Hòa giải với mình mà không hòa giải với tha nhân với thiên nhiên vạn vật, thì sự hòa giải đó cũng chỉ là một cuộc giao hòa hướng chiều ích kỷ, nếu không muốn nói là khuyết tật, không có lối thoát, vì thế, không sớm thì muộn nó cũng dẫn đến bế tắc.
Ðọc Tin mừng ta thấy, Ðức Giêsu đòi hỏi con người phải triệt để giao hòa với nhau, trước cả khi làm hòa với Thiên Chúa : "Nếu khi anh sắp đi dâng lễ vật
trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5,23-24).
Ðối với xã hội siêu cạnh tranh hôm nay, thì hòa giải giữa người với người là một vấn đề thật nhiêu khê và phức tạp. Qua thông tin, báo chí cho thấy, xã hội hôm nay chưa có sự hòa giải thật sự giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể và giữa nước này với nước kia. Người ta vẫn đối xử với nhau bằng bạo lực, bom đạn. Người ta vẫn dùng tiền của vật chất để làm cán cân công lý. Người ta vẫn trọng nam khinh nữ. Kẻ mạnh vẫn đàn áp kẻ yếu. Nước giàu vẫn thống trị nước nghèo. Những người bất hạnh vẫn bị chà đạp và bị bỏ rơi. Thế giới bạo lực, khoa học hóa, máy móc hóa, vật chất hóa và tiêu thụ hóa mỗi ngày càng đẩy con người xa nhau vời vợi. Hố ngăn cách càng sâu thì xung đột và mâu thuẫn lại càng nhiều. Từ mâu thuẫn trong mỗi cá nhân, và gia đình cho đến xung đột trong tập thể, xã hội và tôn giáo. Thời nào cũng vậy, luôn có những kẻ núp bóng tôn giáo, lợi dụng Ðạo, mê hoặc quần chúng để làm kinh tế, chính trị phá hoại xã hội, gây chia rẽ, xung đột giữa người với người, giữa đời với đạo. Chẳng hạn như vụ Tà giáo và lừa đảo lớn nhất thế kỷ ở Ðài Loan, do Tống Thất Lực cầm đầu, hay mưu đồ làm chính trị của Lê Quang Liêm là một bằng chứng[79].
Trong lãnh vực tôn giáo cũng chưa có sự hòa giải với nhau. Người ta vẫn nhân danh Ðạo mình để loại trừ và sát hại đạo khác. Không những có sự chia rẽ, phân biệt đối xử giữa các tôn giáo với nhau mà ngay trong từng nội bộ mỗi tôn giáo cũng có sự ly khai, chia rẽ và đấu đá nhau. Và lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Vì thế, hơn bao giờ hết, nhân loại ngày nay, cần phải học tấm gương nhân từ (Từ, Bi, Hỷ, Xả) và bác ái, yêu thương của Ðức Phật và Ðức Giêsu, tha thứ tất cả, yêu thương tất cả, ôm ấp tất cả vũ trụ và thế giới vào lòng. Nói đến hòa giải là nói đến tha thứ và yêu thương. Không thể có hòa giải, nếu người ta không sẵn sàng tha thứ cho nhau đến "bảy mươi lần bảy" (Mt 18,22), nghĩa là tha thứ hoài, tha thứ mãi. Mức độ của tha thứ là thứ tha không mức độ, tức là vô cùng vô tận, không có giới hạn. Không những tha thứ mà còn phải: yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ (Mt 5,44), nghĩa là luôn mở rộng cõi lòng đón nhận tha nhân, đến với anh chị em mình, đồng thời cũng để cho người khác đến với mình, đó mới là sự hòa giải đích thực.
Không những hòa giải với tha nhân mà còn hòa giải với vũ trụ vạn vật. Vì theo quan niệm đông phương, Thiên nhiên, vạn vật và con người là một thể thống nhất, hòa quyện vào nhau "Thiên địa vạn vật nhất thể"; "Thiên nhân tương
dữ". Lão Tử thì nói: Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên" (Ðạo Ðức Kinh, ch.21). Phải làm sao để cho trời đất giao
duyên, vì "Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống từ trời cao" (Tv 84,11-12 ). Con người không thể cư ngụ trên trái đất, hay không thể "an cư lạc nghiệp" khi thiên nhiên gầm thét, khi thiên lôi nổi trận lôi đình hay khi vũ trụ bị đảo lộn. Vì thế, hòa giải với thiên nhiên vạn vật là để cho trời cao đất thấp thẩm
thấu vào mình, để cho huyền nhiệm sự sống nảy sinh và hòa quyện vào trong tất cả mọi sự.
Thế nhưng con người ngày nay lại đang ra sức hủy hoại thiên nhiên, phá hoại môi trường sinh thái. Cụ thể là sự báo động về nạn phá rừng, tiêu diệt những động vật quý hiếm, bên cạnh đó là những chất thải độc hại của nền công nghiệp hóa đang hủy hoại môi trường sống tự nhiên của con người, cộng thêm với những chất độc của vũ khí chiến tranh khiến cho trái đất và vũ trụ này ngày thêm tiều tụy, mất dần sức sống. Con người có thể cải tạo thiên nhiên, nhưng không thể dùng sức mạnh hay sự khôn ngoan của mình để chống lại trời đất theo cái kiểu: "đội đá vá trời", hay "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa". Rồi đây nhân loại sẽ còn phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên với sức tàn phá mãnh liệt của thiên tai, lũ lụt, động đất, bão táp và "áp thấp nhiệt đới". Nhưng cơn bão tàn phá và những cơn lụt trong những năm qua ở Việt nam và trền toàn thế giới cũng đủ để chứng minh điều đó. Ðây chính là dấu chỉ cho thấy chưa có sự hòa điệu giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ vạn vật.
Vì thế, hơn bao giờ hết, con người ngày nay cần phải trở về với mình để làm hòa với anh em và hòa giải với vũ trụ vạn vật để đi đến cuộc giao hòa với Thiên Chúa.