Niết bàn và Thiên đàng

Một phần của tài liệu Nguyễn Việt Hà, nhà văn trẻ đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhan đề thật ấn tượng: "Cơ Hội Của Chúa", (Trang 65 - 70)

III. MỘT VÀI NHẬN ÐỊNH NỐI KẾT

9.Niết bàn và Thiên đàng

Ðối với con người ngày nay mà đề cập đến Niết bàn hay Thiên đàng là điều điên dại chẳng mấy ai làm. Bởi vì con người hôm nay chỉ quan tâm đến những gì hiện sinh trước mắt chứ không thích đề cập đến những chuyện siêu hình xa xôi. Tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin tôn giáo, Niết bàn và Thiên đàng không phải là cái gì tách biệt cuộc sống, hay chỉ hoàn toàn ở bên kia thế giới. Trái lại, đó là vấn đề thiết thực, gắn liền với mỗi người, nhất là đối với những ai đang khao khát đi tìm chân lý và hạnh phúc chân thật. Một cách nào đó, Niết bàn và Thiên đàng chính là mục đích và là phần thưởng cuối cùng dành cho những ai đã hoàn tất của đời mình. Dầu vậy, cũng phải công nhận rằng Niết bàn và Thiên đàng có đó, nhưng lại không phải là một thực tại cụ thể có thể nắm bắt hay diễn tả bằng khái niệm,

ngôn từ. Niết bàn, Thiên đàng là tuyệt đối, duy nhất, đòi hỏi mỗi người phải tự mình chứng ngộ.

Niết bàn hay Thiên đàng chỉ là một khái niệm của danh từ, còn bản chất thật là gì thì không thể diễn tả. Khi giải thích là chúng ta đã đem ngôn ngữ và khái niệm của thế giới nhị nguyên tương đối để giải thích một tình trạng tuyệt đối, hoàn thiện, vĩnh hằng, vô biên, bất biến, tịnh diệt hết mọi danh sắc, cảm giác, ý thức, ý niệm. Long Thọ Bồ Tát viết: "Niết Bàn là ngừng định, ngừng hết tư

tưởng vô và hữu, sắc và không".

Vì không thể định nghĩa hay đồng hóa Niết bàn với cái gì, nên Ðức phật đã diễn tả Niết bàn bằng những từ ngữ như sau: "vô vi", "vô tận", "vô song", "tối thượng", "tối cao", "bỉ ngạn", "chỗ nương tựa tối thượng", "châu toàn", "đảm bảo", "hạnh phúc", "duy nhất", "bất tử", "bất khả diệt", "tuyệt đối thanh tịnh", "siêu thế", "vĩnh cửu, "giải thoát", "vắng lặng". Trong kinh Udana và kinh Itivuttaka Ðức Phật đề cập đến Niết bàn như sau: "Này các Tỳ-

kheo có một trạng thái không sanh, không khởi phát, không tạo và không tùy thế". Như vậy, Niết bàn không chỉ là "dập tắt" hết mọi dục vọng hay là: "Sự

chấm dứt khát ái", "chấm dứt sân hận", "chấm dứt si kiến", hay chấm dứt dòng sinh diệt mà còn được diễn tả như là chân lý tuyệt đối hay thực tại tối hậu. Nàrada Maha Thera diễn tả về Niết bàn như sau: "Về phương diện siêu

hình, Niết bàn là hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi khổ não. Về phương diện tâm lý, Niết bàn là tận diệt "tự ngã". Về phương diện luân lý, Niết bàn là sự tận diệt tham, sân, si"[111].

Ðức Kitô cũng không đồng hóa Nước trời, Thiên đàng với bất cứ cái gì, nên Ngài đã phải dùng nhiều hình ảnh và ngôn từ khác nhau để diễn tả. Ngài nói, Nước trời cũng giống như bữa tiệc cưới vui mừng (Mt 22, 1-14); như mười cô trinh nữ cầm đèn trong tay chờ chàng rể đến (Mt 25,1tt.); như kho tàng được chốn dấu trong ruộng, có người tìm được bán hết gia sản để mua (Mt 13,44); như thương gia đi tìm ngọc quý, tìm được rồi bán ngay những gì đang có để mua (Mt 13,45-56)... Sách Giáo lý của Giáo hội Công Giáo cũng diễn tả Thiên Ðàng như là "mầu nhiệm của sự hiệp thông diễm phúc với Thiên Chúa (.) Thánh Kinh nói về

Thiên Ðàng qua những hình ảnh : sự sống, ánh sáng, bình an, bữa tiệc cưới, rượu của nước Trời, nhà Cha, Thành Giêrusalem trên trời" (số,1027). Vâng, Thiên đàng

là "điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng trí con người chưa từng nghĩ

tới, đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã dành sẵng cho những ai yêu mến Người" (1 Cr 2,9).

Xét cho cùng, Thiên đàng là gì điều đó không quan trọng, nhưng chúng ta tin rằng, đó phải là nơi tha thứ, chốn yêu thương, nơi an vui và hạnh phúc bất diệt, và là nơi có Chúa hiện diện. Thánh Têrêxa HÐGS đã có lý khi cho rằng, Thiên đàng hay Hỏa ngục không quan trọng cho bằng chính Chúa: ở đâu có Chúa, ở đó có Thiên đàng, nếu phải xuống hỏa ngục để được ở với Chúa thì Thánh nữ cũng chẳng do dự gì mà không xuống! Quả thật, nếu có một Thiên

đàng hay Niết bàn nào đó mà không có Chúa thì có lẽ chúng ta cũng không cần đến đó làm gì.[112]

Có thể nói, Niết bàn và Thiên đàng đều là thực tại cuối cùng, là nơi an nghỉ, là cứu cánh của các thánh Phật giáo cũng như Công giáo. Nhưng người Phật tử và Kitô hữu có thể hưởng một cuộc sống tự do, bình an và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại này chứ không phải đợi đến kiếp sau. Nói khác đi, Niết bàn, Thiên đàng không phải là một cảnh trời nào đó dành riêng cho một cá thể xuất chúng mà là một Pháp, một thành tựu, một tình trạng hạnh phúc tuyệt đối mà mọi chúng sinh có thể đạt đến ngay ở đời này, nếu họ có một đời sống xứng đáng.

Qua một vài nhận định nối kết trên cho thấy, Phật giáo và Kitô giáo tuy khác nhau, nhưng cũng có những điểm tương đồng. Khác nhau không có nghĩa là "đúng" và "sai", nhưng là để bổ túc và làm phong phú hóa cho nhau, cùng đưa con người đến bờ giải thoát. Mặc dù chúng ta không chủ trương hòa đồng tôn giáo, nhưng điều quan trọng là các tôn giáo có thể đồng hành với nhau để mưu cầu hạnh phúc tha nhân, đem tự do, công lý và hòa bình đến cho con người. Nhất là hướng nhân loại tìm về chiều sâu đời sống tâm linh, hướng về Chân, Thiên, Mỹ để họ hoàn tất ơn gọi của mình một cách tròn đây và viên mãn hơn.

KẾT LUẬN

Ðược giác ngộ hay giải thoát, được nhìn thấy hay gặp gỡ Chúa, Ðấng tuyệt đối, muôn đời hằng sống phải chăng là niềm hy vọng và khao khát lớn nhất của con người? Nhưng phải chăng đó cũng là điều phi lý. Vì : con người không thể thấy Thiên Chúa mà vẫn sống" (Xh 33,20). Thật vậy, đối với con người thì không thể, nhưng với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Nếu tự mình, con người sẽ phải lăn lộn, quay cuồng giữa cõi đời ô trọc, trong vòng quay luân hồi sinh tử. Nhưng Thiên Chúa đã đích thân đến với con người, "cắm lều cư ngụ" giữa loài người để chỉ cho họ biết đường đi lối về, nhờ đó mà con người được nhìn thấy Chúa và chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa thật và duy nhất. Ðể từ nay, con người không phải lầm lũi bước đi trong đêm trường u tối, vô minh, nhưng được thấy Ánh sáng của Ngôi Lời hằng hữu. Ðược bước đi trong Thần Khí và sự thật.

Ðức Phật đã để lại cho chúng sinh con đường giác ngộ và giải thoát. Ðức Giêsu đã ban cho nhân loại ơn cứu độ, tha thứ và bình an. Hai con đường khác nhau, nhưng xét cho cùng, cứu độ và giải thoát có thể gặp nhau, vì cùng hướng đến việc chữa lành những vết thương, những rạn nứt và đổ vỗ trong thân xác và tâm hồn con người, giải phóng con người khỏi cảnh nô lệ khổ đau và tội lỗi, đem đến cho con người một cuộc sống tự do, công lý, hòa bình, nhân nghĩa và tình thương để con người được hạnh phúc dồi dào và sung mãn hơn. Ðây chính là điểm hẹn nơi các tôn giáo lớn: Ðều lấy con người làm gốc để thăng hoa cuộc sống con người, hướng họ đến một cuộc sống an lạc và giải thoát trong hạnh phúc Nước trời hay Niết bàn thanh tịnh.

Nhân loại hôm nay đã bước vào thiên niên kỷ mới, với nhiều hứa hẹn của một thời đại văn minh kỹ trị siêu vi, tiện nghi, cực nhanh, cực mạnh. Tuy nhiên nó cũng đặt con người trước một thế giới toàn cầu hóa hướng chiều về vật chất hóa hưởng thụ, bạo lực, chiến tranh và hủy diệt. khiến con người phải lo âu và ngày càng xa rời đời sống tâm linh tôn giáo. Nói khác đi, khi con người quá đề cao văn hóa vật chất, quá bám chấp vào những cái phù du mây nổi của cuộc đời thì họ càng lao nhanh con đường sa đọa, rồi thảm họa của chiến tranh, bệnh tật sẽ hủy diệt, tàn phá, và cuối cùng là sự bế tắc, vong thân. Chính cái thế giới vật chất, tiện nghi và hưởng thụ này sẽ trói cột con người vào trong cái vòng quay tăm tối, mù lòa và bế tắc, khiến con người không thể mở rộng Tâm lòng mình ra hướng về Siêu việt, Tuyệt đối. Ðó chính là một thách đố lớn mang tính hiện sinh cho ơn cứu độ và giải thoát.

Ðặt ơn cứu độ và giải thoát trong chiều hướng hiện sinh như vậy, khiến mỗi người chúng ta: Kitô hữu cũng như Phật tử không khỏi lo âu để rồi tự cật vấn, tự duyệt xét lại chính mình. Duyệt xét lại cách sống và cung cách biểu hiện niềm tin của mình về ơn cứu độ và giải thoát. Mỗi người chúng ta phải sống và thể hiện niềm tin của mình như thế nào để cho ơn cứu độ và giải thoát trở thành hiện thực và gắn bó thiết thân với con người thời đại mới. Người Phật tử phải làm sao thực hiện được lời thệ nguyện: trên cầu đão Bồ Ðề, dưới hóa độ chúng sinh. Người Kitô hữu phải làm sao cho Tin mừng cứu độ thấm sầu vào từng tâm hồn, cắm rễ sâu vào nền văn hóa của từng dân tộc. Phải làm sao cho ơn cứu độ và giải thoát trở thành Chân lý, đạo sống và sức sống tuôn trào trong từng nhịp đập của mỗi con tim. Phải làm sao biến ơn cứu độ và giải thoát thành chìa khóa vặn năng để hóa giải mọi nỗi khổ đau và bế tắc cho con người. Phải làm sao cho ơn cứu độ và giải thoát thực sự đem lại tự do, công lý, hòa bình, nhân nghĩa và yêu thương cho mọi người. Ðó chính là thách đố mang tính hiện sinh nhất cho mỗi người Kitô hữu và Phật tử nói riêng và cho toàn thể Giáo hội công giáo cũng như Phật giáo nói chung.

Thiết tưởng rằng, để thực hiện được điều này, trước tiên, mỗi người Kitô hữu cũng như Phật tử phải thật sự là những người đã sống triệt để và đã cảm nghiệm một cách thật sâu xa về thực tại cứu độ và giải thoát của mình, để rồi từ đó mới có thể diễn tả và thể hiện niềm vui ơn cứu độ và giải thoát đó ra trong từng nhịp sống, trong từng hơi thở, lời nói, ánh mắt và nụ cười . của mình, nghĩa là trở nên những chứng nhân sống động giữa đời thường, nhờ đó mà thế giới mới mong được cứu độ và giải thoát. Ðiều này thực sự mời gọi và thôi thúc mỗi người chúng ta phải tích cực dấn thân đem ơn cứu độ và giải thoát đến cho mọi người, không chỉ bằng lời nói hoa mỹ, hay những ngôn từ sáo rỗng, nhưng

bằng chính hành động và cả cuộc sống mình. Làm sao cho ơn cứu độ và giải thoát luôn luôn trở thành hiện sinh trong cuộc sống mình và của mọi người.

Ðó cũng là sứ điệp mà Ðại hội nghị thế giới của các Giáo hội và các Tôn giáo lớn lần thứ II [113] gởi đến cho toàn nhân loại là, cùng nhau giải quyết các vấn đề như: cảnh nghèo khổ trên thế giới, nạn kỳ thị chủng tộc, vấn đề ô nhiễm môi sinh, chủ nghĩa duy vật, tai họa chiến tranh, việc sản xuất và buôn bán vũ khí, sự kiện toàn cầu hóa kinh tế và xã hội, chứng bệnh Aids, việc thiếu chăm sóc y tế và giáo dục, nạn lạm dụng tình dục và bóc lột lao động trẻ em. Ðó là những vấn đề nóng bỏng đang đe dọa nhân loại thế kỷ XXI này và cũng là thách đố lớn cho vai trò của các tôn giáo. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng vào những giá trị tâm linh cao quý vào chiều kích thiêng liêng siêu việt, và những đóng góp to lớn của các tôn giáo, có thể thay đổi bộ mặt trái đất và phục hưng tình trạng thế giới này, nếu các tôn giáo cùng đồng hành, sát cánh bên nhau trong việc thăng tiến con người và thanh tịnh thế giới. Linh mục Cadière đã nhận định: Con người tự bản chất đã có tính tôn giáo. Và, vai trò của tôn giáo là gì ? Nếu không phải là hướng con người đến mục tiêu tối hậu hay cứu cánh tuyệt đối nào đó. Hoặc ít nữa cũng là để nâng cao đời sống tâm linh con người, thắp lến ánh sáng niềm tin, hy vọng và ý nghĩa cho cuộc đời, chỉ dạy con người một con đường sống. Ðặc biệt là nối kết con người lại với nhau và với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vì đây là một mảng đề tài quá rộng lớn, lại đụng đến những điểm giáo lý cốt tủy của hai tôn giáo khác nhau. Hơn nữa, đã là tôn giáo thì luôn luôn mang chiều kích tâm linh siêu việt, vượt mọi khả năng tri thức hạn hẹp của con người. Nghĩa là, không phải chỉ hiểu biết bằng cái đầu là đủ, mà còn phải cảm bằng tất cả trái tim, một tâm lòng yêu mến, say mê, khát khao, dấn thân đi tìm... Ðiều đó, cũng đòi hỏi mỗi người một thái độ khiêm tốn thẳm sâu hay một đức tin khiêm nhường sâu sắc. Do đó, trong đề tài này, người viết không đủ khả năng bàn đến mọi khía cạnh của vấn đề mà nhắm vào khía cạnh hiện sinh nhiều hơn. Hiện sinh ở đây không phải là lấy quan điểm của triết học hiện sinh để soi rọi cho đề tài, nhưng là dựa vào cái cụ thể, thực tế và cấp thiết của cuộc sống con người hôm nay để tìm hiểu. Nói khác đi, mục tiêu của người viết nhằm vào khía cạnh hội nhập, đối thoại, gặp gỡ tương giao giữa hai tôn giáo để từ đó tìm ra những giá trị, ý nghĩa hay ích lợi thiết thực mà ơn Cứu Ðộ và con đường Giải Thoát đã đem lại cho cuộc sống con người như đã được đề cập đến ở trên.

Mặc dầu bài viết mới chỉ là một nỗ lực và cố gắng cá nhân trong quá trình hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, đem đạo vào đời, đưa Tin Mừng cứu độ thấm sâu vào lòng dân tộc và đưa con người tìm về chân lý. Nhưng hy vọng rằng, bài viết sẽ gợi mở cho nhiều người tiếp tục nghiên cứu sâu rộng thêm đề tài này. Bản thân người viết cũng cảm thấy mình đang được thúc đẩy, được thu hút bởi một sức mạnh vô hình nào đó, để rồi cứ say mê dò dẫm bước theo

con đường Ðức Phật và Ðức Giêsu đã đi, với hy vọng rằng với một lòng yêu mến khát khao đi tìm mình sẽ được "một lần chiếu sáng" hay "giác ngộ".

Một phần của tài liệu Nguyễn Việt Hà, nhà văn trẻ đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhan đề thật ấn tượng: "Cơ Hội Của Chúa", (Trang 65 - 70)