Những hạn chế

Một phần của tài liệu NHỮNG BIỆN PHÁP PHÁT HUY NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT (Trang 49 - 51)

TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT 2.1 Một số nét đặc trưng trong truyện ngắn của Nam Cao

2.2.2. Những hạn chế

Trong dạy học văn tự sự nói chung và dạy học tác phẩm của Nam Cao nói riêng, để giúp HS bước đầu đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, nhiều trường hợp GV chỉ chú ý đến việc tóm tắt, kể lại nội dung tác phẩm theo trình tự thời gian mà xem nhẹ BP đọc diễn cảm. Vì thế mà tiếng nói của nhà văn, phong cách nghệ thuật của nhà văn không được gần gũi, không tạo được ấn tượng sâu đậm, hoàn chỉnh với bạn đọc HS. Cụ thể, HS không nhận ra được cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo của Nam Cao trong việc phối hợp, đan xen lời nhân vật và lời người kể chuyện (Chí Phèo, Đời thừa), không trực tiếp nắm bắt quan điểm nghệ thuật của Nam Cao (Đời thừa), cũng như không thấy được thái độ cụ thể, ngôn ngữ cụ thể của Hoàng đối với nhân dân, với thời cuộc (Đôi mắt). Vì vậy, giờ học chưa tạo được không khí giao hòa, giao cảm giữa HS với tác giả, dẫn đến sự cảm thụ hời hợt, qua loa. Trí tưởng tượng của HS trở nên nghèo nàn, nông cạn. Những ý nghĩ, tình cảm, thái độ và tâm trạng mà nhà văn định gửi gắm cũng chưa được cảm nhận một cách đầy đủ.

Nam Cao là nhà văn sớm nhất của trào lưu văn học phê phán 1930- 1945. So với các nhà văn hiện thực, ngòi bút của ông có ý thức sâu sắc nhất về quan điểm nghệ thuật. Chính vì vậy, khi dạy học tác phẩm của Nam Cao, GV cần phải giúp HS nhận ra sự cách tân về nhiều phương diện của tác giả: từ cốt truyện, kết cấu, phương thức xây dựng nhân vật, nghệ thuật trần thuật đến ngôn ngữ nghệ thuật. Điều này đòi hỏi trong dạy học tác phẩm của nhà văn hiện thực xuất sắc này, GV phải có BP so sánh, đối chiếu tác phẩm của ông với những tác phẩm hiện thực cùng thời để giúp HS nhận diện rõ điều đó (Chẳng hạn như so sánh với tác phẩm của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…). Bên cạnh đó, cần so sánh những tác phẩm có cùng chủ đềđể thấy rõ những

đặc trưng về phong cách, về quan điểm nghệ thuật của Nam Cao (So sánh tác phẩm “Đời thừa” với “Trăng sáng”, “Sống mòn”; so sánh “Chí Phèo” với “Lão Hạc”, “Một bữa no”…). Tuy nhiên trong quá trình dạy học, BP so sánh đối chiếu chưa được GV chú ý một cách đúng mức, nên việc phân tích tác phẩm chỉ mới tập trung làm nổi bật nội dung, tư tưởng mà chưa triển khai, chưa khái quát được bề rộng của tác phẩm. Điều này làm cho HS bị hạn chếở chỗ khi học tác phẩm nào thì chỉ biết đến tác phẩm ấy. Các em không có cơ sở để nhìn rõ khuynh hướng sáng tác, quan điểm nghệ thuật, cũng như không thấy rõ sự cách tân trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

Một hạn chế phổ biến khác, đồng thời cũng là một vấn đề nóng bỏng của PP dạy học văn hiện nay là GV chưa đầu tư nhiều vào dạng câu hỏi nêu vấn đề để khơi gợi sức tưởng tượng, phát huy trí tuệ của HS. Mặc dù thời gian gần đây, vai trò chủ thể cảm thụ được chú ý nhiều hơn, hệ thống câu hỏi trong bài giảng cũng được chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng nhìn chung đa số câu hỏi còn mang tính tái hiện, rời rạc, chưa định hướng vào những vấn đề khái quát, chưa mang tính hệ thống liên tục, nên quá trình dẫn dắt HS khám phá ra quan điểm, tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi rơi vào vụn vặt và không được HS tiếp nhận một cách có ý thức. Trong ba tác phẩm của Nam Cao ở trường THPT thì “Chí Phèo” có khả năng khơi gợi được hứng thú của HS nhiều hơn, phần lớn là nhờ cốt truyện hấp dẫn, nhân vật trong tác phẩm cụ thể, sinh động, đa dạng, có cá tính độc đáo và rất “lạ”, điển hình là nhân vật Chí Phèo. Nhưng đối với “Đời thừa” và “Đôi mắt” thì học sinh ít biểu lộ hứng thú cảm thụ trong quá trình phân tích tác phẩm nếu GV không sử dụng những câu hỏi giúp các em khám phá tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ và những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn.

Xây dựng câu hỏi có vấn đềđể phát huy được hiệu quả cảm thụ của HS là một việc làm có nhiều khó khăn và mất không ít thời gian. Chính vì thế mà phần thuyết giảng của GV vẫn là PP chủ yếu trên lớp. HS vẫn còn thụ động, chưa được trả về với vai trò của chủ thể cảm thụ. Giờ dạy học đôi lúc còn nặng nề với PP truyền thống, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học sáng tạo, coi người học là trung tâm. Mặt khác, nhiều trường hợp do không cân đối được thời gian và dung lượng kiến thức, cụ thể là thời gian ít nhưng nội dung bài học thì không được chọn lọc kỹ càng, không cô đọng

được kiến thức trọng tâm nên GV dành rất ít thời gian để hỏi, và những câu hỏi có tính sáng tạo, nêu vấn đề càng dễ bị bỏ qua. Trường hợp này phần lớn rơi vào tác phẩm “Chí Phèo”. Vì thế mà giờ học chủ yếu là sự tác động một chiều, kém hiệu quả trong việc khám phá quan điểm, sáng tạo cá nhân của người học.

Thực tế nêu trên đòi hỏi dạy học truyện ngắn tự sự của Nam Cao cần phải có sự lựa chọn những BP phù hợp với đặc trưng thể loại, với đặc trưng phong cách của nhà văn, với quan điểm và nội dung đổi mới PP dạy học hiện nay.

Một phần của tài liệu NHỮNG BIỆN PHÁP PHÁT HUY NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC CỦA HỌC SINH TRONG DẠY HỌC TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT (Trang 49 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)