NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC QUẢNG CÁO
1. Những quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài trong lĩnhvực quảng cáo vực quảng cáo
Xuất phát từ thực tiễn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực quảng cáo còn hạn chế, Chính phủ đã xếp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này vào nhóm các lĩnh vực đầu tư có điều kiện để có các biện pháp bảo hộ và hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp dịch vụ non trẻ này. Trong những năm đầu khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, Việt Nam chưa cho phép nhà đầu tư tham gia vào thị trường quảng cáo. Cho đến khi nghị định 194/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và Thông tư 37/VHTT-TT ngày 1 tháng 7 năm 1995 hướng dẫn Nghị định 194/NĐ-CP được ban hành, thì nhà đầu tư nước ngoài mới được đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh trong thời gian tối đa là 5 năm với doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của thị trường, tại Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 Chính phủ đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ quảng cáo theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, và thẩm quyền cấp giấy phép cho các dự án này thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Tiến thêm một bước nữa, tại Nghị định 27/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Định 24/2000/NĐ-CP Chính phủ đã phân các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo thành hai nhóm: (i) dự án cung cấp dịch vụ quảng cáo gắn với phát hành và (ii) dự án cung cấp dịch vụ quảng cáo không gắn với phát hành, theo đó:
- Về hình thức đầu tư: Các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo phải thực hiện theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Về thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư: Các dự án cung cấp dịch vụ quảng cáo có gắn với phát hành quảng cáo, thuộc nhóm A do Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đối với các dự án chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ quảng cáo mà không có phương tiện phát hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hoá - thông tin. Các dự án này chưa được phân cấp cho địa phương. Bên cạnh đó, về phạm vi hoạt động, các dự án cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được phép thực hiện các công đoạn cho đến khi đăng ký lịch quảng cáo với các phương tiện thông tin đại chúng, mà chưa được phép trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị này.
Trong thực tiễn thực hiện, ranh giới giữa dự án quảng cáo với các dự án khác như nghiên cứu thị trường, marketing…còn khó xác định. Vì vậy, tại Nghị định 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo Chính phủ đã định nghĩa: ”Quá trình hoạt động quảng cáo là việc thực hiện chiến lược tiếp thị, xúc tiến quảng cáo, tư vấn quảng cáo, thực hiện ý tưởng quảng cáo, phát hành quảng cáo, giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến người tiêu dùng”, nghĩa là dự án được xác định là cung cấp dịch vụ quảng cáo khi bắt đầu thực hiện chương trình tiếp thị cho đến khi giới thiệu quảng cáo đến công chúng. Điều này cũng có nghĩa là các dự án nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch tiếp thị, chiến lược phát triển sản phẩm là những công đoạn trước của quá trình quảng cáo và do vậy không thuộc nhóm các dự án quảng cáo.
2. Các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực quảng cáo thời gian qua
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc mở cửa thị trường là một yêu cầu bức thiết khách quan. Tuy nhiên, xét điều kiện và năng lực thực tế của doanh nghiệp quảng cáo trong nước, Chính phủ đã xây dựng một lộ trình mở cửa nhằm từng bước cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường, trong khi củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh
của các doanh nghiệp trong nước. Điều này được thể hiện rõ trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.
2.1. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA)
Theo bảng lộ trình cam kết thương mại dịch vụ cụ thể (Phụ lục G, BTA), quy định hình thức cung cấp với các dịch vụ quảng cáo (trừ các dịch vụ quảng cáo đối với mặt hàng rượu và thuốc lá) như sau:
Việt Nam đã cam kết cho phép các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào thị trường quảng cáo ở Việt Nam theo hinh thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam được phép kinh doanh dịch vụ này. Phần góp vốn của nhà đầu tư Hoa Kỳ không được phép vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh. Sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, giới hạn tỷ lệ góp vốn phía Hoa Kỳ là 51% vốn pháp định và sau 7 năm giới hạn này sẽ bị loại bỏ.
2.2. Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản
Theo mục 5 phụ lục II (Những lĩnh vực hoặc vấn đề ngoại trừ tại điều 2 và điều 4 của Hiệp định) của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, thoả thuận về các dịch vụ quảng cáo như sau: kế thừa cam kết tại BTA và phù hợp với các quy định hiện hành, tại Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam đã cam kết cho phép nhà đầu tư Nhật Bản được phép tham gia vào thị trường quảng cáo thông qua hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo ( không có cam kết về giới hạn tỷ lệ góp vốn pháp định của bên nước ngoài).