiêu lưu của Mĩ là hệ hai nhân vật thành một cặp lưỡng tính theo kiểu Don Quixote với Pansa.” [13, tr.147].

Qua cặp nhân vật này, Mark Twain muốn nói đến những vấn đề thời đại và thể hiện ý nghĩa của một cuộc cách mạng tư tưởng. Đây là điều chúng tôi đã đề cập đến trong chương thứ hai của luận văn. Sở dĩ nhắc lại điều này bởi thông qua mối quan hệ nói trên giữa Huck và Jim, còn có thể làm rõ vấn đề bản chất thuần phác của nhân vật Huck Finn.

Trong suốt hành trình đi tìm tự do của mình, bên cạnh “ông thầy” thiên nhiên, thì Huck còn học được nhiều điều từ Jim nữa. Sự hiểu biết, cảm thông, gắn bó của đôi bạn hình thành và ngày càng trở nên sâu đậm hơn sau những biến cố gặp phải trong suốt chuyến đi. Vì vậy “Người nô lệ bỏ trốn – Jim, trở thành một người cha tinh thần đối với Huck.” [68, tr.123].

Cũng như bất kì người miền Nam nào khác, trong suy nghĩ của Huck, một người da đen thì luôn ngờ nghệch và cố chấp, không thể có những tình cảm đặc biệt. Thế nhưng những ngày sống cùng Jim đã khiến Huck hiểu hơn về những người nô lệ. Trong cái đêm sương mù trên sông mà chúng tôi đã nêu ở trên, Huck lạc mất Jim và khi gặp lại đã đùa Jim rằng tất cả chỉ là một giấc mơ. Jim đã “trách móc” Huck bằng những lời sau :

Sau khi tôi đã mệt quá với chuyện loay hoay ở đó rồi mà gọi cậu mãi không thấy, tôi mới đi ngủ, mà trong lòng tôi thì đau đớn vô cùng vì đã mất cậu. Tôi cũng chẳng cần biết là tôi và cái bè ra sao nữa. Lúc tôi tỉnh dậy thì lại thấy cậu trở về nguyên vẹn, tôi

Có thể coi đây là bài học đầu tiên Huck nhận được từ Jim. Nó tác động đến Huck thật mãnh liệt :

Tôi cảm thấy mình thật xấu xa đến nỗi suýt nữa tôi lại muốn cúi xuống hôn chân Jim

để hắn quay lại…

Đến mười lăm phút qua tôi mới đứng dậy được, đến xin lỗi trước mặt một người da

đen. Nhưng làm việc đó xong rồi, không bao giờ tôi còn phải ăn năn hối hận nữa.

[66, tr.148].

Quả thật không dễ dàng chút nào cho Huck để “đến xin lỗi trước mặt một người da

đen”. Thế nhưng hành động mang tính cách mạng ấy đã đem lại cho Huck sự ấm áp trong tâm hồn bởi từ đây cậu được đồng hành với một người bạn chứ không phải với một nô lệ bỏ trốn nữa. Do đó nó không chỉ là hành động thể hiện bản chất thuần phác mà còn là hành động đầu tiên xác lập tình bạn giữa Huck và Jim. Cứ thế nhiều lần khác nữa trong chuyến hành trình Huck còn được nghe thêm những quan niệm (cũng rất thuần phác) của Jim về cuộc sống, con người; những tâm sự của Jim về gia đình, kế hoạch tương lai … Đồng thời Huck còn được nhận sự quan tâm, chăm sóc của Jim trong suốt chuyến đi, điều mà lúc còn ở trong thị trấn không bao giờ Huck nhận được. Tất cả như một chất keo dần dần gắn kết họ lại bằng một thứ tình cảm hết sức trong sạch, thánh thiện. Và đến cuối cuộc hành trình, khi Jim bị lão Vua lừa bán đi mất thì cũng là lúc mà Huck thực sự cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của tình cảm ấy. Cậu thấy hụt hẫng, đau đớn như vừa mất đi một người ruột thịt.

Tôi gọi to một tiếng, rồi một tiếng nữa – lại một tiếng nữa; chạy hết ngả này ngả

khác vào rừng, hú lên, hét lên, nhưng vô ích – Jim đã đi mất rồi. Tôi ngồi xuống khóc, không thể nào kìm được nữa. [66, tr.332].

Nỗi đau khổ của Huck được bày tỏ cũng theo cách rất tự nhiên, không hề che dấu, ngại ngần gì. Hình ảnh Huck hết “gọi to” rồi lại chạy, hú, hét tìm Jim và cuối cùng bật khóc khiến người đọc liên tưởng đến cảnh tượng một con thú lạc mất con đang hoảng loạn, đau khổ đến điên cuồng giữa rừng sâu. Thì ra cuộc sống giữa thiên nhiên không chỉ đem lại cho Huck tự do mà còn có thể đem lại cho cậu bé những tình cảm mà trước đó nó không hề biết là có ở trên đời. Cách biểu lộ sự đau đớn ấy của Huck khiến chúng ta liên tưởng đến cảnh tượng Tom bày tỏ tình cảm với Becky mà chúng tôi đã nêu ở phần trên. Tâm trạng và cảnh ngộ hoàn toàn khác nhau nhưng cách mà hai cậu bé bày tỏ tình cảm thì rất giống nhau. Cả

hai đều thành thực với tình cảm của mình và bộc lộ chúng ra bên ngoài một cách hết sức tự nhiên.

Trở lại với nhân vật Huck Finn, chúng ta thấy rằng chính sự gắn bó và những tình cảm đối với Jim đã khiến cuộc đấu tranh nội tâm của Huck ở chương thứ XVI diễn ra đầy kịch tính, khi cả hai tưởng đã đến được Cairo, nơi Jim có thể đi đến những bang không còn chế độ nô lệ để bắt đầu cuộc sống tự do. Nó giống như một cuộc kiểm tra đạo đức dành cho Huck. Trái tim thuần phác mách bảo Huck để cho Jim đi, nhưng ý thức vốn rất xa lạ với những qui ước đạo đức lại “đe doạ” cậu, khiến cậu thấy mình có lỗi, thậm chí run sợ. Khi cái ý thức ấy “lấn lướt”, Huck đi đến quyết định sẽ giao nộp Jim. Điều này làm cho Huck thấy :

… dễ chịu, sung sướng, nhẹ như một chiếc lông bay bổng. Bao nhiêu những cái bứt rứt đều tiêu tan cả.” [66, tr.152].

Thế rồi trong khi quay xuồng vào bờ để thực hiện ý định trên, khi nghe Jim hét với theo những lời biết ơn, ca ngợi lòng tốt của mình, Huck lại cảm thấy “hình như ruột gan tôi bị bật cả ra ngoài” [66, 153] và khi giáp mặt những người đi bắt nô lệ thì rất tự nhiên bằng trái tim trực cảm, Huck che dấu, bảo vệ Jim rất khéo léo bằng câu chuyện về bệnh đậu mùa đã nói ở trên. Biết chắc là Jim thoát khỏi nguy hiểm lần này rồi nhưng Huck vẫn băn khoăn không biết mình đã làm đúng hay sai. Chính vì vậy mà cậu cứ loay hoay mãi với những suy nghĩ hết sức thật thà :

… nếu lúc này mình làm điều phải và đưa Jim ra, thì có phải bấy giờ thấy dễ thở hơn không? Nhưng tôi lại nói : không. Nếu như thế thì mình sẽ thấy khổ tâm chứ, sẽ thấy bứt rứt như chính bây giờ mình đang bứt rứt đây. Rồi tôi lại tự bảo: học làm điều phải để làm gì trong khi làm điều phải thì khổ tâm và làm điều trái thì không thấy phiền lòng gì cả. [66, tr.156].

Có thể coi bản chất thuần phác chính là nguyên nhân nỗi khổ sở mà Huck phải chịu đựng. Thế nhưng ngay trong những suy nghĩ trên, Huck đã thể hiện sự lựa chọn của mình rồi. Huck sẽ không làm “điều phải” nữa vì nó khiến cậu “khổ tâm” tức là Huck đã nghiêng về phía lương tâm thuần khiết. Trong trường hợp này bản năng đạo đức nơi Huck đã đặt nó vào thế đối đầu với xã hội. Sự lựa chọn, do đó không thể không khó khăn. Nếu so sánh với việc Tom bị lương tâm cắn rứt khi không dám ra cứu Muff Potter trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer thì cuộc đấu tranh nội tâm của Huck gay go hơn nhiều. Nó cũng

cao hơn về mặt ý nghĩa. Huck phải đối mặt với vấn đề đạo đức lớn hơn nhiều so với chuyện cứu hay không cứu một người vô tội khỏi cảnh tù đầy của Tom. Bản chất thuần phác đậm nét hơn cũng khiến Huck khổ sở hơn Tom và điều quan trọng là trong cuộc đấu tranh của Huck ta thấy rõ hơn vai trò của trực giác trong hành động biểu lộ bản chất ấy.

Sau này, ở cuối tác phẩm, một lần nữa Huck lại phải trải qua thử thách tương tự. Chỉ có điều hành động của Huck dứt khoát hơn, quyết liệt hơn. Đó là lúc đang ở nhà dì Sally, Huck quyết định viết thư gửi cô Watson (người chủ nô lệ của Jim) tố cáo Jim khi biết hắn bị ông Silas Phelps bắt nhốt. Nhưng toàn bộ cuộc hành trình đầy bất trắc với Jim sống dậy. Trong đầu Huck như diễn ra một đoạn phim quay chậm trong đó các hình ảnh quá khứ cứ từ từ lướt qua :

Rồi lại nghĩ đến cả chuyến đi xuôi con sông này, và tôi luôn luôn thấy hình ảnh Gim

ở trước mặt: ngày cũng nhưđêm, có khi dưới trăng, có khi trong cơn dông tố, chúng tôi vẫn dập dềnh trôi đi, nói chuyện, hát cười. Rồi tôi thấy hình như không có chỗ

nào mà mình đáng phải độc ác với hắn, chỉ thấy hắn tốt. Tôi thấy Gim ở trên bè đứng gác thay cho tôi, đáng lẽ gọi tôi dậy thì hắn vẫn để tôi ngủ; thấy Gim sung sướng mừng rỡ biết bao nhiêu khi thấy tôi thoát khỏi sương mù trở về; rồi đến lúc tôi ra

đầm gặp lại Gim ở vùng đồn điền kia; nhiều lần như thế; và bao giờ Gim cũng gọi tôi bằng cái tên thân yêu, chiều chuộng tôi, có thể vì tôi mà làm gì cũng làm. Luôn luôn bao giờ Jim cũng tốt như vậy. [66, tr.336].

Dòng hồi tưởng ấy nhắc nhớ lại những ngày tháng phiêu lưu của đôi bạn. Hình ảnh dòng sông vừa êm đềm vừa dữ dội bây giờ làm nền cho những kí ức tốt đẹp về Jim. Huck nhớ như in các sự kiện cùng trải qua với Jim trên dòng sông ấy và cảm nhận rõ rệt tấm lòng bao dung của một người cha, người anh; tâm hồn chân thực của một người bạn nơi người nô lệ ấy. Trở đi trở lại trong kí ức của cậu bé là ý nghĩ về sự lương thiện, hiền lành, tốt bụng của Jim : “Rồi tôi thấy hình như không có chỗ nào mà mình đáng phải độc ác với hắn, chỉ

thấy hắn tốt.” Hay “Luôn luôn bao giờ Jim cũng tốt như vậy.”. Chính những kí ức ấy đã đẩy Huck tới một quyết định:

Tôi nhặt mảnh giấy lên, mân mê trong tay. Tôi run người lên, vì bây giờ tôi phải quyết định một lần chót, một trong hai điều đây. Tôi biết lắm. Tôi suy nghĩ một phút, nín thở, rồi tự bảo: “Thôi được, mình sẽ đành đi xuống địa ngục” – và xé toang mảnh giấy. [66, tr.336].

Trong cuộc đấu tranh lần này, ý thức dường như “lép vế” hơn so với trái tim. Trái tim thuần phác khiến Huck không hề ngại ngần chuyện sẽ “đi xuống địa ngục” và dẫn dắt Huck tới hành động “xé toang mảnh giấy” kia. Hành động dũng cảm ấy đánh dấu sự chiến thắng hoàn toàn của bản chất thuần hậu trong con người Huck. Nó cũng chính là chi tiết quan trọng biểu hiện chất nổi loạn tư tưởng mà nhà văn muốn thể hiện trong tác phẩm bởi nó phủ nhận những qui định mà xã hội công nhận. Bằng hành động ấy, Huck đã tự đặt mình vào thế đối đầu với xã hội. Cái cách nhà văn đặt cậu bé cao hơn những chuẩn mực xã hội đã thể hiện sự đồng tình của ông với những hành động xuất phát từ bản chất thuần phác của con người.

Như vậy tình bạn của Huck và Jim tượng trưng cho những gì thánh thiện nhất. Theo như cách nói của Lionel Trilling thì “Huck và Jim thực sự dựng lên một cộng đồng các thánh trên chiếc bè” [74, tr.11]. Cộng đồng ấy, vì vậy hoàn toàn đối nghịch với xã hội đương thời và cũng chính nó là môi trường khiến bản chất thuần phác của con người có thể bộc lộ và toả sáng.

3.3.3. Sự thuần phác và chuyện mê tín

Ở trên, chúng tôi đã nhắc đến việc ngành folklore học ở Mĩ ra đời năm 1888 như một phản ứng với sự phát triển công nghiệp. Việc quay về tìm hiểu nền văn hoá nông nghiệp trước đó là mối quan tâm hàng đầu của các nhà xã hội học lúc bấy giờ. Mark Twain cũng với quan niệm ấy đã đưa vào cuốn Huckleberry Finn những chi tiết có thể gợi nhắc đến nền văn hoá nông nghiệp đó. Đó chính là những chuyện mê tín. Cũng giống như Tom trong cuốn Tom Sawyer, Huck và cả Jim rất tin vào những chuyện loại này trong suốt hành trình của mình. Để những câu chuyện mê tín chi phối các nhân vật cũng là một cách nhà văn thể hiện bản chất thuần phác của họ. Nếu trước kia Huck thường bàn bạc và thực hiện những chuyện ấy cùng Tom thì bây giờ đi với Jim, cậu bé còn biết thêm nhiều chuyện “hay ho” hơn nhờ Jim dạy cho. Do đó chúng không chỉ biểu lộ sự chất phác của Huck (và cả Jim) mà còn mở ra một phương diện khá thú vị trong đời sống tinh thần của người da đen. “Thế giới Huck đang sống được trang bị hoàn hảo để thích nghi với tính thần” [74, tr.8] là ý kiến của Lionel Trilling về vấn đề này.

Trong cuốn Huckleberry Finn, những chuyện mê tín dị đoan ảnh hưởng tới Huck có thể xếp vào hai loại. Đó là những chuyện điềm báo và những điều kiêng kị. Huck tin tưởng

tuyệt đối vào những điềm báo nên cậu bé luôn sợ hãi cuống cuồng mỗi khi gặp phải. Các điềm báo có thể khác nhau nhưng phản ứng của Huck trước chúng thì luôn giống nhau. Mở đầu tác phẩm, dù trong lòng đang “vô cùng buồn thảm” vì phải sống cảnh “tù đày” ở nhà bà goá Douglas, nhưng khi “một con nhện ở đâu nhảy đến, lồm cồm bò trên vai áo”, Huck vẫn không quên “chồm dậy, quay đi quay lại một chỗ đến ba bốn vòng, rồi lại làm dấu trước ngực rất nhiều lần”. Sau đó là “lấy sợi dây buộc chặt mớ tóc trên đầu để làm cái bùa đuổi yêu quái đi” vì tin rằng “đó là một điều xấu và rồi tôi sẽ gặp rủi ro” [66, tr.20]. Huck không chỉ tin vào những điềm báo tình cờ, cậu còn rất tin vào chuyện bói toán vì cho rằng nhờ việc này mà có thể biết trước mọi chuyện để mà tránh. Tiêu biểu cho loại niềm tin này là việc Huck sau khi phát hiện ra dấu vết của bố đã chạy đến nhờ Jim dùng búi lông “có con ma nó biết tất cả mọi thứ” bên trong để đoán xem “bố tôi sẽ làm gì và có ý định ở lại đây không” [66, tr.42]. Chỉ sau khi Huck trả tiền thì búi lông mới cho cậu bé biết các tiên đoán của mình :

Chưa biết là ông bố cậu sẽ làm gì ở đây. Có thể ông ấy sẽđi xa, cũng có thể ông ấy

định ở lại…Nhưng còn cậu thì không hề gì. Đời cậu sẽ gặp nhiều cái rắc rối, mà cũng có nhiều cái vui mừng đấy. Có khi cậu bị đau đớn, lại có khi ốm yếu, nhưng rồi lần nào cậu cũng trở lại lành mạnh như thường… [66, tr.43 – 44].

Nghe những lời phán nước đôi ấy, tất nhiên Huck rất sợ. Bởi thế khi về phòng thấy ông bố đã ngồi sẵn trong đó, cậu bé hết “khiếp sợ” lại “kinh hãi”.

Sau này khi cùng thực hiện chuyến phiêu lưu, Huck còn được Jim nhắc nhở nhiều lần về những điều nếu làm sẽ gặp phải chuyện không may vì Jim “biết hầu hết” các thứ điềm báo hiệu trên đời. Đây là chuyện mê tín thuộc dạng thứ hai : những điều kiêng kị. Những chuyện loại này rất nhiều trong niềm tin của Huck. Nào là người bắn chim đang bay sẽ bị :

“chết đấy”, hoặc ai vào“lúc mặt trời lặn mà đem rũ cái khăn trải bàn” [66 – tr.86] thì chắc chắn sau đó sẽ gặp phải điều rủi ro, hay “sờ vào da rắn lột sẽ gặp điều không may nhất trên

đời” [66, tr.96 – 97], rồi là “nhìn mặt trăng lưỡi liềm qua phía bên trái của mình là một trong những điều không cẩn thận và dại dột nhất” [66, tr.99]. Và tất nhiên chúng cũng khiến Huck phải lo sợ không kém so với những chuyện điềm báo đã kể trên. Điều đặc biệt là niềm tin của Huck vào chúng ngày càng được củng cố vững chắc hơn nhất là sau một

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 80 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)