Kể từ khi có Nghị quyết 08/NQ-TW, giới chuyên môn cũng như những người làm công tác pháp luật chờ đợi sự ra đời của một văn bản pháp luật mà nó là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để những hành vi tố tụng của tất cả những cá nhân và tổ chức có liên quan phải tuân theo, nhằm đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa nói riêng. Bộ luật tố tụng hình sự mới đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những quy định mới, theo đó tạo điều kiện hơn cho việc tranh tụng giữa các bên. Tại điều 50 đã ghi nhận bị cáo có quyền trình bày ý kiến và tranh luận tại phiên tòa, được giải thích về quyền và nghĩa vụ và để thực hiện quyền đó thì Bộ luật cũng đã mở rộng hơn các quyền của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ bào chữa, gỡ tội. Tại Điều 58 quy định: trường hợp bắt người theo Điều 81 và 82 thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi có quyết
định tạm giữ. Luật sư có quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can. Có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác (đây là những tiền đề để người bào chữa có thể thu thập chứng cứ, chuẩn bị cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa). Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng đã quy định về xét hỏi đối với bị cáo theo hướng cụ thể hơn với các bên tranh tụng: Kiểm sát viên hỏi về những tình tiết buộc tội, người bào chữa hỏi về tình tiết gỡ tội...
Đặc biệt tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 khi quy định về tranh luận và đối đáp tại phiên tòa đã có những quy định mới đảm bảo cho việc luận tội của Viện kiểm sát tại phiên tòa được khách quan - Điều 217: "Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa". Và để đảm bảo cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa được khách quan, sau khi nghe lời luận tội bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền: "Trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình, Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến" - Điều 218 Bộ luật tố tụng hình sự. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến. Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những tiến bộ hơn so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 trong việc tạo điều kiện để các bên tranh luận tại phiên tòa. Theo những quy định đó thì Bộ luật đã bước đầu tạo ra sự khách quan trong quá trình tranh luận cũng như những tiền đề để quá trình tranh tụng tại phiên tòa đạt hiệu quả. Tuy nhiên, theo tác giả thì những quy định đó trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vẫn còn chưa cụ thể và chưa tạo ra cơ chế hoàn toàn đầy đủ cho quá trình tranh tụng của các bên: trách nhiệm chứng minh tội phạm vẫn đặt nặng lên vai Hội đồng xét xử; Kiểm sát viên và Luật sư vẫn chưa có vị thế bình đẳng với nhau, những quy định chưa
tạo ra được sự trung lập trọng tài của Hội đồng xét xử, những cơ chế bắt buộc Kiểm sát viên và Luật sư phải chủ động chứng minh tội phạm và chứng minh sự vô tội, những quy định để Luật sư có thể thực hiện quyền gỡ tội một cách dễ dàng nhất... Và như thế quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo cũng như những bên tham gia vào quá trình tranh tụng chưa hoàn toàn được đảm bảo. Bộ luật mà chúng ta mong chờ sau bao lâu cũng vẫn chưa thể hiện được một cách triệt để tinh thần tranh tụng của cải cách tư pháp, cần có sự quy định trong Bộ luật tố tụng sâu rộng hơn nữa về tranh tụng tại phiên tòa và những điều kiện để đảm bảo thực hiện.