TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO Ở TRƯỜNG THPT 2.1 Một số nét đặc trưng trong truyện ngắn của Nam Cao
2.1.1. Đặc trưng về thể loạ
Nam Cao sở trường về truyện ngắn và là đại diện của khuynh hướng hiện thực vào giai đoạn cuối thế kỷ XX. Tác phẩm của ông mang nét đặc trưng chung của thể loại truyện ngắn Việt Nam, một thể loại sáng tác văn học chứa đựng nội dung cô đọng, kết cấu ngắn gọn, biểu thị rõ tài năng và phong cách của nhà văn. Hầu hết sáng tác của Nam Cao đều là truyện ngắn tự sự - một thể loại phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính cảm xúc, tâm trạng, quan điểm thẩm mỹ… của nhà văn.
Tính khách quan là một nguyên tắc quan trọng trong quá trình xây dựng hình thức, nội dung của tác phẩm, đồng thời thể hiện những khả năng phản ánh hiện thực rất quan trọng của tác phẩm tự sự, trong đó có thể loại truyện ngắn. Cụ thể là để tái hiện đời sống một cách khách quan, tác giả phải tập trung phản ánh đời sống con người qua các biến cố, các sự kiện, và cả thế giới bên trong của con người bao gồm tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ… nhằm bộc lộ rõ nhất bản chất của con người ấy, nhân vật ấy. Chẳng hạn, để xây dựng một Bá Kiến già đời, nham hiểm, điển hình cho giới cường hào, ác bá của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao phải để cho Chí đến làm canh điền cho hắn, rồi bị hắn ghen tuông và đẩy vào tù một cách vô cớ. Chí Phèo ra tù lại bị hắn lừa gạt hết lần này đến lần khác, rồi rơi vào con đường lưu manh tội lỗi không lối thoát; Hoặc để cho ta thấy nhân vật Hoàng là một trí thức nhưng lại có cách nhìn lệch lạc về quần chúng, về cách mạng, Nam Cao để cho chính nhân vật tự nói lên suy nghĩ của mình bằng giọng điệu chua chát, mỉa mai thông qua cuộc đối thoại với nhân vật Độ… Những biến cố, sự kiện hay những suy nghĩđó chính là sản phẩm của quan hệ giữa con người và hoàn cảnh môi trường nên có thể nói tác phẩm tự sự có khả năng phản ánh cuộc sống một cách rộng lớn: miêu tả con người trong nhiều quan hệ phức tạp giữa nó và môi trường xung quanh; Và trong tác phẩm tự sự, môi trường, hoàn cảnh lúc nào cũng được miêu tả hết sức cụ thể và khách quan. Tuy nhiên, tính khách quan trong tác phẩm tự sự nói trên chỉ mang một nội dung tương đối, bởi vì tác phẩm văn học là sự tái hiện đời sống khách quan thông qua sự nhận thức khái quát, cũng như tình cảm, quan điểm, lý tưởng thẩm mỹ… hết sức chủ quan của nghệ sỹ. Bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng là sự ký thác những suy nghĩ, những thông điệp của người nghệ sỹ đến với người đọc. Chính vì thế mà cái đích cuối cùng của quá trình phân tích, khám phá tác phẩm là phải tìm ra được ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
So với các thể loại khác, cốt truyện của truyện ngắn thường nổi bật và hấp dẫn đối với người đọc, bởi đây là một thể loại “dân chủ”, gần gũi với đời sống hằng ngày, lại súc tích, dễ đọc, dễ nhớ, và có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong cuộc sống nên thường tạo ấn tượng sâu đậm về cuộc đời, về tình người. Mặt khác, cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không gian hạn chế nhưng nhờ mang
một nội dung hoàn hảo và đầy tình tiết hấp dẫn nên không làm cho câu chuyện trở nên kém hấp dẫn hay bị thiếu mất một cái gì. Cơ sở để cấu tạo nên cốt truyện chính là sự kiện trong hành động của nhân vật. Những yếu tố này chính là tiền đề của việc xác định cũng như việc phát triển tính cách nhân vật. Bên cạnh đó, tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và truyện ngắn nói riêng bao giờ cũng có mối quan hệ xã hội, nên cốt truyện thường mang tính lịch sử cụ thể, gắn bó chặt chẽ với hoàn cảnh xã hội. Nhà văn chỉ lựa chọn và ghi lại những tình tiết nào tiêu biểu nhất, có giá trị lớn nhất, đủ sức cho người đọc hình dung cả quá trình sống của nhân vật. Cốt truyện là một phương tiện để bộc lộ chủ đề, tư tưởng và tính cách nhân vật nên có một vị trí đặc biệt quan trọng. Trong truyện ngắn của mình, cũng như nhiều nhà văn khác, Nam Cao lấy cốt truyện làm yếu tố cốt lõi để truyền đạt chủ đề tư tưởng. Năm thành phần cơ bản của cốt truyện là: trình bày, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc tác phẩm. Tuy nhiên, có nhiều truyện ngắn không gồm đủ năm thành phần này mà chỉ có một số thành phần chủ yếu của cốt truyện.
Truyện ngắn có cấu tạo rất đặc biệt. Nó không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến mà thường được xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp của truyện ngắn thường là chấm phá nên giúp chúng có một nét đặc trưng riêng biệt. Yếu tố quan trọng nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn độc đáo, sâu sắc, nhiều ẩn ý, tạo nên chiều sâu mà tác phẩm chưa nói hết. Bên cạnh đó, truyện ngắn nói chung và truyện ngắn của Nam Cao nói riêng bao giờ cũng có nhân vật và lấy việc phản ánh cuộc sống, con người làm đối tượng chủ yếu. Điều này có nghĩa là muốn phản ánh bất cứ vấn đề gì trong hiện thực, nhà văn đều thông qua việc xây dựng các hình tượng nhân vật. Và trong truyện ngắn, nhân vật vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan, vừa là sự khái quát hóa con người ngoài xã hội vừa thể hiện trực tiếp quan điểm của nhà văn. Tác giả thường hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người nên tác phẩm chỉ xoáy vào vài nhân vật với vài biến cố nhất định. Điều này làm cho nhân vật trong truyện ngắn không nhiều và phạm vi cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm tất nhiên bị hạn chế ở mức độ nhất định so với tiểu thuyết. Cụ thể “nếu nhân vật chính của tiểu thuyết thường là một thế giới,
thì nhân vật trong truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới. Truyện ngắn thường không nhằm tới việc khắc hoạ những tính cách điển hình có cá tính đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật trong truyện ngắn thường hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người” [41, tr.397-398]. Tuy nhiên, nhân vật được lựa chọn đểđưa vào tác phẩm luôn mang tính tiêu biểu nhất, bao trùm nhất và tính cách của nhân vật cũng đã được xác định, được hình thành từ trước nên vẫn nêu bật được nội dung tư tưởng của tác phẩm và truyền đạt được mục đích, quan điểm, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn.