III. MỘT VÀI NHẬN ÐỊNH NỐI KẾT
2. Vô minh và tội nguyên tổ
Mặc dù khổ đau và sự dữ chỉ là cảm thức của giới hạn, bất toàn. Nhưng đứng trước huyền nhiệm khổ đau và sự dữ, con người cảm thấy mình nhỏ bé và khó có thể giải thích một cách rốt ráo được. Chính vì thế mà Phật giáo cho rằng đau khổ là do Vô Minh, chính Vô minh là nguồn gốc đưa đến khổ đau, luân hồi sinh tử.
Vô minh, hay lý trí mù quáng là một sức mạnh vô cùng vô tận, luôn luôn ngủ ngầm trong thân phận của mỗi con người, không ai tránh khỏi. Cũng giống như tội Nguyên tổ là cái tội truyền kiếp của con người mà bất cứ ai hiện hữu trên đời cũng đều phải mang lấy trong thân phận người. Vô minh kiềm tỏa và chi phối toàn diện đời sống con người. Theo các kinh A-hàm, vô minh là sự thấy biết không đúng sự thật, hay thấy biết một cách mù quáng, sai lầm. Vì thế, giải thoát theo phật giáo trước hết giải trừ vô minh, giác ngộ ra chân lý, Thấy Biết đúng sự thật. Ngược với Vô minh là Minh, là Ngộ. Và giác ngộ là thấy được sự thật nơi minh, nơi người và nơi vạn vật, chứ không phải là phóng hào quang sáng cả bầu trời. Nói khác đi, giải thoát và giác ngộ ở đây không phải là một đối tượng quyền năng tồn tại trong vũ trụ. Giác ngộ hay thành phật không phải là một địa vị cao siêu và đầy quyền năng, "giác ngộ là tâm chuyển hóa", là nhận được "tâm ấn" của Phật, giác ngộ là vấn đề xảy ra ngay trong tâm mỗi người chứ không phải bên ngoài và ai cũng tiền tàng cái khả năng này, tâm tức Phật, nếu thực hành đúng phương pháp.
Còn Kitô giáo thì cho rằng nguồn gốc của khổ đau và sự ác trên đời là do tội Tổ Tông truyền lại cho con cháu và tội cá nhân của mỗi người sai phạm. "Trái cấm" ngày xưa đã tàn diệt địa đàng, đã bẻ gãy sự thống nhất hòa điệu thâm vi của đất-trời-người và làm hư đi duy nhất tính của chính hiện thể người. Làm cho con người trở thành những kẻ không nhà, xa lạ, không mục đích, không hy vọng để rồi chỉ còn là những tiếng than van, trong tột cùng nhức nhối. Vâng, sau khi phạm tội, con người bước đi trong đêm tối, tội lỗi, nô lệ và mọi hình thức khổ đau khác. Tội đã làm đổ vỡ tất cả, tội làm cho con người mất đi tình trạng trong sáng hay ơn công chính hóa thủa ban đầu, và phải mang lấy thân phận yếu hèn trong kiếp sống. Do tội mà có bất hòa, bất công, nô lệ, chiến tranh và đủ mọi hình thức khổ đau, bất hạnh khác trong đời sống cá nhân và xã hội. Vì tội mà con người phải sống trong sợ hãi, khắc khoải, lo âu ray rứt, mất bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, tội ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa luân lý là làm lành lánh giữ. Theo thần học Công giáo, tội hiểu cho sâu xa chính là một chọn lựa, một quyết định tự do của con người muốn khước từ hay chống lại Chúa, chối từ tình yêu và hồng ân cứu độ của Ngài. Phủ nhận Chúa để tôn mình lên làm Chúa.
Tóm lại, Kitô giáo tin rằng có tội và tội đưa đến khổ đau, sự dữ và cái chết[94]. Nhưng Thiên Chúa có thể làm cho con người trở nên công chính hóa, tức là làm cho tội nhân được hoàn toàn trong sạch. Còn trong Phật giáo không có "tội" hiểu theo nghĩa "luân lý" như Kitô giáo. Phật giáo cho rằng, cội rễ của mọi sự xấu xa trên đời là do vô minh (avijjã) và tà kiến (micchã ditthi) mà ra.
Vô minh chi phối tất cả cái vòng nhân quả (Thập Nhị Nhân Duyên), phải chăng đây cũng là một hình thức của Tội Nguyên Tổ?
Ðối với Phật giáo, Vô minh chi phối tất cả, từ Vô minh mới sinh ra mọi thứ khác như : hành, thức, ái, thủ. chấp ngã, tham, sân, si và mọi hình thức đau khổ khác trong cuộc sống. Nếu không chấp nhận có Vô minh, thì cũng không có luân hồi sanh tử; không có luân hồi sanh tử thì cũng không cần đến Giác ngộ, Giải thoát hay Niết bàn. Cũng vậy, đối với Kitô giáo, giả thiết là có tội Nguyên Tổ, hậu quả của Tội Nguyên Tổ là khổ đau và cái chết. Nếu không chấp nhận có Tội thì cũng không có Cứu độ; không có cứu độ thì cũng không cần đến Nhập nhể, Thập giá và Phục sinh. Nếu không chấp nhận hai tiền đề này thì khó có thể giải thích được những vấn đề lớn trong Phật giáo, cũng như khó có thể lý giải được các mầu nhiệm lớn trong Kitô giáo.