II. CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THU HÚT FDI VÀO LĨNH
3. Đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư
3.1. Sự cần thiết của giải pháp
Sau 20 năm thực hiện việc thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đều nhận thấy được tầm quan trọng của công tác vận động và xúc tiến đầu tư như thế nào. Thông qua xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận thấy được mức độ hấp dẫn, cũng như thái độ có nồng nhiệt hay không của những nước thu hút đầu tư, qua đó họ sẽ đưa ra những quyết định ban đầu của mình. Tuy nhiên, ngành quảng cáo ở Việt Nam thời gian qua vẫn chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng đó của công tác này. Điều đó được thể hiện rất rõ, đó là tính đến hết năm 2004 cả nước ta mới thu hút được10 dự án đầu tư trong lĩnh vực này. Các dự án thì không phân bổ đều giữa các địa phương mà chỉ chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chưa có một địa chỉ chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nào cung cấp những thông tin cho mọi người khi muốn tìm hiêu về tình hình các các dự án đó ra sao, cũng như những chính sách ưu đãi khi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo ở nước ta. Vì vậy, trong thời gian tới Việt Nam cần phải đẩy mạnh công tác vận động và xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực quảng cáo để nó trở thành một công cụ hữu hiệu chỉ cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy những cơ hội và triển vọng hấp dẫn khi đầu tư vào ngành quảng cáo của Việt Nam.
3.2. Nội dung của giải pháp
Công tác vận động, xúc tiến đầu tư cần phải được đổi mới cả về nội dung và phương thức thực hiện, theo một kế hoạch và chương trình chủ động, có hiệu quả, không thụ động ngồi chờ vì đã đến thời kỳ các nhà đầu tư nước ngoài chọn nước đầu tư chứ không phải ngược lại. Một số biện pháp chúng ta cần làm đó là:
Một là: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc thẩm định dự án, cấp giấy phép, quản lý hoạt động và sử dụng vốn nước ngoài ở nước ta. Vấn đề hiện nay là vẫn còn kha nhiều thủ tục rườm rà và nhiều “cửa” mà các chủ dự án đầu tư phải thông qua trước khi nhận được câu trả lời có chấp nhận hay không. Vì vậy, đề xuất được đưa ra cho tình trạng này là chúng ta cần thực hiện chính sách “một cửa” trong việc phê duyệt và thẩm định dự án, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khái niệm “một cửa” ở đây không có nghĩa là phủ nhận tính nhiều công đoạn của quá trình thẩm định với sự tham gia của các cơ quan hành chính chức năng mà nó chỉ hàm nghĩa về tính “trọn gói” mà một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm lo toàn bộ các thủ tục thẩm định và phê duyệt thay cho việc chủ dự án phải chạy khắp mọi cửa với đủ thứ thủ tục giải trình, xin phê duyệt dự án. Điều đó có nghĩa là, khi một nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam thì họ chỉ cần thông qua Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để họ xem xét, giải quyết và lo toàn bộ thủ tục cho dự án đó. Điều này sẽ tạo sự an tâm cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ tham gia vào đầu tư trong lĩnh vực này ở nước ta, tránh những phiền hà không cần thiết.
Hai là: Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Văn Hóa - Thông tin cần phối hợp với nhau nghiên cứu luật pháp, chính sách và biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới để kịp thời có những đối sách thích hợp. Cần tập trung, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời các nhà đầu tư hiện đang có dự án hoạt động, giúp họ giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, đây cũng là một biện pháp có ý nghĩa rất quan trọng để vận động có hiệu quả và có sức thuyết phục nhất đối với các nhà đầu tư mới.
Ba là: Nhà nước cần mở rộng giới hạn chi phí quảng cáo của doanh nghiệp từ không quá 10% doanh thu như hiện nay lên 30%, hoặc chia làm hai phần:
- Phần một: chi phí quảng cáo trực tiếp (quảng cáo trên báo chí, bảng, biển…) tối đa bằng 20%.
- Phần hai: Chi phí quảng cáo gián tiếp (khuyến mại, thiết kế vật phẩm quảng cáo, tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu) tối đa bằng 10% doanh thu.
Như vậy, thị trường quảng cáo nước ta mới thực sự “béo bở” để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này.
Bốn là: Bộ Văn hóa – Thông tin cần phối hợp với Bộ Ngoại giao thành lập các văn phòng đại diện xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Tại các văn phòng đại diện này cần thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo và triển lãm về ngành quảng cáo ở nước ta, giới thiệu về tiềm năng của ngành cũng như những chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, cần kết hợp với những địa phương cũng như chính phủ các nước có các văn phòng đại diện đó để tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ trong việc tìm kiếm các đối tác.
Năm là: Cần xây dựng một Website riêng cho ngành quảng cáo. Hiện nay, trong Website của Bộ Văn hóa – Thông tin cũng có những thông tin về quảng cáo, nhưng rất sơ sài và gần như không có mấy nội dung nào mà các đối tác đầu tư nước ngoài có thể tham khảo được. Do vậy việc xây dựng một Website riêng là rất cần thiết. Trên Website này chung ta cần thường xuyên cập nhập thông tin về tình hình ngành quảng cáo Việt Nam, xu hướng phát triển, cũng như tình hình thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đã và đang triển khai thực hiện ở Việt Nam thời gian qua. Thông qua Website chính thức này, Nhà nước cần có những thông tin về định hướng đầu tư, dự báo thị trường, hỗ trợ thông tin giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Việc thay đổi các chính sách cũng cần phải được phổ biến sớm và rộng rãi tới tất cả các doanh nghiệp để họ có thể dự đoán trước và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực.
Với những chính sách khuyến khích như trên, hi vọng Việt Nam sẽ là điểm dừng chân lâu dài cũng như điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư
nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực quảng cáo.
4. Khuyến khích các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam tham gia liên doanh, nâng cao trình độ cho đối tác Việt Nam
4.1. Sự cần thiết của giải pháp
Khi tham gia vào thị trường quảng cáo Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu một ràng buộc là chỉ được phép thành lập các doanh nghiệp liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với một doanh nghiệp quảng cáo của Việt Nam. Vì vậy, một vấn đề rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đó là trình độ (cả vể công nghệ, kinh nghiệm và các mối quan hệ), cũng như những hiểu biết về chính thị trường quảng cáo nước mình của đối tác. Nếu các nhà đầu tư tìm được một đối tác có đầy đủ các yếu tố đó, thì họ sẽ hoàn toàn yên tâm phát triển và xây dựng thương hiệu của mình tại Việt Nam vì họ sẽ không phải dò dẫm hay thử nghiệm những bước đi đầu tiên mà có thể yên tâm đầu tư phát triển vì ít ra họ cũng có những khách hàng thân tín, cũng như những mối quan hệ của đối tác. Đồng thời, việc thu hút nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực quảng cáo ở nước ta cũng nhằm một mục đích cuối cùng là xây dựng một nền quảng cáo Việt Nam phát triển đi đôi với giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa của Việt Nam. Với những lý do trên, Việt Nam cần phải có những chính sách khuyến khích những doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam tham gia liên doanh để nâng cao trình độ, góp phần phát triển một nền quảng cáo Việt Nam tiên tiến trong tương lai.
4.2. Nội dung của giải pháp
Để làm được điều đó, chúng ta cần một số biện pháp:
Một là: Trong thời gian tới, chúng ta cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước phát triển. Một vài biện pháp nhằm giúp cho các doanh nghiệp quảng cáo trong nước phát triển đó là:
- Phải có quy hoạch phát triển các doanh nghiệp này, tránh sự ra đời ồ ạt làm cho thị trường mất giá.
- Bỏ quy định “trói buộc” hiện này về giới hạn tỷ lệ chi phí quảng cáo không cao hơn 10% doanh thu của các doanh nghiệp. Đây là rào cản đáng kể để các doanh nghiệp quyết định chiến lược quảng cáo. Rõ ràng với chi phí hạn hẹp, nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải tự thực hiện quảng cáo để tiết kiệm chi phí, thay vì thuê các công ty chuyên nghiệp.
- Cần xem xét về tỷ lệ không chế diện tích quảng cáo trên báo chí 10% như hiện nay. Bộ Văn hóa – Thông tin hiện nay cho phép các cơ quan báo chí có thể xin ra thêm phụ trương quảng cáo. Nhưng đối với các doanh nghiệp, việc nhét quảng cáo của mình vào giữa phụ trương này coi như “ném tiền qua cửa sổ”. Nên chăng hãy để cho độc giả quyết định tỷ lệ phần trăm quảng cáo nào là hợp lý.
- Các văn bản pháp quy là cần thiết nhưng cần phải cần cập nhập nhanh hơn và thường xuyên hơn, giúp cho các doanh nghiệp quảng cáo yên tâm làm việc.
Hai là: Bộ Văn hoá - Thông tin, và đặc biệt là Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cần khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm đối tác nước ngoài . Xem xét việc hợp nhất một số doanh nghiệp quảng cáo trong ngành thành một doanh nghiệp lớn, đủ sức làm đối tác trong các dự án có vốn FDI lớn, bảo đảm quyền lợi cho phía Việt Nam. Chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong nước chủ động tham gia làm đối tác trong nhiều dự án, nhằm xây dựng thương hiệu của mình ngày càng mạnh hơn. Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng tỷ lệ góp vốn tổi thiểu của bên Việt Nam (hiện nay tỷ lệ tối thiểu này là 30%) lên một mức cao hơn để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được vai trò của mình khi tham gia làm đối tác.
Với những biện pháp trên, chúng ta hi vọng trong một tương lai không xa Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp quảng cáo lớn đủ sức tham gia liên doanh với các đối tác nước ngoài góp phần xây dựng một nền quảng cáo phát triển ở nước ta, đi đôi với việc giữ gìn bản sắc dân tộc.