Thiên nhiên với ý nghĩa là bản chất thuần phác

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 66 - 67)

THIÊN NHIÊN NHƯ LÀ BẢN CHẤT – SỰ THUẦN PHÁC CỦA CÁC NHÂN V Ậ T

3.1. Thiên nhiên với ý nghĩa là bản chất thuần phác

Trong chương thứ nhất chúng tôi đã nói đến ý nghĩa thứ hai này của thiên nhiên. Bản chất vốn là một khái niệm rộng, chứa đựng rất nhiều biểu hiện cụ thể khác nhau. Ở chương này, chúng tôi chỉ đi vào một biểu hiện của vấn đề bản chất của con người. Đó là sự thuần phác. Từđiển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1977 định nghiã thuần phác là sự chất phác hiền hậu. Còn Từ điển tiếng Anh Oxford Advanced Learner’s Dictionary, 7th edition – 2006 định nghĩa thuần phác (ingenuous) là honest, innocent and willing to trust people. Như vậy, sự thuần phác có thể coi là bản chất của những con người ít bị ảnh hưởng của văn minh, chưa biết đến giả tạo, lừa mị; những con người mà cuộc sống gắn liền với tự nhiên. Họ chính là những con người mà Rousseau đã mô tả rất hình ảnh “từ trong thiên nhiên mà ra, khát thì uống nước suối, giường là dưới gốc cây đã cung cấp thức ăn” [21, tr.12]. Tức là họ sống đúng với bản chất người của mình nhất. Cái thuần phác ấy dần mất đi khi con người ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ xã hội hiện đại. Nói cách khác, càng văn minh con người càng rời xa bản chất người. Do đó các nhà xã hội học mới hướng sự nghiên cứu của mình vào các bộ tộc cổ xưa như là một cách phản ứng với xã hội công nghiệp.

Và Mark Twain cũng vậy. Ông thể hiện sự phản đối của mình với hiện thực xã hội nước Mĩ cuối thế kỉ XIX thông qua nhiều tác phẩm, dưới những góc độ khác nhau. Trong hai cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom SawyerNhững cuộc phiêu lưu của Huck Finn, thái độ phê phán ấy không chỉ thể hiện qua sự tương phản giữa hai không gian : thiên nhiên hoang dã và xã hội văn minh mà chúng tôi đã trình bày trong chương hai; mà còn thể hiện qua sự thuần phác nơi các nhân vật, nhất là ở hai nhân vật Tom Sawyer và Huck Finn. Điều đặc biệt là sự thuần phác của các nhân vật này cũng được nhà văn thể hiện bằng nghệ thuật

tương phản. Một bên là sự thuần phác vốn vẫn tiềm ẩn trong bản chất của các cậu bé với một bên là những yếu tố “văn minh” mà chúng chịu ảnh hưởng. Nếu căn cứ vào các định nghĩa đã nêu ở trên thì Tom và Huck không phải là những cậu bé thuần phác. Chúng nghịch ngợm, phá phách thậm chí nhiều lúc tỏ ra tinh ranh, láu cá; nhưng sự thuần phác vẫn còn trong bản chất và điều này được bộc lộ thông qua lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng. Tất nhiên xã hội mà chúng đang sống cũng có ảnh hưởng không ít. Chính vì vậy mà khi đối diện với những qui ước, những chuẩn mực của xã hội ấy, Tom và Huck luôn phải chịu đựng những lo lắng, dằn vặt vì các qui định của xã hội thì vốn mâu thuẫn với sự chất phác trong con người chúng và vì thế thường “cản trở” khi chúng muốn hành động theo đúng với bản chất tự nhiên. Trong những cuộc “đấu tranh” kiểu này, trực giác luôn dẫn dắt hành động để cuối cùng các nhân vật sẽ đưa ra những quyết định mang tính người nhất. Chúng tôi sẽ đi vào tìm hiểu vấn đề bản chất thuần phác từ góc độ này.

Đồng thời chúng ta cũng sẽ thấy được sự phát triển trong quan niệm của Mark Twain về xã hội, về con người khi đi vào so sánh sự thuần phác của Tom Sawyer và Huck Finn được ông thể hiện trong hai tác phẩm ra đời cách nhau bảy năm này. Bản chất ấy nơi nhân vật Tom chưa rõ nét lắm nếu so với Huck. Do đó, có thể nói trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer vấn đề thiên nhiên như là bản chất chỉ mới mang tính chất dự báo. Chỉ đến cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn thì điều này mới được bộc lộ rõ nét và quyết liệt. Nói cách khác sự thuần phác nơi nhân vật Tom và Huck được thể hiện ở những cấp độ khác nhau. Cùng đối diện với những vấn đề xã hội giống nhau nhưng suy nghĩ, quan niệm và cách xử lí tình huống của Tom và Huck không hoàn toàn giống nhau. Có sự khác nhau ấy một phần là do theo thời gian cái nhìn của Mark Twain về xã hội công nghiệp Mĩ trở nên rõ nét hơn và cả do những thăng trầm của chính bản thân ông trong công việc kinh doanh. Nếu nói đề cao sự thuần phác, để cho điều này chiến thắng trong các tác phẩm của mình là cách mà nhà văn thể hiện thái độ phê phán thời đại công nghiệp thì thái độ ấy gay gắt hơn ở trong cuốn Huck Finn. Chúng tôi sẽ chỉ rõ điều này hơn khi đi vào tìm hiểu sự biểu hiện của bản chất thuần phác ở nhân vật Tom và Huck dưới đây.

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 66 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)