học sinh trung học phổ thông tỉnh Nam Định
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã từng chỉ rõ vai trò của đạo đức cách mạng. Theo Bác: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người
cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[, 252]
Trong những năm qua môn GDCD đã trang bị cho học sinh những phạm trù đạo đức cơ bản cần thiết ( nghĩa vụ, lương tâm, phẩm chất, danh dự và hạnh phúc…) và trách nhiệm đạo đức của người công dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hiểu được thế nào là tình yêu, tình yêu chân chính, những tiến bộ của chế độ hôn nhân ở nước ta hiện nay và các chức năng cơ bản của gia đình. Hiểu thế nào là nhân nghĩa, sống hoà nhập, hợp tác; thế nào là lòng yêu nước và các biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước. Từ đó giúp học sinh hiểu, nắm vững và hình thành được những phẩm chất, tính cách quan trọng của bản thân.
Qua những phạm trù đạo đức cơ bản trong phần II: “Công dân với đạo đức”, học sinh biết điều chỉnh hành vi của bản thân theo các yêu cầu đạo đức xã hội. Rất nhiều em đã khẳng định rằng đây là căn cứ khoa học để các em lựa chọn cho mình nhân cách sống phù hợp với chuẩn mực, giá trị xã hội hiện nay.
Có 90% học sinh các trường THPT cho biết việc học tập những phạm trù đạo đức cơ bản trong môn GDCD giúp cho các em nhận thức được hạnh phúc chân chính của con người là biết gắn lợi ích bản thân với lợi ích gia đình, lợi ích giai cấp, dân tộc, nhân loại. Các em đã ý thức được rằng yêu nước đối với học sinh là phải kính trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ, yêu quý nhân dân, phải cố gắng học tập tu dưỡng để sau khi ra trường trực tiếp góp phần xây dựng đất nước.
Đa số các em sau khi học thấy được sự cần thiết phải tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực của xã hội. Đồng thời học sinh còn biết đánh giá, phê phán, đấu tranh chống lại những hành vi lệch chuẩn, những biểu hiện tiêu cực đi ngược với các giá trị chân – thiện – mỹ trong đời sống hàng ngày ở trường và ngoài xã hội. Trên cơ sở đó, học sinh có ý thức quyết tâm học tập, rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách, lối sống, hành vi của mình để trở thành người công dân chân chính.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn cho thấy hiệu quả giáo dục các phẩm chất đạo đức cho học sinh THPT tỉnh Nam Định thông qua giảng dạy môn GDCD chưa tương xứng với chức năng và vai trò của bộ môn. Nhiều chuẩn mực đạo đức chưa trở thành thói quen và niềm tin của một bộ phận học sinh. Do đó, những em này còn có những biểu hiện chưa tốt về đạo đức, nhân cách như: trốn học, ham mê điện tử, gây gổ đánh nhau, nói tục chửi bậy,
lười biếng, cẩu thả, kém ý chí phấn đấu, không có tinh thần hợp tác trong quá trình học tập.
Khá nhiều em không hiểu được mối quan hệ giữa tình yêu, hôn nhân và gia đình. Từ đó có thái độ ủng hộ lối sống, tình yêu theo kiểu phương Tây, thích lối sống tự do, ít ràng buộc trong tình yêu, hôn nhân, đồng tình với kiểu sống thử trước hôn nhân đang diễn ra hiện nay.
Rất nhiều em còn thờ ơ, không hiểu được sự nguy hiểm của các vấn đề: ô nhiễm môi trường, bùng nổ dân số, các dịch bệnh hiểm nghèo. Các em cho rằng đó là việc của người lớn nên có thái độ không quan tâm nhiều đến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giải quyết những vấn đề cấp thiết của nhân loại hiện nay.
Chẳng hạn, về ý thức bảo vệ môi trường, qua điều tra cho thấy các em “học’’ nhưng không “hành”. Có thể biết và nói được giữ vệ sinh môi trường vừa có tầm quan trọng, vừa là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, nhưng chính bản thân hoặc nhìn thấy người khác phá hoại cảnh quan, không giữ gìn vệ sinh, vứt rác trong lớp, trong trường hoặc chính nơi mình ở lại thấy đó là chuyện bình thường. Khoảng 45% học sinh nhận thấy bản thân chưa thực sự có ý thức đấu tranh với những hành vi phá hoại môi trường ở địa phương mình.
Ngoài ra, một vấn đề đang tồn tại hiện nay nữa là rất nhiều học sinh đang mất dần thái độ trân trọng và kế thừa những giá trị văn hoá của dân tộc, chưa ý thức sâu sắc được trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đa số học sinh hiện nay thích những bộ phim, bài hát, bản nhạc từ nước ngoài mà không cần quan tâm nó có ý nghĩa gì. Đây là nhân tố làm nhân cách các em phát triển lệch lạc do hấp thụ những luồng văn hoá không lành mạnh. Các em ít bàn luận đến vấn đề truyền thống dân tộc, 13% học sinh không nhận thức được “tinh thần yêu nước là truyền thống quý báu, là giá trị đạo đức quan trọng cần phải kế thừa và phát huy” trong công cuộc đổi mới đất nước. Vì thế, chưa xác định đúng lý tưởng sống cho bản thân, tỏ thái độ bàng quang, không quan tâm đến các hoạt động chính trị – xã hội.