Như trên chúng tôi đã trình bày, quan niệm thiên nhiên như là bản chất đã trở thành một trào lưu tư tưởng của châu Âu trong một thời gian dài, đặc biệt là vào thế kỉ XVIII. Đối với các nhà văn, tư tưởng này giúp đem lại cho họ cái nhìn mới về xã hội, về con người. Quan điểm duy lí, những tiến bộ của khoa học, sự văn minh của xã hội ngày càng làm cho con người trở nên khô cứng, xa rời bản chất tự nhiên của mình. Do đó, để các nhân vật quay
về với thiên nhiên cũng là cách mà các nhà văn bày tỏ sự phản đối xã hội. Trong các tác phẩm văn chương, chúng ta bắt gặp những biểu hiện hết sức đa dạng của quan điểm ấy.
Khi viết Robinson Cruso, hẳn Daniel Defoe không chỉ muốn kể một câu chuyện hấp dẫn với nhiều tình tiết li kì. Trong suốt gần ba mươi năm, một mình trên hòn đảo hoang vắng, Robinson gần như quay trở về với cuộc sống nguyên thủy. Chàng gắn bó với thiên nhiên, sống trong lều, mặc đồ làm từ da dê… Vậy mà không những không cảm thấy thiếu thốn, khổ sơ, Robinson còn tìm được những giây phút thư thái, yêu đời giữa thiên nhiên
“thanh tú”.
Trong tác phẩm, bản chất tự nhiên còn thể hiện qua nhân vật Friday. Mọi suy nghĩ, hành động của nhân vật này đều thể hiện sự thuần phác. Từ nỗi sợ hãi ban đầu khi được Robinson cứu thoát, cách bày tỏ lòng biết ơn… đến sự lúng túng, ngượng nghịu khi được mặc quần áo… và đặc biệt là lòng trung thành vô hạn đối với ông chủ. Friday đem lại niềm vui cho Robinson và hơn thế “Bản chất trong sạch và lành mạnh của anh (Friday)đã chinh phục được tình cảm của tôi (Robinson).” [22, tr.207].
Một biểu hiện khác của bản chất thuần phác nơi con người thường được nhắc đến trong các tác phẩm văn chương là tính dục. Những khát khao, những hành vi liên quan đến tính dục thường được lí giải có liên quan đến sức mạnh của thiên nhiên. Tiểu thuyết Chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne khi nhấn mạnh vào chủ đề “tội ác” và hình phạt đã dựa trên tình tiết chính có liên quan đến vấn đề bản chất của con người. Mối tình của chàng mục sư trẻ tuổi Arthur Dimmesdale với cô thợ thêu xinh đẹp, quyến rũ Hester Prynne chính là nguyên nhân của mọi dằn vặt đau khổ của các nhân vật. Tuy nhiên tác giả thể hiện nó không phải như một tội lỗi, mà là một sức mạnh của thiên nhiên. Ở cuộc gặp gỡ trong rừng, trước sự suy sụp của mục sư Arthur Dimmesdale, Hester Prynne đã khẳng định : “Điều chúng ta
đã làm có một tính thánh hóa của riêng nó.” [27, tr.279].
Và khi chàng mục sư chấp nhận sự giải thoát bằng việc đồng ý cùng người tình và con gái bỏ trốn, cũng như khi Hester Prynne “tháo chữ A màu đỏ ra khỏi ngực và vứt nó ra xa trên đám lá vàng úa” [27, 289] thì cũng chính là lúc hai kẻ tình nhân tội nghiệp ấy tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Nhà văn đã thể hiện quan điểm của mình về bản chất tự nhiên của con người bằng cách miêu tả vẻ bừng sáng của cảnh vật khu rừng lúc đó và nhận xét :
Sự thông cảm của Thiên nhiên là vậy đó – cái Thiên nhiên hoang dã, ngoại đạo của rừng núi, không bao giờ khuất phục trước pháp luật của con người, cũng không bao giờ chịu sự soi sáng bởi chân lí cao siêu – sự thông cảm của Thiên nhiên với niềm vui sướng của hai linh hồn này là như vậy đó! Tình yêu, dù là mới nở, hay là vừa thức dậy sau một giấc ngủ như chết, đều luôn tạo ra nắng tươi, rót vào quả tim đầy
ắp những ánh huy hoàng rực rỡ, chan chứa đến mức nó tràn ra cả thế giới bên ngoài. [27, tr.291].
Cũng thể hiện tư tưởng trên, Thomas Mann, trong tác phẩm cuối cùng của mình là
Ao ảnh đã lí giải những thay đổi của cơ thể, những rung động tình yêu, những ham muốn thể xác của nhân vật nữ chính, bà Rosalie von Tummler, một góa phụ đang bước vào tuổi ngũ tuần, bằng sức mạnh kì diệu của thiên nhiên. Tác phẩm ngắn, tình tiết không nhiều, chủ đề thiên nhiên như là tính dục được thể hiện chủ yếu qua những cuộc đối thoại của bà Rosalie và cô con gái Anna, một thiếu nữ thông minh, sống bằng lí trí, luôn tìm cách đè nén những tình cảm tự nhiên của bản thân. Nếu người mẹ coi những rung động của mình trước vẻ cường tráng của một một chàng trai hai mươi lăm tuổi là điều kì diệu mà thiên nhiên ban tặng cho thể xác, thì cô gái, ngược lại cho rằng :”Tinh thần gắn với thiên nhiên không kém gì thể xác”. [43, tr.30].
Cả hai quan điểm đều được thể hiện gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Từ “thiên nhiên” trở đi trở lại rất nhiều lần trong toàn bộ tác phẩm qua suy nghĩ của cả hai nhân vật.
Lúc nào cũng thế, nhất là khi bà mặc tình buông thả theo cơn đam mê thiên nhiên của bà, và bà luôn thửđưa cô con gái sống thiên về lí trí đến với nó. [43, tr.18].
… và tới năm mươi tuổi, chúng ta đã cùn nhụt, khả năng sinh đẻ của chúng ta tàn lụi, và trước thiên nhiên ta chỉ còn là mớđổ nát. [43, tr.29].
… nó (Anna)đã lầm, bởi nó không tin vào phép lạ, nó không biết rằng thiên nhiên có thể tạo nên một sự nảy nở kì diệu của tâm hồn ngay khi đã muộn… [43, tr.43].
Những chuyện của thiên nhiên, thiên nhiên kì diệu, bí ẩn, toàn năng thỉnh thoảng vẫn tác động lên chúng ta một cách kì lạ, mâu thuẫn, thậm chí không thể hiểu được nữa.
[43, tr.53].
Sự hòa điệu giữa linh hồn và thể xác chắc chắn là một điều tốt đẹp, cần thiết, và mẹ
cách kì diệu. Nhưng sự hòa điệu giữa cuộc sống và những niềm tin đạo đức nhận
được trong nôi lại còn thiết yếu hơn [43, tr.78](lời cô con gái)...
Và cứ thế, một cách giản dị, nhà văn khẳng định sự đồng tình của mình về tính tốt đẹp trong bản chất tự nhiên của con người.
Cũng vấn đề thiên nhiên như là bản chất, nhưng đến Jack London, trong kiệt tác
Tiếng gọi nơi hoang dã, ta thấy cả một quá trình đấu tranh nội tâm được miêu tả hết sức sống động. Bản chất hoang dã luôn tiềm ẩn trong con chó Buck cho dù khi nó đang sống cuộc sống văn minh, êm ả ở nhà ông thẩm phán Miller; hay khi bị bắt phải gia nhập đoàn chó kéo xe cho những kẻ tìm vàng, sống theo “luật của dùi cui và răng nanh”. Rất nhiều lần cái “huyết thống của nguyên thủy” ấy lôi kéo nó, vẫy gọi nó, nhất là khi nó sống giữa thiên nhiên hoang sơ, lạnh giá của miền Bắc. Tuy vậy những ảnh hưởng của sự văn minh hóa, đặc biệt là tình cảm sâu đậm với John Thornton như một sợi dây níu giữ nó lại. Vì vậy, việc Thornton chết cũng giống như sợi dây ấy bị đứt và bản chất hoang dã đã chiến thắng nên việc Buck quay về đời sống của loài sói hoang là tất yếu. Hình tượng con chó Buck vì thế có thể coi như một ẩn dụ về bản chất tự nhiên của loài người. Trong trường hợp này những lí giải bằng phân tâm học tỏ ra rất hữu hiệu. Cuộc sống văn minh kéo con người xa bản chất tự nhiên của mình, buộc họ phải luôn hướng về ý thức. Tuy nhiên đây là điều có thể bị phá vỡ bởi bản chất tự nhiên cũng giống như vô thức khiến con người bất cứ lúc nào cũng có thể quay trở lại hành động đúng với bản chất người của mình.
Như vậy, trong các tác phẩm văn chương, ý nghĩa thứ hai của thiên nhiên, thiên nhiên như là bản chất, được thể hiện thông qua những hành động, những suy nghĩ của các nhân vật trong nhiều tình huống khác nhau. Nhưng tất cả đều nhằm khẳng định bản chất thuần phác của con người có nguồn gốc gần gũi với thiên nhiên.