Cứu độ là "hội nhập Tin Mừng vào lòng dân tộc"

Một phần của tài liệu Nguyễn Việt Hà, nhà văn trẻ đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhan đề thật ấn tượng: "Cơ Hội Của Chúa", (Trang 47 - 48)

- Hòa giải với Thiên Chúa:

e.Cứu độ là "hội nhập Tin Mừng vào lòng dân tộc"

Ðiểm cuối cùng mà chúng ta muốn dừng lại, đó là đem ơn cứu độ cho đời, hội nhập Tin Mừng vào lòng dân tộc. Ðây là lời mời gọi thiết tha và khẩn cấp, là tiếng chuông đánh động tâm lòng mỗi người chúng ta, những người Kitô hữu hay những môn đệ của Chúa Kitô. Chúng ta đã sống Tin Mừng cứu độ như thế nào? Ðã diễn tả niềm tin của mình ra sao? Có đúng và phù hợp với Tin Mừng cứu độ của Ðức Giêsu hay không? Hay là chính chúng ta đã làm méo mó khuôn mặt của Ðức Kitô, cũng như làm cho nhiều người hiểu sai về Tin Mừng và Sứ điệp cứu độ của Người?

Chúng ta vẫn thường tự hào rằng, Kitô giáo là đạo "Nhập thể ngay tự bản chất". Thế nhưng thực tế lại cho thấy Kitô giáo chỉ đứng "bên cạnh" cuộc đời, nếu không nói là "tách biệt" khỏi thế gian. Bằng chứng là Kitô giáo mới chỉ là một thiểu số và xem ra ít hòa nhập vào nền văn hóa dân tộc mình. Nhập thể là gì, nếu không phải là bám rễ, ăn sâu vào cái hồn của dân tộc, vào cái bản sắc văn hóa riêng của từng dân nước, chứ không phải nhập vào cái xác bên ngoài. Nghĩa là phải làm sao để cho Tin Mừng cứu độ thấm sâu vào đời sống cụ thể của mỗi người, trở thành hơi thở, sức sống trào dâng của mỗi con tim. Muốn vậy, thì trước tiên, chính bản thân mỗi người Kitô hữu Việt Nam nói chung và đặc biệt là từng người tu sĩ nói riêng phải mở cái hồn vô thức, cái hồn Việt của mình ra mà đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô, biến Tin Mừng cứu độ ấy thành sức sống trào dâng trong máu thịt mình, để rồi từ đó mỗi người chúng ta mới biết sống Chúa Kitô giữa anh chị em mình và làm cho Tin Mừng ấy thấm sâu vào hồn dân tộc.

Bao lâu Tin Mừng cứu độ chưa thấm sâu vào lòng dân tộc, chưa trở thành mạch sống và đạo sống tâm linh của mỗi người, thì bấy lâu Giáo hội Việt Nam chưa thực sự trưởng thành và lớn mạnh. Bao lâu Giáo hội Việt nam chưa có những nguồn thơ bất tận trào tràn ra từ các tâm hồn tín hữu, cũng như chưa có một nền nghệ thuật mang tính tôn giáo, chẳng hạn như những bức tranh, hội họa về tôn giáo mang đậm bản sắc dân tộc thì bấy lâu ơn Cứu độ và Tin Mừng nhập thể chưa thực sự nhập thế trong lòng dân Việt.

Trước đây, dường như chúng ta chỉ quan tâm và nhấn mạnh vào trong lãnh vực thờ phượng, lễ bái, nói khác đi là chỉ chú trọng vào cái "đạo nhà thờ" và việc cử hành các Bí tích. Coi trọng lễ nghi và hình thức hơn là Lời Chúa và sống Lời Chúa, đến độ như tách biệt giữa phụng vụ với cuốc sống hàng ngày. Làm cho Tin Mừng trở nên nghèo nàn và ơn cứu độ bị hạn hẹp vào trong những

khuôn khổ nhất định. Cần phải hiểu rằng, Bí tích không thể tách rời ra khỏi Lời Chúa và cuộc sống thường ngày. Ðã đến lúc cần phải đem đạo vào đời, đem Lời Chúa vào cuộc sống, đem ơn cứu độ đến cho muôn người. Ðã đến lúc cần phải mở rộng lãnh vực hoạt động của Tin Mừng để ơn cứu độ được tự do thấm nhập vào mọi bình diện cuộc sống, chẳng hạn như: văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, hội họa, thể thao, hoạt động xã hội, từ thiện, bác ái. Trước đây, Giáo hội Việt Nam đã coi nhẹ những lãnh vực này, cho đó là chuyện "ướt át", là "công việc của thế gian". Chính quan niệm hạn hẹp này đã làm nghèo đi giá trị thênh thang của Tin Mừng và ơn cứu độ phổ quát của Chúa. Và cũng làm mất đi rất nhiều nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú của nền văn chương Kitô giáo. Thật tiếc biết bao ! vì những nét đẹp sâu xa và tinh túy thường được diễn tả qua thi ca và hội họa. Nếu xã hội ngày nay đang buớc vào xu hướng toàn cầu hoá, thì Giáo hội Công giáo nói chung và Giáo hội Việt nam nói riêng cũng phải tiến tới giai đoạn: "toàn cầu hóa Tin Mừng" trong mọi lãnh vực. Có như vậy, ơn cứu độ mới trở thành phổ quát cho con người thời đại hôm nay.

Tóm lại, dưới cái nhìn hiện sinh, cứu độ và giải thoát rất gần với nhau, và có thể đồng hành với nhau. Cứu Ðộ và Giải Thoát đều nhằm mục đích giải phóng con người khỏi cảnh nô lệ, nghèo đói, khổ đau, và tội lỗi của kiếp người, một cuộc giải thoát hoàn toàn, hầu đi đến một đời sống tự do, an lạc và hạnh phúc tròn đầy, viên mãn trong Niết bàn thanh tịnh, tịch diệt, hay trong Chúa, trong hạnh phúc Thiên đàng bất diệt. Xét cho cùng, được cứu độ hay giải thoát là Trở về với Vô Biên, Tuyệt Ðối, Vĩnh Hằng, Bất Diệt. Ðiều đó cũng có nghĩa là con người đã hoàn toàn thực hiện được ơn gọi mình một cách tròn đầy, viên mãn. Trên đây, người viết mới chỉ gợi lên một vài nét nhỏ trong một đề tài rộng lớn. Hy vọng rằng qua vài nét chấm phá đơn sơ này, sẽ cho chúng ta hiểu biết thêm thế nào là Cứu độ và Giải thoát, đồng thời cũng cho ta thấy được ý nghĩa hiện sinh của nó qua dòng lịch sử thăng trầm. Ðể rồi từ đó mời gọi mỗi người tiếp tục dấn thân đem ơn cứu độ và giải thoát cho đời. Trong phần Ba này, chúng ta sẽ đưa ra một vài nhận định, đúng hơn là gợi lên vài điểm nối kết tương giao giữa Cứu độ và Giải thoát.

Một phần của tài liệu Nguyễn Việt Hà, nhà văn trẻ đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhan đề thật ấn tượng: "Cơ Hội Của Chúa", (Trang 47 - 48)