Vị trí, nhiệm vụ của môn Giáo dục công dân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng và phát triển nhân cách học sinh trung học phổ thông tỉnh Nam định qua giảng dạy môn Giáo dục công dân hiện nay pdf (Trang 36 - 38)

Trước và những năm đầu đổi mới môn GDCD được đưa vào giảng dạy trong các trường THPT ở nước ta với những hình thức và tên gọi khác nhau. Từ năm học 1990 – 1991 môn GDCD đã được xác định là môn khoa học xã hội.

Theo Luật giáo dục 2005: “ Giáo dục Trung học phổ thông nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả giáo dục Trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông, có những hiểu biết thông thường về kĩ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển và phát huy năng lực cá nhân, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”. Cũng như tất cả các môn học khác trong nhà trường THPT, môn GDCD đã được đổi mới về nội dung, cấu trúc chương trình…cho phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu mới.

Vấn đề trên vừa quan trọng, vừa hệ trọng vì thế bắt đầu từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình và sách giáo khoa GDCD mới biên soạn theo chương trình cải cách (năm 2006 xuất bản sách GDCD Lớp10, năm 2007 xuất bản sách GDCD Lớp 11, năm 2008 xuất bản sách GDCD Lớp 12). Điều này nói lên vị trí quan trọng của môn GDCD trong nhà trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: một dân tộc yếu là một dân tộc dốt. Một xã hội văn minh, ổn định và phát triển là một xã hội có nhiều công dân tốt. Công dân tốt trước hết phải là người có học, có nhân cách, có tính cộng đồng sâu sắc.

Dù ở giai đoạn nào, thời điểm nào trong sự phát triển của lịch sử xã hội cũng không thể đào tạo những người lao động mới phát triển toàn diện khi chỉ chú ý tới việc giáo dục trí dục, bỏ qua hoặc coi thường giáo dục các mặt khác. Chính vì vậy, nhà trường phổ thông phải có chương trình, nội dung giáo dục, giáo dưỡng phù hợp với đất nước, con người Việt Nam, phù hợp với thời đại.

Trong nhà trường tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đều có tác dụng to lớn trong xây dựng và phát triển dần nhân cách, năng lực, phẩm chất cho học sinh THPT. Tuy nhiên, GDCD là một môn khoa học xã hội có ưu thế hơn cả trong việc giáo dục để hình thành, phát triển nhân cách cho học sinh THPT.

Môn GDCD là bộ môn dạy cho học sinh những tri thức khoa học có tính phổ thông, cơ bản và thiết thực nhất. Nó không những trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về thế giới quan, nhân sinh quan, hệ thống các giá trị đạo đức, pháp luật, thể chế chính trị và những phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước… mà còn giúp các em định hình và phát triển được về nhân cách, nâng cao trách nhiệm công dân của học sinh, xác định vị trí của bản thân với tư cách là chủ thể của sự phát triển cá nhân, xã hội và tự nhiên.

Chính trên cơ sở của những tri thức đó, học sinh sẽ dễ hình thành những quan điểm mới, những khuynh hướng tư tưởng mới, động cơ, hoài bão, niềm tin và hành vi tốt đẹp của con người. Đồng thời thông qua tri thức của môn GDCD sẽ hình thành từng bước phương pháp nhận thức, tư duy khoa học và phương pháp hành động đúng quy luật khách quan. Từ đó tạo nền tảng vững chắc xây dựng và phát triển nhân cách tốt đẹp cho các em trong cuộc sống.

Học sinh hôm nay sẽ là những công dân tương lai, là chủ nhân xây dựng và bảo vệ đất nước, họ cần được giáo dục để có ý thức công dân, có nhân cách tốt để trở thành những công dân gương mẫu có ích cho tổ quốc mình.

Việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ vị trí và nhiệm vụ quan trọng của môn GDCD trong GD&ĐT thế hệ trẻ sẽ góp phần thực hiện thành công chiến lược xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam về đức, trí, thể, mỹ và lao động.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng và phát triển nhân cách học sinh trung học phổ thông tỉnh Nam định qua giảng dạy môn Giáo dục công dân hiện nay pdf (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)