Biện pháp nêu vấn đề

Một phần của tài liệu NHỮNG BIỆN PHÁP PHÁT HUY NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT (Trang 56 - 60)

TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT 2.1 Một số nét đặc trưng trong truyện ngắn của Nam Cao

2.3.3. Biện pháp nêu vấn đề

Nêu vấn đề là BP sử dụng câu hỏi chứa đựng mâu thuẫn (giữa cái đã biết và cái chưa biết) để tạo được tình huống có vấn đề nhằm kích thích được tính tích cực, chủ động và thúc đẩy tư duy sáng tạo trong hoạt động cảm thụ văn học của HS. Ngày nay, dạy học nêu vấn đề đã được nhiều người thừa nhận là BP có khả năng phát triển trí tuệ một cách có hiệu lực và ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong Iĩnh vực dạy học văn nói riêng và dạy học các môn khoa học nói chung.

Khác với câu hỏi phát hiện, câu hỏi tổng hợp kiến thức, câu hỏi so sánh và kiểu câu hỏi nhằm tập trung sự chú ý của HS, câu hỏi nêu vấn đề không nhằm mục đích tái hiện những kiến thức có sẵn mà đòi hỏi HS vận dụng sáng tạo những kiến thức có sẵn để giải quyết một tình huống mới. Đây là cách chiếm lĩnh tri thức chỉ có thể có khi sử dụng câu hỏi nêu vấn đề. Bởi vì loại câu hỏi này nhằm đạt đến kiến thức mới chưa có trong nhận thức của HS. Kiến thức mới này không phải là kết quả của một vài cách thức chiếm lĩnh quen thuộc mà phải bằng sự tổng hợp của nhiều BP tái hiện, tổng hợp và suy luận. Chẳng hạn, ta có thể giúp HS nắm bắt tư tưởng chủ đạo của Nam Cao qua nhan đề của tác phẩm bằng cách đặt câu hỏi nêu vấn đề: Tại sao tác giả không giữ tên của tác phẩm là Cái lò gạch cũ hay Đôi lứa xứng đôi mà lại đổi thành

Chí Phèo?. Để giải đáp câu hỏi này, HS phải hiểu được ý nghĩa của từng nhan đề và xoáy vào cốt truyện để xác định “Chí Phèo” là nhan đề phù hợp nhất với nội dung và tư tuởng của tác phẩm. Nếu thay câu hỏi này bằng câu hỏi tái hiện kiến thức: Em hãy cho biết nhan đềChí Phèo có ý nghĩa như thế nào? thì rõ ràng HS không những không có sự so sánh, lựa chọn và mở rộng, đào sâu kiến thức mà ngược lại dễ rơi vào hoạt động tái hiện, rời rạc, thiếu những ý tưởng mang tính tư duy, sáng tạo.

Tương tự như vậy, để dẫn dắt HS tìm hiểu bi kịch của Chí Phèo và ngòi bút nhân đạo của Nam Cao trong việc xây dựng ngoại hình và tính cách nhân vật, GV có thể đặt câu hỏi: Tại sao Nam Cao lại để cho Thị Nở, một người đàn bà xấu xí, nhếch nhác đến tuyệt vọng, lại là người thức tỉnh Chí Phèo?. Câu hỏi này một mặt giúp học sinh thấy được chủ định của Nam Cao khi xây dựng một Thị Nở xấu đến “ma chê quỷ hờn”, mặt khác thấy được bi kịch nặng nề của Chí Phèo: Thị Nở càng xấu bao nhiêu, bi kịch của Chí Phèo càng nặng nề bấy nhiêu. Nhưng trong tất cả những con người ở làng Vũ Đại mà Nam Cao đề cập trong tác phẩm thì chỉ có duy nhất Thị Nở không xa lánh và đối xử tốt với Chí Phèo. Như vậy HS sẽ thấy được tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao trong việc nhìn nhận, đánh giá con người. Không chỉ thế, đặt câu hỏi nêu ra tình huống của nhân vật còn là một hình thức định hướng để HS nắm bắt vai trò, tác dụng của nghệ thuật tạo tình huống và bước đầu tháo gỡ những vướng mắc trong nhận thức của các em. Hình ảnh “cái lò gạch cũ bỏ hoang” xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm “Chí Phèo” không phải là chuyện tình cờ mà là một hình thức nghệ

thuật ngầm nói lên cái vòng luẩn quẩn, không lối thoát của người nông dân lao động. GV có thể ra câu hỏi: “Mở đầu truyện ngắn Chí Phèo là hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ hoang, kết thúc tác phẩm lại tái hiện hình ảnh đó. Vậy theo em, hình ảnh được lặp lại có ý nghĩa gì?”. Câu hỏi này nhằm mục đích định hướng tiếp nhận cho HS, giúp học sinh phát hiện nghệ thuật “lặp chi tiết”, đặc biệt là tính hiệu quả của nó. Với sự định hướng của GV và những nổ lực tìm kiếm của HS, các em sẽ hiểu được hình ảnh “cái lò gạch cũ bỏ hoang” được tái hiện ở cuối tác phẩm góp phần chứng minh cho một quy luật nghiệt ngã: “chừng nào còn chế độ áp bức bất công, chừng ấy còn tồn tại hiện tượng Chí Phèo, còn những người nông dân bị tha hóa, biến chất” ( Nguyễn Đăng Mạnh ). Hiểu được hình thức nghệ thuật này cũng là lúc HS sáng tỏ dần tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Ngoài ra, đặt câu hỏi còn là một hình thức để HS tự tìm tòi phát hiện, do đó giúp các em phát huy được tính tích cực, chủ động và tư duy sáng tạo trong hoạt động tiếp nhận văn học nghệ thuật. Quá trình HS tự tìm tòi còn được thừa nhận là quá trình hình thành kỹ năng và kinh nghiệm nắm bắt các hình thức nghệ thuật mang nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Đời thừa” là một tác phẩm chứa đựng nhiều tình huống có vấn đề, hàm chứa ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Tuy nhiên, bản thân hầu hết HS còn hạn chế về trình độ nhận thức nên chưa tinh tế, nhạy bén trong cảm thụ tác phẩm nghệ thuật, đồng thời chưa có thói quen tìm tòi khám phá những hình thức nghệ thuật mới. Vì thế, các em chưa phát hiện được tác dụng của nghệ thuật tạo tình huống lạ, và không phát hiện được ý đồ nghệ thuật của Nam Cao khi đặt Hộ vào tình huống phải làm ngược lại những điều mình yêu thích. Để làm rõ thắc mắc của HS qua những tình huống “trớ trêu”, “vô lí” của nhân vật Hộ, GV có thể nêu vấn đề cho các em thảo luận: Mang những hoài bão , những quan niệm cao đẹp về sự nghiệp văn chương, lẽ ra Hộ phải trở thành một nhà văn chân chính, nhưng sao anh lại rơi vào bi kịch?tại sao là một nhà văn mang lý tưởng thấm đẫm chất nhân đạo, lại quan niệm đúng đắn về tình thương như Hộ lại rơi vào bi kịch của tình thương? Những câu hỏi này sẽ kích thích tâm lí ham hiểu biết của HS, thôi thúc các em tích cực tìm kiếm tri thức trong và ngoài tác phẩm để phát hiện nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm vào nhân cách và lý tưởng sự nghiệp, điều mà Hộ từng ấp ủ, tôn thờ.

Bằng hình thức tự tìm kiếm và trên cơ sở dẫn dắt của GV, HS sẽ dễ dàng tìm thấy ý đồ của Nam Cao hay tư tưởng chủ đề của truyện ngắn mà nhà văn ngầm giấu trong tình huống. Trruyện ngắn “Đôi mắt” là một trong những sáng tác có nhiều chi tiết để GV nêu vấn đề cho HS tìm tòi, phát hiện và bộc lộ những cảm xúc, những suy nghĩ của mình. Chẳng hạn, để giúp các em tìm hiểu mục đích sáng tác của Nam Cao qua nhan đề “Đôi mắt”, GV có thể hỏi: Tại sao tác giả lại đổi nhan đề của tác phẩm từTiên sư thằng tào tháo thành Đôi mắt? Muốn tham gia trả lời câu hỏi này, HS phải hiểu rõ quan điểm nghệ thuật, mục đích xây dựng nhân vật của Nam Cao, đồng thời hiểu được nội dung ý nghĩa cụ thể của từng nhan đề. Đó chính là cơ sở giúp các em đi đúng hướng trong quá trình phân tích, chỉ ra đúng ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Đi vào quy trình phân tích nhận vật Hoàng và Độ, GV nên giảm bớt những câu hỏi như: Nam Cao miêu tả ngoại hình và cách sống của Hoàng như thế nào? Qua những nét ngoại hình đó, em hiểu gì về tính cách của nhân vật này? Độ đối lập với Hoàng ra sao?... Bởi vì đó chỉ là những câu hỏi để phát hiện, để tổng hợp kiến thức hoặc so sánh nhân vật này với nhận vật kia… mà tất cả đều trên cơ sở có sẵn. Tất nhiên, câu hỏi nêu vấn đề chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của những loại câu hỏi này, nhưng nếu lạm dụng chúng thì không thể phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, đôi khi còn làm cho giờ học thêm nhàm chán, nặng nề. Cho nên ta có thể thay vào đó bằng những câu hỏi: “Từ đầu đến cuối tác phẩm, Nam Cao xây dựng những nét tiêu cực, đáng trách của Hoàng nhằm mục đích làm rõ ý tưởng sáng tác gì?” Hoặc nêu vấn đề về ý nghĩa của tác phẩm: “Vì sao Tô Hoài coi Đôi mắt là một tuyên ngôn nghệ thuật của thế hệ nhà văn cùng lứa với Nam Cao trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp?”…

Qua những ví dụ trên, ta thấy câu hỏi nêu vấn đề có thể gây khó khăn cho HS yếu kém. Khả năng là các em không thể tìm được câu trả lời, hoặc không mạnh dạn, tự tin để trình bày những suy nghĩ không chắc chắn của mình. Vì thế, đối với loại câu hỏi này, GV cân đối thời gian để tổ chức cho các em thảo luận theo nhóm. Hình thức này tuy khá mới mẻ nhưng gần đây đã được các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm khẳng định tính tích cực của nó và phổ biến rộng rãi trong dạy học ở trường THPT. Một trong những ưu điểm nổi bật của hình thức thảo luận nhóm là giúp HS được tự

do, mạnh dạn trao đổi những suy nghĩ của mình với các bạn và tự tin hơn khi trình bày trước lớp. Do vậy, có thể thấy trong quá trình HS thảo luận, nếu GV lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm, xây dựng tốt tình huống và có biện pháp gợi mở, điều chỉnh thích hợp hướng khám phá của HS thì chính những câu hỏi này sẽ là một sự lôi cuốn, gợi hứng thú theo dõi liên tục cho các em.

Như vậy, ứng dụng câu hỏi nêu vấn đề vào dạy học truyện ngắn của Nam Cao là một trong những BP vừa phù hợp với đặc trưng thể loại vừa phát huy được tính chủ động, tích cực học tập của HS. Câu hỏi nêu vấn đề vừa là phương tiện để GV tổ chức các tình huống học tập, vừa có khả năng định hướng, dẫn dắt các em tìm tòi, khám phá các BP nghệ thuật cũng như nội dung, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Câu hỏi này còn tạo ra tình huống để kích thích tính tích cực, năng lực độc lập suy nghĩ của HS, đồng thời tạo cho các em những kỹ năng cần thiết để trên cơ sở kinh nghiệm đã có, vận dụng sáng tạo vào hoạt động tìm kiếm ở những tác phẩm tương tự. Do đó, có thể nói đây là biện pháp hữu hiệu, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung và PP dạy học hiện nay.

Một phần của tài liệu NHỮNG BIỆN PHÁP PHÁT HUY NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)