III. MỘT VÀI NHẬN ÐỊNH NỐI KẾT
8. Tâm đạo trong Phật giáo và Kitô giáo
Cả Phật giáo và Kitô giáo đều mời gọi con người hãy trở về với cái Tâm của mình. "Tâm đạo", là con đường tối quan trọng để con người được giải thoát hay gặp gỡ Chúa. Nếu không quy hướng về tâm, không trở về với cõi lòng sâu thẳm của mình, con người sẽ không nhận ra "Bản lại diện mục", "Chân tâm Phật tính" nơi mình, cũng như không thế thấy Chúa và gặp Chúa là "Ðấng còn sâu thẳm hơn cõi lòng sâu thẳm của tâm hồn con" (Augustino).
Có thể nói, Phật giáo là đạo tu tâm: "Hàng phục vọng tâm" và "An trụ chân tâm". Tất cả các tông phái Ðạo Phật, dù là Tiểu thừa hay Ðại thừa, Tịnh Ðộ Tông hay Chân Ngôn Tông. đều lấy mức độ thanh tịnh giải thoát của chân tâm làm thước đo đạo lý. Không ai có thể được giải thoát hoàn toàn nếu không trở về với cái tâm của mình. Trong kinh Lăng Nghiêm Ðức Phật dạy, có hai cái tâm: vọng tâm và chân tâm. Vọng tâm là cái tâm suy nghĩ lăng xăng, hư dối. Chân tâm là cái biết hằng hữu (Trí Huệ Bát Nhã), không vắng mặt chút nào, luôn có sẵn trong mỗi người, đó là trí hiểu biết. Nơi mỗi người, cái nghe, cái thấy, cái biết (Chân tâm, Phật tính) luôn hằng hữu, nhưng vì con người cứ chạy theo cái suy nghĩ lăng xăng, cái tâm vọng động nên quên mất cái thật nơi mình. Nếu, lặn được cái tâm lăng xăng suy nghĩ đó thì cái thật sẽ hiện tuyền. Vì thế, thiền là lặng tâm, không nghĩ thiện, không nghĩ ác để trở về với "bản
lai diện mục" của cõi minh. Hai câu hỏi của ông Tu Bồ Ðề trong Kinh Kim Cang cũng nhắm vào mục đích đó: "Vân hà ưng trụ", "Vân hà hàng phục kỳ
tâm", nghĩa là "Làm sao hàng phục vọng tâm", "Làm sao an trụ chân tâm"? để
rồi cuối cùng đi đến chỗ: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", nghĩa là "an trụ tâm
ở chỗ không trụ"[109].
Thật vậy, đối với Phật Giáo, giải thoát là trở về với mình, xoay tâm mình lại để có một cái nhìn mới, cái nhìn trong sáng, tự do và giác ngộ. Nghĩa là sống cuộc đời này một cách hoàn toàn tự do, đầy sáng tạo: đói thì ăn, khát thì uống, lạnh thì run. sống con người thật của mình một cách đơn sơ, chân chất giữa cuộc đời đầy ô trọc. Nếu chưa biết sống con người tự do chân chất như trẻ thơ là chưa làm chủ được tâm mình. Phải trở về xoay tâm mình lại cho hồn nhiên, tự do, tự tại. Mặc dầu Phật giáo có nhiều pháp tu khác nhau, nhưng tất cả tám vạn bốn ngàn pháp tu đó, tựu trung đều quy về một điểm là xoay chuyển dòng tâm mình từ loạn (nô lệ) tâm đến nhất tâm, nhất niệm (tự do), đến vô tâm vô niệm (chết) và cuối cùng là đến giác ngộ (phục sinh). Ðiều này được minh chứng rõ trong "Thập mục ngưu đồ". Làm sao để "nhiếp tâm", thu tâm mình lại để đi đến vô tâm, vô niệm: người và trâu đều mất hết. Vô tâm, vô niệm ở đây không phải là không có gì, hay là đi vào hố thẳm, nhưng là đi đến giác ngọ để thấy một con người mới và thế giới mới xuất hiện.
Cũng vậy, người Kitô hữu luôn cố gắng tìm về nội tâm mình để tìm gặp Ðấng mà họ biết đang hiện diện trong nơi sâu thẳm cung lòng mình. Tại sao người Kitô hữu phải trở về nội tâm mới gặp được Chúa. Vì Thiên Chúa là Ðấng tuyệt đối, siêu việt, vượt trên con người và chìm sâu trong con người. Khi đi và nội tâm, con người khám phá ra chính mình, nhờ đó mà gặp được Chúa. Thánh Augustino cho ta kinh nghiệm đó: "bạn chớ đi lông bông bên ngoài, hãy trở về nội tâm; chính trong nội tâm có chân lý ngự trị" (Devera religione, c.39). Vâng, tâm
chính là nhịp cầu, là giao điểm nối kết giữa Ðấng tuyệt đối siêu việt và con người. Chính vì thế, Thánh Phaolô đã cầu xin cho các tín hữu, được củng cố con người nội tâm của mình: "Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Ðấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ
lòng tin được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái ." Nhờ đó, "anh em mới có đủ sức để thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Ðức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ sống tràn đầy sự hiểu biết của Thiên Chúa" (Ep 3,18-19).
Người Kitô hữu khi tìm về nội tâm là có ý tìm về với Thiên Chúa ẩn tàng trong đó: "Lạy Chúa con đã không tìm thấy Chúa ở ngoài con; tại con vụng về tìm Chúa bên ngoài, kỳ thực, Chúa ở trong con" (Augustino, Sililoques). Như vậy, Kitô
giáo lấy chính Ðức Kitô là khởi điểm và cũng là điểm tới của người Kitô hữu. Từ Ðức Kitô rồi lại trở về với Ðức Kitô. Theo linh mục Thiện Cẩm: "Kitô giáo khởi điểm từ Ðức Kitô, trở về chính Ðức Kitô và gặp lại Người ở chính nơi biểu hiện duy nhất bất khả phân của tình yêu Người đối với Chúa Cha và đối với nhân loại: đó là thập giá mà hai chiều ngang dọc tượng trưng hai chiều của tình yêu duy nhất"[110]. Nói khác đi, Kitô giáo lấy Ðức Kitô là đối tượng, là trung tâm điểm nơi mà tất cả đời sống Kitô hữu đều đồng quy về. Họ trở về tâm, về với cõi lòng sâu thẳm của mình là để gặp gỡ Ðức Kitô Phục Sinh, Ðấng ẩn sâu trong cung lòng họ.
Người Phật tử cũng tìm về nội tâm, tức là trở về với cái tâm thanh tịnh, Chân không tuyệt đối, hay trở về với "bản lai diện mục" trong lòng mình, hầu đạt tới cái "Không" tuyệt đối, cái giác ngộ hay làm sáng lên Phật tính ở trong mình, dám thấy Chúa ở trong tâm của mình. Chữ Không, hay "chân không diệu hữu" hiểu theo Ðại thừa là siêu việt, vượt lên tất cả, là Chân như, Phật tánh, chân tánh, viên giác. Chân Không ở đây không phải là cái không trống rỗng, không có gì, cũng không phải là chủ nghĩa hư vô hóa. Trái lại, theo tư tưởng Bát Nhã thì cái Không này rất linh động và diệu dụng, không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả, "Chân Không" nhưng mà "Diệu Hữu". Chính chữ Không này làm cho Phật giáo Ðại thừa mang tính thần bí, tâm linh thăm thẳm. Khi đạt tới Tuyện đối thì "Chân Không" trở thành "Diệu Hữu". Có thể nói, mọi nỗ lực của Ðại thừa đều nhằm tìm về Chúa, nhưng lại không muốn gọi là Chúa, vì gọi như vậy là giới hạn Chúa rồi, nên gọi là Chân Như. Ðại thừa muốn đặt con người vào trong Tuyệt đối, hòa tan vào trong Tuyệt đối, để rồi nhận ra mình ở trong Tuyệt đối, điều đó cũng có nghĩa là buông mình đi để cho Chúa, cho Phật tỏ hiện.