Để đảm bảo cho việc tranh luận tại phiên tòa phát huy được tác dụng đích thực của nó, theo chúng tôi:
Thẩm phán, Kiểm sát viên phải nhận thức hồ sơ vụ án chỉ là tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập chưa chắc đã phải là chính xác, lúc này nguyên tắc giả định bị cáo vô tội phải được quán triệt. Cần thực hiện đúng nguyên tắc "bản án chỉ căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa". Và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 08/NQ- TW việc giải quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để đưa ra những bản án, quyết định đúng pháp luật có sức thuyết phục.
Bị cáo, các đương sự và người bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho đương sự phải chủ động và tích cực đưa ra những chứng cứ, lý lẽ, cơ sở pháp luật để tranh luận với Kiểm sát viên cũng như giữa các đương sự trong vụ án.
Để tạo điều kiện cho bị cáo tranh luận với Kiểm sát viên tại phiên tòa, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện cho bị cáo biết được cụ thể, đầy đủ những chứng cứ, cơ sở pháp lý buộc tội bị cáo có thời gian chuẩn bị hoặc nhờ Luật sư tìm ra chứng cứ, lý lẽ, cơ sở pháp lý để thực hiện việc tranh luận tại phiên tòa.
Khi xét hỏi Hội đồng xét xử chỉ nên thẩm tra lại tất cả các chứng cứ đã thu thập được trong hồ sơ vụ án để bị cáo xác nhận một cách công khai họ đồng ý hay không đồng ý với các chứng cứ đó. Đối với các chứng cứ bị cáo không thừa nhận, Hội đồng xét xử cần lưu ý kiểm sát viên, bị cáo, Luật sư để đi sâu phân tích, tranh luận làm rõ.
Hội đồng xét xử không nên tranh luận với bị cáo, các đương sự về các chứng cứ đó. Và đặc biệt không được đưa ra những nhận xét đánh giá về các chứng cứ đó tại phiên tòa. Việc đánh giá chứng cứ và cơ sở pháp lý để giải quyết vụ án chỉ được diễn ra trong phòng nghị án.
Khi xét hỏi Hội đồng xét xử không phê phán bị cáo quanh co chối tội, không được hỏi mang tính chất truy chụp, lăng mạ bị cáo. Không nên giải thích pháp luật quá nhiều nhất là giải thích bị cáo thành khẩn khai nhận thì sẽ được hưởng lượng khoan hồng bởi vì bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội.
Thái độ của Hội đồng xét xử phải khách quan, vô tư, tránh sự nóng nảy dẫn đến không khí căng thẳng ảnh hưởng đến diễn biến của phiên tòa.
Trình tự tiến hành phiên tòa phải theo đúng các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự nhưng Chủ tọa phiên tòa là người phải chịu trách nhiệm chính về việc này, và để tạo điều kiện cho các bên tranh luận tại phiên tòa một cách công khai dân chủ, xác định được sự thật của vụ án cần tránh những trường hợp sau:
Không được định kiến sẵn rằng bị cáo phạm tội hoặc không phạm tội.
Không cho bị cáo hoặc những người khác chủ động trình bày, tranh luận về các tình tiết của vụ án mà đã cắt ngang để đặt câu hỏi, trừ trường hợp sa đà vào những tình tiết vụn vặt.
Tránh hỏi bị cáo với tính chất buộc tội như cáo trạng, mà hướng cho Kiểm sát viên hỏi cả về những tình tiết buộc tội và gỡ tội để làm sáng tỏ nội dung vụ án, trừ những điểm nào đã yêu cầu Kiểm sát viên hỏi rồi vẫn chưa rõ, Hội đồng xét xử mới hỏi. Bởi Hội đồng xét xử giữ vai trò là trọng tài.
Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa cần hỏi:
Nội dung cáo trạng mà bị cáo được tống đạt có đúng với nội dung cáo trạng mà đại diện Viện kiểm sát vừa công bố không? Vì thực tế có những trường hợp cáo trạng bị cáo được tống đạt đã bị thay đổi so với cáo trạng được công bố tại phiên tòa.
Phần đối đáp chỉ được thực hiện sau khi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đã trình bày lời luận tội và ý kiến của mình. Theo quy định thì mỗi người tham gia tranh
luận chỉ được đáp lại một lần với mỗi vấn đề mà mình không đồng ý. Để theo dõi chặt quá trình tranh luận, nhất là đối với những vụ án lớn, kéo dài Chủ tọa cần phải ghi lại những nội dung tranh luận, đối đáp của từng người.
Diễn biến phiên tòa nên theo những đề xuất đã nêu trên và phải bám sát vào quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để không bỏ sót quy trình và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia tranh tụng, nhưng để thực hiện như vậy cần có cơ chế giám sát và biên bản phiên tòa là nơi thể hiện rõ nhất diễn biến của phiên tòa.