Trong quá trình tranh tụng, việc bố trí sắp xếp phiên tòa cũng phần nào thể hiện địa vị pháp lý của những người tham gia và tiến thành tố tụng. Đồng thời việc bố trí sắp xếp tại phiên tòa cũng thể hiện tính uy nghiêm của pháp luật, qua đó tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân một cách hiệu quả.
Vì vậy, phòng xử án cần phải có diện tích nhỏ nhất là 60 m2 được bố trí làm sao để
thể hiện được rằng Hội đồng xét xử là trung tâm của việc xét xử, được ngồi bàn riêng trên cùng dưới Quốc huy. Do các Tòa án đều nhân danh Nhà nước, cho nên không cần thiết phải có băng rôn ghi tên Tòa án cụ thể bên dưới Quốc huy. Tuy nhiên, vị trí của đại diện Viện kiểm sát phải đối diện với người bào chữa lùi hơn so với Hội đồng xét xử và gần bị cáo để có điều kiện thực hiện nhiệm vụ, thư ký phiên tòa phải được bố trí ở nơi thuận lợi nhất để có thể nghe rõ tất cả những người tiến hành và tham gia tố tụng để ghi biên bản phiên tòa, để có thể thực hiện sự liên hệ giữa Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử như chuyển tài liệu cho bị cáo, nhân chứng, các đương sự để xác nhận tại phiên tòa, chuyển chứng cứ, tài liệu do những người tham gia tố tụng xuất trình tại phiên tòa cho Hội đồng xét xử v.v... Vị trí của bị cáo là sau vành móng ngựa, những người tham gia tố tụng khác mà lời khai có thể đối lập mâu thuẫn nhau như người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, nhân chứng... tùy theo từng trường hợp được bố trí ở phòng cách ly và khai báo ở vị trí riêng
với bị cáo. Cảnh sát bảo vệ phiên tòa cần bố trí chỗ ngồi gần bị cáo hoặc ngay sau bị cáo (nếu là những tội phạm đặc biệt nguy hiểm).
Mặc dù cũng đã có những nghiên cứu đề cập đến cách thức bố trí phiên tòa nhưng tác giả cũng vẫn đưa ra ý tưởng của mình về bố trí phiên tòa, bởi hiện nay vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư tại các phiên tòa vẫn chưa bình đẳng. Mời tham khảo hình vẽ dưới.