Giáo viên GDCD cả nước nói chung, ở Nam Định nói riêng có lẽ là người nhận thấy rõ nhất tri thức khoa học của môn GDCD bao giờ cũng là cơ sở cho việc rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo; là tiền đề xây dựng phương pháp tư duy khoa học, phát triển trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nhân cách, biết hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.
Với cách nhìn lệch lạc, sự quan tâm chưa đúng mức hiện nay tới môn GDCD từ mọi phía: từ cấp lãnh đạo quản lý, đến nhà trường, gia đình, xã hội khiến cho giáo viên môn học này cảm thấy“ức chế”. Nhiều giáo viên đã chuyển từ sự nhiệt tình trăn trở sang dạy cho xong, hết chương trình, nội dung giáo dục của bộ môn không thật sự phát huy hiệu quả trong mục tiêu giáo dục toàn diện thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Bên cạnh đó nhiều học sinh tỉnh Nam Định không chú trọng học môn GDCD vì đây không phải là môn thi tốt nghiệp và thi đại học. Luật giáo dục 2005 luôn nhấn mạnh đến mục tiêu giáo dục toàn diện, chú trọng vấn đề giáo dục nhân cách, phẩm chất và năng lực. Nên chăng Bộ GD & ĐT nên đưa môn GDCD vào thành môn thi tốt nghiệp và môn thi đại học khối chuyên ngành hành chính nhà nước. Bởi vì, việc quá tải đối với việc học tập của học sinh là ở nội dung các môn học chứ không phải ở số lượng môn thi tốt nghiệp.
Môn GDCD nếu được “đối xử” bình đẳng, được đưa vào thi tốt nghiệp THPT như các bộ môn khác chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy chất lượng dạy và học môn này, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả của môn học đối với việc xây dựng và phát triển nhân cách học sinh THPT hiện nay.
3.2. NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TỈNH NAM ĐỊNH