MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông dưới góc nhìn của thi pháp học (Trang 107 - 112)

- Ngôn ngữ: Khi nói về ngôn ngữ thơ Đường, trong “Đường thi tuyển dịch”, tác giả Lê Nguyễn Lưu đã nhận xét rằng “Ngôn ngữ thơ Đường kết tinh được nhiều

Chương 3: ỨNG DỤNG THI PHÁP HỌC VÀO GIẢNG DẠY THƠĐƯỜNG Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

3.4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ

Xuất phát từ yêu cầu giáo dục và thực trạng dạy học văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, chúng tôi mạnh dạn nêu lên một số giải pháp và kiến nghị như sau:

Việc dạy học thơ Đường trong nhà trường phổ thông cần phải xác định một quan điểm giáo dục toàn diện. Xuất phát từ yêu cầu của giáo dục phổ thông để chúng ta cần xác định một quan niệm đúng đắn trong việc giảng dạy thơ Đường. Trước hết giáo viên dạy Văn cần phải ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa văn hóa và giáo dục của thơ Đường để tránh quan niệm cho rằng thơ Đường không ảnh hưởng gì đến nền văn học trong nước cũng như không có tác dụng gì đối với cuộc sống hiện tại, cũng không nên có tư tưởng bi quan, ngán ngại khi cho rằng “Thơ Đường khó”.

Cũng như các chuyên mục khác trong chương trình môn Văn ở trường phổ thông, việc giảng dạy thơ Đường tất nhiên phải chú ý đến trình độ của học sinh, từ đó tìm ra phương pháp dạy học phù hợp, để làm sao các em có thể xóa đi được những khoảng cách quá xa giữa bản thân với không gian, thời gian lịch sử, với văn hoá, ngôn ngữ của một dân tộc. Các bài thơ Đường đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông hiện nay là những bài thơ hay, tiêu biểu cho nội dung và thi pháp nhưng chưa thực sự phù hợp với trình độ học sinh. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất nên đưa thơ Đường vào chương trình giảng dạy ở trường phổ thông phù hợp với khối lớp, chọn lọc những bài tiêu biểu phù hợp với lứa tuổi học sinh bậc trung học cơ sở, cụ thể là cho khối học sinh lớp 9.

Mỗi nhà thơ, nhà văn có một vai trò quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển một giai đoạn văn học. Vì vậy muốn có một cái nhìn tổng thể về tiến trình văn học của một dân tộc, cần tìm hiểu về tác giả văn học. Việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của nhà thơ sẽ giúp học sinh hiểu được những đóng góp to lớn của họ đối với nền văn học cũng như rút ra được bài học về nhân cách làm người. Về phần này chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số ý kiến như sau:

- Sách giáo khoa nên có thời gian dành cho phần học về tiểu sử tác giả, không nên gói gọn tất cả trong một tiết học.

- Để tránh tình trạng giáo viên phải mất thời gian dạy lại những kiến thức học sinh đã học ở lớp 7 (ví dụ: tiểu sử tác giả Lí Bạch và Đỗ Phủ), giáo viên chỉ cần nhắc lại một cách sơ lược là đủ. Mặc dù nhắc lại sơ lược nhưng cần thiết vì vừa củng cố kiến thức học sinh đã học ở lớp dưới vừa có liên quan trực tiếp đến bài học của các em ở lớp 10, đồng thời giáo viên cần kết hợp với nội dung khái quát giai đoạn văn học thời Đường mà sách giáo khoa không giới thiệu giúp các em hiểu được mối quan hệ giữa các nhà thơ với thời đại mà họ đang sống.

Với thời lượng (7 tiết) như hiện nay, việc dạy thơ Đường gặp nhiều khó khăn nên cần tăng thêm số tiết dạy cho phần này khoảng 3 đến 4 tiết. Mặt khác, khi học sinh tiếp cận với Văn học nước ngoài tất nhiên sẽ gặp những khó khăn hơn so với Văn học Việt Nam. Để tạo tâm thế học tập, củng cố thêm những tri thức về bộ phận Văn học nước ngoài cho học sinh, nhà trường và giáo viên cùng phối hợp tăng cường các dụng cụ trực quan trong giờ học (ví dụ: băng, hình, tranh ảnh...); tổ chức các giờ ngoại khóa bằng những hình thức như tổ chức cho các em sưu tầm và đọc tác phẩm, thảo luận nhóm tại lớp, đố vui về tác giả, tác phẩm…

Hiện nay, khi dạy những bài thơ Đường, giáo viên đã chú ý đến việc phân tích nội dung. Tuy nhiên, việc giảng dạy những bài thơ Đường phải chú ý đến những đặc trưng thi pháp của thơ Đường.

Dạy thơ Đường là phải hiểu và dịch thật chính xác từ ngữ trong phần nguyên tác bài thơ. Làm được điều này giáo viên giúp học sinh hiểu được nguyên tác đồng thời cung cấp một số kiến thức về ngôn ngữ, làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ của các em bởi vì trong vốn từ mượn của dân tộc thì tiếng Việt mượn từ tiếng Hán nhiều nhất. Thực tế cho thấy, có nhiều giáo viên biết rất ít về chữ Hán làm cản trở đáng kể đến việc dạy thơ Đường cũng như dạy những tác phẩm văn học trung đại Việt Nam

viết bằng chữ Hán. Nên mở các lớp dạy chữ Hán vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.

Do tính chất thơ Đường là bình dị, súc tích ngắn gọn nên khi tiếp nhận thơ cần phát hiện ra nhãn tự của bài thơ (tức là câu thơ mấu chốt mang ý nghĩa quan trong

nhất). Ví dụ bài “Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” hồn thơ là hai câu cuối: “Cô phàm viễn ảnh bích không tận; Duy kiến Trường giang thiên tế lưu”, hay bài “Thu Hứng” thì nhãn tự của bài thơ ở hai câu: “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ; Cô chu nhất hệ cố viên tâm”. Đối với những bài thơ dài, giáo viên nên chọn một đoạn ngắn để giảng sâu, kĩ chứ giảng dàn trải hết bài thơ. Chẳng hạn bài “Mao ốc vị thu phong sở phá ca”, để thấy được tinh thần nhân đạo cao cả của Đỗ Phủ, giáo viên nên chọn giảng sâu ở mười ba câu cuối của bài thơ.

Riêng văn học, việc đọc tác phẩm là sự phản ánh những tình cảm, ý chí, ước vọng, động lực của tâm hồn và cùng với tiếng lòng của nhà văn thể hiện trong tác phẩm, đọc là tiếng đồng vọng của con người trước thời đại và lịch sử. Trong quá trình dạy học, đọc tác phẩm văn học như là một hoạt động sáng tạo mang tính thẩm mĩ. Tình trạng học sinh đọc sai, đọc yếu hiện nay rất phổ biến, giáo viên nên hướng dẫn phương pháp, rèn luyện năng lực đọc cho các em.

Cuối cùng, thiết nghĩ ngành giáo dục cần có sự thay đổi cách thức ra đề trong kiểm tra, thi cử; nội dung thi không nên chỉ có phần Văn học Việt Nam mà phải bổ sung các tác phẩm Văn học nước ngoài (đặc biệt là thơ Đường - một bộ văn học ảnh hưởng rất lớn đến văn học trung đại Việt Nam) để tránh tình trạng xem nhẹ mảng văn học này, đồng thời kiểm tra đánh giá được kiến thức văn học toàn diện ở học sinh.

Phương pháp dạy học truyền thống hay hiện đại cũng đều có những đặc điểm, ưu thế và nhược điểm riêng. Không có phương thuốc nào có thể chữa được bách bệnh, không có phương pháp dạy học nào là chìa khóa vạn năng. Việc nghiên cứu kỹ từng bài dạy, từng đặc điểm bộ môn và đối tượng người học để có sự phối hợp đa dạng các phương pháp dạy học là việc cần làm ngay của mỗi giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.

KT LUN

Tác giả Kiều Văn nhận xét: “Thơ Đường chan chứa tính nhân văn, đầy ắp tính người, tình đời, nỗi đau, nỗi hận… Thơ Đường phản ánh số phận “thập loại chúng sinh” trên khắp đất nước Trung Hoa thời phong kiến nhà Đường” [69, tr. 6]. Đúng vậy, thời đại nhà Đường đã thuộc về quá khứ theo dòng chảy của thời gian, thế nhưng những giá trị tinh thần mà nó để lại cho đất nước Trung Hoa và nhân loại sẽ trường tồn mãi mãi. Trong nền văn hoá nhân loại, thơ Đường đã trở thành một hiện tượng độc đáo, mỗi bài thơ là một viên ngọc quý mà khi nhìn, dù ở góc độ nào cũng thấy nó tỏa sáng lung linh. Chính vì sự tuyệt tác của thơ Đường mà các nhà văn, nhà thơ và các nhà nghiên cứu từ trước đến nay không ngừng tìm hiểu, nó trở thành mối quan tâm của bao nhiêu thế hệ. Càng tìm hiểu, thơ Đường lại toát lên một sắc thái, một nội dung độc đáo hơn, sâu sắc hơn tựa như chân trời mới cần khám phá.

Thơ Đường từ lâu được đưa vào chương trình môn Văn ở nhiều bậc học đã phản ánh vị trí quan trong của nó. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề giao thoa hội nhập, toàn cầu hoá đang là mối quan tâm của toàn xã hội thì việc giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông lại trở nên có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tính nhân văn về một thành tựu văn học xưa mà còn giúp các thế hệ tương lai có một định hướng đúng đắn trên con đường tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, sáng tạo ra những cái mới tốt đẹp hơn, tự tin hơn để hoà nhập với xu thế phát triển của thời đại.

Thế nhưng việc giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông hiện nay đang có những thuận lợi và khó khăn chi phối. Như đã trình bày, xuất phát từ nhiều nguyên nhân nên việc dạy học không đạt kết quả như mong đợi.

Trong các môn học, Văn học là một môn rất khó dạy. Bởi tuy người thầy giáo dạy môn Văn học không phải là nhà văn, nhà thơ sáng tạo văn chương, nhưng họ là những người truyền thụ văn chương, do vậy họ phải là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Bởi dạy Văn học không chỉ truyền đạt kiến thức mà chủ yếu là truyền sự rung động trước tác phẩm. Tức là người dạy Văn là người phải có cảm xúc về tác phẩm và truyền cảm xúc đó đến với học sinh. Muốn được như thế thì người dạy phải có sự rung cảm sâu sắc và bằng ngôn ngữ và kĩ thuật diễn đạt làm cho học trò rung động theo. Một giờ dạy và học Văn tốt là một giờ dạy mà qua đó, những tần số cảm thụ

cùng rung lên và tự động tác phẩm đó thấm sâu vào tâm hồn của người học và trở thành hành trang đi suốt cuộc đời của các em.

Với quan niệm: Người thầy như là người nhóm lửa, thổi lên ngọn lửa văn chương trong mỗi tâm hồn của những học trò, luận văn “Giảng dạy thơ Đường dưới

góc nhìn của thi pháp học” mặc dù đã có sự nổ lực trong quá trình tìm hiểu hệ

thống thi pháp thơ Đường nhằm tìm ra hướng tiếp cận, khai thác tác phẩm phục vụ cho nhu cầu giảng dạy thể loại thơ nói chung và thơ Đường nói riêng đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, luận văn không thể không tránh khỏi những sai sót đang mong được sự đóng góp của quý thầy cô cùng các bạn đồng nghiệp.

Một phần của tài liệu Giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông dưới góc nhìn của thi pháp học (Trang 107 - 112)