TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT 2.1 Một số nét đặc trưng trong truyện ngắn của Nam Cao
2.3.2. Biện pháp so sánh trong phân tích văn học
So sánh đối chiếu trong phân tích văn học là một khuynh hướng, một trào lưu nghiên cứu văn học ở nhiều nơi trên thế giới. Trong nghiên cứu và phê bình văn học, so sánh được sử dụng một cách khá rộng rãi và có hiệu lực thật sự. Khi đọc Hoài Thanh, chúng ta dễ nhận thấy so sánh được ông sử dụng một cách tài tình và linh hoạt. Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… trong những bài phân tích văn học của mình cũng nhờ so sánh để chỉ ra vẻ đẹp độc đáo của bài văn, bài thơ. Trong giảng dạy văn học cũng vậy, so sánh là một BP rất hiệu quả và phổ biến để giúp HS hiểu sâu hơn, chính xác hơn những nét về nội dung tư tưởng cũng như những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm văn chương. So sánh trong phân tích văn học rất đa dạng và phong phú, bởi vì giới hạn so sánh dựa vào cơ cấu nội tại của tác phẩm và những mối liên hệ hữu cơ vốn có của nó với cuộc sống sản sinh và nuôi dưỡng nó. Tuy nhiên, khả năng và giới hạn so sánh không chấp nhận trường hợp lạm dụng tùy tiện, chủ quan mà đòi hỏi phải được xác định trên nguyên tắc chặt chẽ và có cơ sở khoa học xác đáng.
Chẳng hạn, khi phân tích nhân vật Chí Phèo, muốn làm rõ ý nghĩa điển hình tha hóa của nhân vật này, không có BP nào hiệu quả hơn việc so sánh Chí Phèo với Chi Dậu (trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố) và anh Pha (trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan). Cơ sởđể đi vào lựa chọn, so sánh là cả ba tác phẩm này đều có sự gần gũi về loại hình tác phẩm, về đề tài và thời điểm sáng tác, đồng thời những nhân vật này cũng có hoàn cảnh gần giống nhau. Tuy nhiên, chị Dậu và anh Pha đều được tác giả miêu tả bằng ngòi bút lý tưởng hóa, không mang tính điển hình tha hóa như nhân vật Chí Phèo. Bên cạnh đó, BP so sánh này còn giúp HS thấy rõ phương thức trần thuật rất sáng tạo và mang tính đặc trưng riêng của Nam Cao. Nếu như lối trần thuật của Ngô Tất Tố nghiêm túc, tỉnh táo “nhìn trước ngó sau”, lối trần thuật của Nguyễn Công Hoan đầy hóm hỉnh, tinh quái thì Nam Cao có lối kể dửng dưng, lạnh lùng, chua chát đến tàn nhẫn. Người đọc không sao quên được “cái mặt ngang dọc như mặt thớt” của Chí Phèo, cái mặt xấu đến “ma chê quỷ hờn” của Thị Nở, và
“người ta tránh Thị Nở như tránh một con vật nào rất tởm”… Cứ thế, Nam Cao thản nhiên, lạnh lùng đến mức có lúc bị quy là miệt thị con người, nhưng xét đến cùng tất cả đều biểu thị cao độ bản lĩnh khách quan trong lối trần thuật của ông.
So sánh những sáng tác cùng đề tài trong những thời điểm khác nhau của cùng một tác giả sẽ giúp ta làm nổi rõ sự chuyển biến hay phát triển trong quan niệm sáng tác cũng như thế giới quan của nhà văn thể hiện trong tác phẩm. Chẳng hạn “Đời thừa” cũng rất gần gũi với một số sáng tác khác của Nam Cao về đề tài, giọng điệu, tư tưởng (Trăng sáng, Nước mắt, Sống mòn…). Trong dạy học, GV cần sử dụng BP so sánh để giúp HS mở rộng phạm vi ngoài tác phẩm, nhằm khái quát được bức tranh chung về cuộc sống của người tiểu tư sản nghèo trước Cách mạng tháng Tám. Từ đó, các em hiểu sâu sắc hơn, cảm thông hơn với bi kịch tinh thần nhức nhối, dai dẳng mà nhân vật Hộ và những văn sỹ nghèo lúc bấy giờ phải gánh chịu. Chẳng hạn, nếu như với Hộ, “nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa” thì nhân vật Điền trong “Trăng sáng” cũng “sẵn lòng từ chối một việc làm kiếm nổi mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiểm được năm đồng bạc về nghề văn”. Với Hộ thì “còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì để nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt”, thì ở “Sống mòn”, tiếng kêu đó lại cất lên một cách thống thiết: “Đau đớn thay những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng bị áo cơm ghì sát đất!”. Thứ đau một nỗi đau chung với Hộ, vì cuộc đời bắt họ phải sống “cái lối sống quá ư loài vật, chẳng biết một việc gì ngoài cái việc đổ thức ăn vào dạ dày!”…
Ngoài việc tìm ra những diểm chung trong nghệ thuật miêu tả bi kich tinh thần của những trí thức nghèo, BP so sánh còn giúp HS thấy được nét riêng trong bi kịch của Hộ. Nam Cao đã để cho nhân vật này đứng trước một bi kịch, một sự lựa chọn hết sức khó khăn và phức tạp so với sự lựa chọn của Điền trong “Trăng sáng”. Nếu sự lựa chọn ở Điền là sự lựa chọn giữa hai con đường nghệ thuật: lãng mạn thoát ly hay hiện thực nhân đạo; và sự lựa chọn giữa hai lối sống: hưởng lạc, phù phiếm, chạy theo người đàn bà khác hay trở về cuộc sống lam lũ với vợ con, thì sự lựa chọn của Hộ lại khó khăn phức tạp hơn gấp nhiều lần: sự nghiệp văn chương và tình thương, lẽ sống.
Riêng tác phẩm “Đôi mắt”, sử dụng BP so sánh trong dạy học là một yêu cầu tất yếu. Bởi ngay trong tác phẩm, Nam Cao đã xây dựng Hoàng và Độ là hai nhân vật có sự đối lập nhau hoàn toàn. Khi phân tích nhân vật này ta phải đặt trong mối quan hệ với nhân vật kia, và ngược lại, có như vậy ta mới giúp cho HS không chỉ hiểu được tác phẩm mà còn khơi sâu được giá trị khái quát của hình tượng nhân vật hay ý nghĩa tiêu biểu của tư tưởng trong tác phẩm. Nói một cách cụ thể, phân tích đôi mắt
của Hoàng đã hàm chứa việc phân tích đôi mắt của Độ, và đôi mắt này thể hiện ra dáng điệu bên ngoài, nếp sống và cả ngôn ngữ đối thoại của họ. Nam Cao xây dựng Hoàng và Độ bổ sung cho nhau để làm rõ luận đề: cách nhìn quần chúng và cuộc kháng chiến khác nhau của những nghệ sỹ có quan điểm và lập trường khác nhau. Mặt khác, nếu cần thiết, GV nên cho HS so sánh đối chiếu sự khác nhau trong cách lựa chọn chất liệu để xây dựng nhân vật của Nam Cao trước và sau Cách mạng tháng Tám để các em thấy rõ những chuyển biến về tư tưởng, về bút pháp nghệ thuật và tài năng ở nhiều lĩnh vực của nhà văn: Những năm trước Cách mạng, Nam Cao là một cây bút xuất sắc chuyên mổ xẻ những tâm trạng thầm kín và hết sức phức tạp của nhân vật ( Lão Hạc, Trăng sáng, Đời thừa, Chí Phèo…); Nhưng sau Cách mạng, cụ thể là ngay trong tác phẩm “Đôi mắt”, nhà văn chỉ tập trung vào ngoại hình, cách sống và ngôn ngữ đối thoại nhưng vẫn tạo được ấn tượng hết sức hoàn chỉnh về nhân vật.
Như vậy, có thể thấy so sánh là một trong những BP rất cần thiết trong phân tích và dạy học tác phẩm của Nam Cao. So sánh đúng chỗ, đúng lúc, đúng phạm vi sẽ giúp cho thế giới thẫm mỹ của HS không những được phát triển tự nhiên và phong phú, mà bản thân việc phân tích tác phẩm cũng được thuận lợi hơn, sâu sắc hơn.