Đặc trưng về phong cách tác gia

Một phần của tài liệu NHỮNG BIỆN PHÁP PHÁT HUY NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT (Trang 40 - 43)

TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT 2.1 Một số nét đặc trưng trong truyện ngắn của Nam Cao

2.1.2.Đặc trưng về phong cách tác gia

Bên cạnh những đặc trưng chung về thể loại, cũng như nhiều nhà văn khác, Nam Cao khẳng định được cái riêng, cái cá thể, cái sáng tạo trong ngòi bút của mình. Nhận xét về Nam Cao, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung đã khẳng định: “Phong cách của Nam Cao giai đoạn 1941- 1945 kết tinh phong cách thời đại” [60, tr.30].

Đọc sáng tác của Nam Cao, có thể thấy ông không bận tâm nhiều đến cốt truyện. Ở một số tác phẩm, thậm chí cốt truyện được giải phóng, thay vào đó là quá trình phân tích, lý giải thế giới nội tâm của nhân vật- một thế giới không đơn giản mà phong phú, phức tạp. Và yếu tố cơ bản của cốt truyện không còn là hệ thống các sự kiện bên ngoài để tạo nên hình thức vận động của truyện. Theo quan niệm truyền thống, cốt truyện đóng vai trò rất quan trọng trong tác phẩm tự sự. Các nhà văn cùng thời với Nam Cao vẫn xem cốt truyện là một yếu tố không thể thiếu để tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người đọc. Nguyễn Công Hoan trong cuốn “Đời viết văn của tôi” có nêu 4 yếu tố hấp dẫn của tác phẩm, và trong đó, cốt truyện hấp dẫn là yếu tố hàng đầu. Ngô Tất Tố trong “Tắt Đèn” cũng tạo những sự kiện dồn dập, những yếu tố rất căng thẳng và đầy kịch tính. Còn Vũ Trọng Phụng trong “Giông tố” cũng đưa ra hàng loạt những biến cố bất ngờ, đầy kịch tính và hàng loạt sự kiện mà người đọc không đoán trước được. Nhưng đến với Nam Cao, cốt truyện có vai trò khiêm tốn hơn. Trong nhiều tác phẩm của ông, cốt truyện được hư cấu rất đơn giản, gần như không cần đến sự tổ chức và sắp xếp. Đây cũng chính là một sự cách tân của Nam Cao, góp phần phát triển nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Nét tạo nên sự độc đáo khác trong sáng tác của Nam Cao là kiểu kết cấu. Đối với ông, cuộc sống thật đa dạng. Từ việc nghiên cứu sâu sắc những xung đột trong đời sống hàng ngày và trong thế giới nội tâm con người, hiểu thấu xã hội và môi trường sống bao quanh các nhân vật, và từ việc chú ý đến đặc trưng thể loại của tác phẩm, Nam Cao đã tổ chức kết cấu tác phẩm hợp lý, phóng túng và vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, làm toát lên được chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, làm cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đối với Nam Cao, kết cấu chính là con đường, là phương tiện làm sâu sắc hơn tư tưởng của tác phẩm. Với sự lựa chọn chặt chẽ, hợp lí, Nam Cao thường xây dựng kết cấu phù hợp với trình tự các sự kiện diễn ra trong cuộc đời nhân vật (Nghèo, Ở hiền, Dì Hảo), giúp người đọc dễ theo dõi, đồng thời tạo nên ấn tượng sâu đậm về sự phát triển số phận, cuộc đời nhân vật. Ở một số tác phẩm khác, Nam Cao sử dụng kiểu kết cấu đi thẳng vào vấn đề trung tâm. Đây là kiểu kết cấu mà mởđầu tác phẩm, nhà văn đi thẳng vào vấn đề cốt lõi của câu chuyện, sau đó mới quay lại miêu tả quãng đời quá khứ của nhân vật (Chí Phèo, Điếu Văn, Tư Cách Mõ). Cách mở đầu tác phẩm này vô cùng độc đáo, từ trong mạch ngầm văn bản như muốn báo trước cuộc đời, số phận của nhân vật, tạo ấn tượng sâu sắc cuốn hút người đọc ngay từ những dòng đầu. Bên cạnh đó, Nam Cao cũng sử dụng rất thành công kết cấu vòng tròn. Đây là kiểu kết cấu mà mở đầu và kết thúc tác phẩm có sự tương ứng với nhau: những hình ảnh xuất hiện ở đầu tác phẩm được gợi lại một cách đầy ám ảnh ở cuối tác phẩm (Chí Phèo, Nửa đêm, Những chuyện không muốn viết…). Kết cấu này đòi hỏi một sự sắp xếp hợp lí các sự kiện, các tình tiết, tạo sự liên kết hữu cơ, chặt chẽ, góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng cơ bản của tác phẩm. Kết thúc truyện ngắn của Nam Cao thường là kết thúc bỏ ngõ nhằm kích thích sự suy nghĩ và tìm tòi, phát hiện, tạo cơ hội để người đọc đồng sáng tạo với nhà văn. Kiểu kết cấu lắp ghép cũng được Nam Cao sử dụng phổ biến (Chí Phèo, Nửa đêm, Truyện người hàng xóm, Sống mòn). Nam Cao có ý thức sắp xếp, tổ chức lại thời gian, tạo nên sự luân phiên giữa các cảnh với nhau, làm cho bức tranh hiện thực của đời sống lần lượt hiện ra. Nó cho phép nhà văn thể hiện những liên hệ cốt lõi giữa các hiện tượng khác nhau của đời sống, phản ánh cuộc sống với tất cả tính chất phong phú, phức tạp vốn có của nó. Để miêu tả thế giới tinh thần bên trong của nhân vật, Nam Cao thường xuyên lựa

chọn kiểu kết cấu tâm lí (Chí Phèo, Lão Hạc, Giăng sáng, Đời thừa, Nước mắt, Mua nhà, Một đám cưới, Sống mòn). Nhận xét về kết cấu trong truyện ngắn của Nam Cao, Hà Minh Đức cho rằng:“Đa số các tác phẩm của Nam Cao thường được kết cấu theo lối tâm lí, đặc biệt là sáng tác về chủđề tiểu tư sản” [13, tr.184].

Trong thực tế sáng tác, Nam Cao thường kết hợp linh hoạt nhiều kiểu kết cấu trong một tác phẩm, tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh, trong đó một kiểu kết cấu chính giữ vai trò chủ đạo. Nhìn bề ngoài, ta có thể ngộ nhận kết cấu này vừa lỏng lẻo, rời rạc, vừa phóng túng, lan man nhưng kỳ thực lại hết sức chặt chẽ, không gì phá vỡ nổi.

Bên cạnh cốt truyện và kết cấu, ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên nét đặc trưng riêng trong phong cách của Nam Cao. Ngôn ngữ trong sáng tác của ông thường là ngôn ngữ đa âm, phức điệu và mang tính hiện đại. So với những tác giả cùng khuynh hướng, cùng thời đại thì Nam Cao có phần sắc sảo hơn ở cách sử dụng linh hoạt các đại từ nhân xưng và đặc biệt là khả năng hóa thân, nhập vai vào nhân vật. Ông cũng rất thành công trong cách dùng khẩu ngữ, cách đưa thành ngữ, tục ngữ dân gian vào lời văn một cách khéo léo, tự nhiên. Nét đặc trưng khác là Nam Cao thường xuyên mượn tính người để miêu tả loài vật, sự vật, hoặc dùng những tính xấu của loài vật để miêu tả con người. Chính vì vậy mà ngôn ngữ trong tác phẩm của ông bao giờ cũng có sự lôi cuốn, thu hút sự quan tâm theo dõi liên tục của người đọc. Ngôn ngữ của Nam Cao còn là sự hòa âm, phối hợp của nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Nếu như trong sáng tác của nhiều văn sỹ bấy giờ, ngôn ngữ của nhân vật và ngôn ngữ của người kể chuyện mang tính độc lập, tách biệt rõ ràng thì Nam Cao sử dụng chúng một cách hòa quyện vào nhau, làm thành ngôn ngữ nội tại hay ngôn ngữ tâm trạng, một đặc trưng ngôn ngữ tiểu thuyết trong ngôn ngữ của ông.

Điểm đặc biệt khác trong sử dụng ngôn ngữ của Nam Cao là ngôn ngữ đối thoại mang tính chất văn xuôi đời thường, nhằm thực hiện chức năng tự sự và khắc họa tính cách, nội tâm của nhân vật. Bên cạnh đó, nhà văn cũng chắt lọc một cách sáng tạo ngôn ngữ phương Tây, vận dụng đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật, làm cho nhân vật đối diện với chính mình, tạo ra những cuộc tranh luận ngầm và giúp nhân vật tự phơi bày chính mình ngay trong cuộc đời, trong sáng tạo nghệ thuật.

Trong sáng tác văn học, giọng điệu là một yếu tố hết sức quan trọng. Mỗi nhà văn đều cố gắng tạo ra một giọng điệu riêng, hình thành nên phong cách đặc trưng của cá nhân. Thông thường, các nhà văn thường sử dụng một giọng điệu chủđạo, phù hợp với thái độ nghệ thuật của mình. Nhưng đối với Nam Cao thì giọng điệu lại là sự tổng hợp của nhiều chất liệu, không lẫn với bất cứ ai. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra trên những trang viết của Nam Cao giọng khách quan lạnh lùng xen lẫn đồng cảm, sẻ chia; giọng trữ tình đầy chất thơ xen lẫn với giọng văn xuôi phàm tục; giọng đắng cay chua chát xen lẫn với giọng hài hước, tự trào.

Nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao cũng có đặc điểm riêng đáng chú ý. Ông không những xây dựng nhân vật nông dân, nhân vật quần chúng mà còn xây dựng nhân vật từ chính mình, làm nên yếu tố tự thuật trong tác phẩm. Tự thuật nhưng mang ý nghĩa chung, làm nên giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Bàn về khía cạnh này, Hà Minh Đức từng khẳng định: “Nam Cao đã dựa vào cảnh ngộ của riêng mình, gia đình mình để viết, nhưng một mặt tác giả phải luôn có ý thức khách quan hóa toàn bộ chất liệu có tính chất tự truyện” [60, tr.86].

Từ một số đặc trưng nêu trên, người đọc có thể cảm nhận được sức sống, sức cuốn hút trong tác phẩm của Nam Cao, đặc biệt là truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong tư duy sáng tạo của ông, nghệ thuật không còn là nô lệ của hiện thực. Vì vậy mà tác phẩm của Nam Cao có tiếng nói rất riêng, khẳng định ông là một trong những nhà văn đã góp phần hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ trên tiến trình văn học thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu NHỮNG BIỆN PHÁP PHÁT HUY NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT (Trang 40 - 43)