Vai trò của môn Giáo dục công dân trong xây dựng và phát triển nhân cách học sinh

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng và phát triển nhân cách học sinh trung học phổ thông tỉnh Nam định qua giảng dạy môn Giáo dục công dân hiện nay pdf (Trang 38 - 40)

cách học sinh

Giáo dục THPT là thời kỳ giáo dục trong đó học sinh được dẫn dắt để trở thành những người lớn vừa có tri thức, vừa có đạo đức, có phẩm chất chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm cộng đồng, gia đình, tập thể và bản thân mình. Chúng ta biết rằng học sinh THPT là lứa tuổi từ khi vào trường đến khi tốt nghiệp vẫn còn đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Vì vậy xây dựng và phát triển nhân cách cho học sinh THPT hiện nay trở thành một trong những vấn đề vô cùng quan trọng của công tác giáo dục trong nhà trường hiện nay. Môn GDCD là một trong những môn học giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp đó.

Môn GDCD góp phần to lớn trong việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học cho học sinh THPT

Hơn bất cứ môn khoa học nào khác trong nhà trường THPT, những tri thức đề cập trong môn GDCD là những tri thức phổ thông, cơ bản, mang tính khái quát hoá cao, được giảng dạy thông qua hệ thống những khái niệm, phạm trù, quy luật mang tính phổ quát có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành thế giới quan và nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, trên cơ sở đó giúp học sinh nhận thức tốt hơn những vấn đề thuộc các môn khoa học khác.

Thế giới quan là hệ thống những quan điểm về thế giới, là sản phẩm của nhận thức khoa học và hoạt động xã hội, là một trong những yếu tố cấu thành phẩm chất đạo đức. Giáo dục thế giới quan cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của môn GDCD, thể hiện vai trò của bộ môn trong xây dựng và phát triển nhân cách cho các em.

Với những quan điểm duy vật biện chứng chung nhất về thế giới và một số quan điểm duy vật biện chứng về xã hội, con người trong phần triết học – GDCD lớp 10 và phần

kinh tế chính trị – GDCD lớp 11 giúp học sinh nắm được về bản chất vật chất của thế giới, sự vận động và phát triển của thế giới vật chất tuân theo những quy luật khách quan, con người có khả năng nhận thức và cải tạo được thế giới khách quan, về tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về con người – chủ thể của lịch sử và là mục tiêu phát triển của xã hội…

Ngoài ra giúp cho học sinh THPT có những tiền đề lý luận cơ bản để hiểu và nhận thức được tính tất yếu khách quan của quá trình đi lên CNXH trong thời đại ngày nay và sự nghiệp cách mạng XHCN của Đảng và nhân dân ta.

Môn GDCD giáo dục cho học sinh phẩm chất chính trị, tư tưởng của người công dân trong giai đoạn hiện nay

Là môn học giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên môn GDCD có ưu thế giúp các em có hiểu biết về xã hội XHCN, về nền dân chủ XHCN; nhận thức đúng đắn về bản chất của nhà nước pháp quyền Việt Nam, về thể chế chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, về vai trò và giá trị của pháp luật đối với sự tồn tại và phát triển của cá nhân, nhà nước và xã hội; về quyền lợi và trách nhiệm của học sinh trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc…

Trên cơ sở đó các em nâng cao được ý thức, biết lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp với các giá trị xã hội; biết bảo vệ cái đúng, cái tốt, đấu tranh phê phán đối với các hành vi, hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó hình thành ở các em niềm tin đối với Đảng, với chế độ, với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Trở thành một chủ thể của sự phát triển nhân cách có hoài bão và mục đích sống cao đẹp.

Môn GDCD giáo dục các giá trị đạo đức, góp phần trực tiếp xây dựng lối sống đúng đắn và lành mạnh cho học sinh

Thông qua nội dung chương trình học sinh được trang bị những tri thức về đạo đức một cách khái quát và có hệ thống, giúp các em hiểu và biết giữ gìn các giá trị đạo đức như: nghĩa vụ, lương tâm, nhân phẩm, danh dự và hạnh phúc của bản thân và xã hội. Từ đó, biết đặt mục tiêu phấn đấu, coi trọng việc rèn luyện và tự hoàn thiện bản thân, giao tiếp và ứng xử có văn hoá, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Hiểu đúng đắn về tình yêu, hôn nhân, gia đình; biết sống nhân nghĩa, hoà nhập, hợp tác với mọi người xung quanh. Có hiểu biết về truyền thống yêu nước của dân tộc, luôn có ý

thức học tập, rèn luyện để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước…Qua đó các em tăng thêm tính tự giác trong hành vi đạo đức của mình, phát triển lý tưởng sống cao đẹp, những phẩm chất và năng lực cơ bản của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH.

Học chữ, học làm người là nhiệm vụ cơ bản nhất của người học sinh. Học để có tri thức, học để hoàn thiện nhân cách là cả một quá trình lâu dài và vô cùng gian khổ, không những đòi hỏi các em phải có niềm tin, phương pháp mà còn phải có ý chí và nghị lực. Môn GDCD có vai trò to lớn trong việc xây dựng và phát triển hai thành tố chủ yếu của nhân cách con người đó là “đức” “tài”, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục ở THPT.

Môn GDCD góp phần nâng cao chất lượng học tập các bộ môn khoa học khác trong nhà trường

Học sinh không thể nào đạt kết quả cao trong học tập khi mà mỗi cá nhân không xác định cho mình động cơ, mục đích học tập, rèn luyện đúng đắn và khoa học. Trong quá trình học tập, khi tiếp nhận và vận dụng được tri thức môn GDCD các em sẽ có phương pháp khoa học khi tiếp thu kiến thức các môn học khác, đồng thời biết cách xử lý thông tin một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, các em sẽ nhận thức đúng đắn hơn khi định hướng lao động nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Điều này giúp các em thích ứng với những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể trong quá trình phát triển của xã hội.

Chương 2

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng và phát triển nhân cách học sinh trung học phổ thông tỉnh Nam định qua giảng dạy môn Giáo dục công dân hiện nay pdf (Trang 38 - 40)