Phiên tòa mẫu

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tranh tụng tại phiên tòa - một số vấn đề lý luận và thực tiễn potx (Trang 44 - 46)

Nghị quyết 08/NQ-TW ra đời ngày 2/1/2002, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp đã kịp thời có hướng dẫn việc tổ chức những phiên tòa mẫu để các Tòa án học tập. Phiên tòa đầu tiên mà Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chọn làm phiên tòa xét xử theo tinh thần của Nghị quyết 08/NQ-TW là phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Lắn, tức Lũng "đầu bò", cùng 20 bị cáo khác về các tội "tổ chức đánh bạc, gá bạc và đánh bạc". Tiếp theo Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đã chọn hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng để tổ chức phiên tòa mẫu theo hướng đổi mới hoạt động xét xử theo Nghị quyết 08/NQ-TW

của Bộ Chính trị. Đó là vụ trọng án cướp của giết người xảy ra vào ngày 17/9/2002 mà ba bị cáo Ngô Anh Dũng, Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Quý Anh đều bị Viện kiểm sát đề nghị mức án là tử hình. Vụ trọng án xảy ra tại trước cửa khách sạn số 7 phố Lê Văn Hưu, bị cáo Nguyễn Văn Cường bị truy tố về tội giết người.

Qua những phiên tòa mẫu, nhìn chung những người tham dự phiên tòa, những người quan tâm và giới chuyên môn đã có những nhận xét khá tốt. Dưới sự điều khiển của Chủ tọa, phiên tòa đã thể hiện việc đề cao tinh thần dân chủ, công khai tại phiên tòa. Chủ tọa chỉ gợi mở vấn đề chứ không tham gia thẩm vấn, tranh luận, trong suốt quá trình đại diện Viện kiểm sát và các luật sự bào chữa tham gia thẩm vấn, tranh luận. Hội đồng xét xử cũng để Viện kiểm sát và các Luật sư đề cập sâu hơn, kỹ hơn trong tranh luận về các tình tiết định khung, định tội. Các Luật sư bào chữa và đại diện quyền công tố đều sử dụng những quyền được pháp luật cho phép để đối đáp với nhau thật gay gắt nhằm bảo vệ luận điểm của mình. Quyết định của Hội đồng xét xử căn cứ vào những chứng cứ được các bên đưa ra trong quá trình tranh luận. Để có được kết quả này là cả một quá trình chuẩn bị phiên tòa khá công phu từ việc nghiên cứu hồ sơ của Hội đồng xét xử, có kế hoạch điều khiển phiên tòa và xét hỏi những khi cần thiết, đến việc triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng tạo tiền đề cho quá trình tranh tụng. Kiểm sát viên và Luật sư cũng đều phải có quá trình nghiên cứu hồ sơ và các chứng cứ kỹ lưỡng để có thể đấu lý với nhau tại phiên tòa.

Dù vậy, cũng còn có những ý kiến cho rằng, ở một số phiên tòa Kiểm sát viên vẫn chưa chủ động xét hỏi để chứng minh tội phạm (ví dụ phiên tòa xét xử ba bị cáo Ngô Anh Dũng, Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Quý Anh), có phiên tòa Hội đồng xét xử đặt quá nặng vai trò xét hỏi cho Kiểm sát viên (phiên tòa xét xử Lũng đầu bò), nhưng ý kiến của tác giả khóa luận cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Chủ tọa phiên tòa này - Hội đồng xét xử chỉ nên đặt câu hỏi ở những vấn đề chính, dành thời gian cho Kiểm sát viên, Luật sư tham gia xét hỏi một cách năng động hơn, để cho Công tố - Luật sư tranh tụng trên cơ sở công khai và dân chủ. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa điều khiển phiên tòa cần phải nhạy bén và kiên quyết hơn trong quá trình điều khiển phiên tòa để các bên tranh luận..., nhưng đây không phải là vấn đề đơn giản bởi nó thuộc về kỹ năng điều khiển phiên tòa,

kỹ năng xét xử mà đôi khi chưa chắc đã phải là kiến thức đã được học mà lại thuộc về khả năng giải quyết tình huống cũng như kinh nghiệm xét xử của mỗi người.

Tại các phiên tòa mẫu, Luật sư cũng đã dành được một vị thế tương đối xứng đáng, nhưng kết thúc phần tranh luận các Luật sư thường xoay quanh việc khai thác các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, còn để có được một bài bào chữa mang tính đột phá thì có lẽ cần phải trông chờ vào tương lai.

Quá trình xét xử tại các phiên tòa mẫu dù còn có những ý kiến chưa hoàn toàn tán thưởng nhưng thành công đáng ghi nhận là nó đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, mở đường cho những phiên tòa dân chủ, công khai, đề cao tranh tụng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tranh tụng tại phiên tòa - một số vấn đề lý luận và thực tiễn potx (Trang 44 - 46)