Dòng sông – vị thần dẫn dắt

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 55 - 56)

Cùng với rừng, dòng sông gắn liền với hành trình của Huck và Jim. Với 243 lần xuất hiện trong suốt cả tác phẩm, dòng sông hoàn toàn có thể được coi là một nhân vật trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Nó xuất hiện với nhiều “chân dung” khác nhau từ êm đềm, nên thơ với trăng, sao; đến dữ dội, bất kham với sương mù, mưa

giông. Nếu trong cuốn Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, dòng sông êm ả, trong trẻo như chính những kí ức của Mark Twain về thời thơ ấu thì dòng sông trong cuốn “Huck Finn” có thể coi là những kí ức sống động của một người say mê nghề hàng hải, từng phiêu bạt nhiều năm trên dòng Mississippi xưa. Cùng với rừng, sông vừa là không gian phiêu lưu vừa có tác dụng dẫn dắt nhận thức cho Huck. Chính dòng sông vĩ đại này đã đưa Huck và Jim từ chốn văn minh đến thẳng với thiên nhiên. Mọi biến cố mà hai nhân vật gặp phải trong suốt cuộc hành trình đều gắn liền với dòng sông. Xuôi theo dòng sông, Huck suy nghĩ, hành động và nhận thức mọi việc. Hoà mình vào dòng sông, nhân vật tự tìm ra “chân lí”. Đó là sự thoải mái, thích thú của tự do; sự ấm áp, ngọt ngào của tình bạn, tình người. Nói như Lionel Trilling thì dòng sông đã “dung dưỡng lòng hào hiệp của ai yêu nó và cố hoà vào dòng chảy của nó” [74, 8].

Cùng được xem xét như những biểu trưng trong hành trình của Huck và Jim nhưng so với rừng, dòng sông còn chứa đựng thêm những tầng nghĩa khác. Khác với những cánh rừng, dòng sông có tên gọi cụ thể. Nó chính là dòng Mississippi vĩ đại gắn liền với lịch sử Hoa Kì, đặc biệt là công cuộc Tây tiến của dân tộc này. Do đó việc xuôi theo dòng sông ấy trong suốt chuyến hành trình, cũng có nghĩa là Huck và Jim đang đi lại hành trình phiêu lưu của dân tộc. Điều này nhắc đến motif thường gặp trong nhiều tiểu thuyết phiêu lưu của Mĩ. Đó là việc để nhân vật thực hiện “hành trình ngang qua xứ sở mà nhìn ngắm, phê phán và suy nghĩ” [13, tr.139]. Không chỉ tiếp tục motif này, Mark Twain còn gắn nó với bối cảnh thiên nhiên đặc trưng vùng biên cương miền Tây. Và “Thế là cuộc hành trình lại mang một ý nghĩa mới mẻ : đi tìm bản sắc dân tộc.” [11, tr.20]. Tức là khi xem xét dòng sông (và cả rừng) như những biểu tượng chúng ta sẽ tìm thấy một ý nghĩa biểu trưng nữa của hành trình. Vì thế nét hoang sơ, dữ dội của dòng sông như nói được những gian lao, nguy hiểm trong hành trình; nét êm đềm, nên thơ của dòng sông như nói được cái trong trẻo, thánh thiện trong tâm hồn của Huck và cả Jim. Hiểu theo nghĩa này thì có thể nói dòng sông đã khiến hành trình đi tìm tự do ấy sáng lên nhiều ý nghĩa khác nhau dưới ánh sáng của biểu tượng.

Một phần của tài liệu THIÊN NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MARK TWAIN (Trang 55 - 56)