- Ngôn ngữ: Khi nói về ngôn ngữ thơ Đường, trong “Đường thi tuyển dịch”, tác giả Lê Nguyễn Lưu đã nhận xét rằng “Ngôn ngữ thơ Đường kết tinh được nhiều
Chương 3: ỨNG DỤNG THI PHÁP HỌC VÀO GIẢNG DẠY THƠĐƯỜNG Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
3.2.3. Mao ốc vị thu phong sở phá ca, Thu hứng (Đỗ Phủ)
● Đỗ Phủ sinh năm 712 mất năm 770, tự Tử Mĩ, người ở huyện Củng, tỉnh Hà Nam, xuất thân trong một gia đình Nho học, làm quan suốt mấy đời, nhưng đến đời ông thì sa sút nghiêm trọng. Ông lại sống trọn vẹn trong hoàn cảnh loạn ly (loạn An Sử), ngược xuôi chạy loạn, gia đình ly tán, con chết đói... và rồi ông cũng chết thảm thương vì đói và bệnh tật trong một chiếc thuyền rách nát trên sông Tương nơi đất khách quê người.
Thơ của Đỗ Phủ thấm máu và nước mắt của nhân dân trong thời buổi loạn ly. Nếu trong thơ Lí Bạch có dòng sông hát ca, chim muông ríu rít, vầng trăng duyên dáng thì trong thơ Đỗ Phủ dòng sông nức nở, vầng trăng thổn thức và chim muông, cỏ cây câm lặng, úa vàng.
Người đời gọi thơ ông là một tập Thi sử (một bộ sử viết bằng thơ). Men theo năm tháng của các bài thơ ra đời, chúng ta có thể thấy được những nét chính của đời sống chính trị, xã hội đời Đường trước và sau loạn An - Sử. Gọi thơ ông là Thi sử bởi vì cái ấn tượng binh đao khói lửa nội chiến mà thơ ông gieo vào lòng người còn sâu sắc gấp trăm lần các bộ sách viết về thời này. Nhưng Đỗ Phủ không hề “viết sử” một
cách khách quan. Ông đã đứng hẳn về phía “dân đen”, coi nỗi đau của họ như nỗi đau của chính mình, ước mong san sẻ gánh nặng cơm áo và dằn vặt tâm linh với họ. Tư tưởng nhân đạo của Đỗ Phủ là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân đạo dưới thời phong kiến. Một nhà nho suốt đời long đong lận đận nhưng luôn quan tâm đến vận nước, mà quan tâm đến vận nước cốt để giảm nhẹ gánh nặng cơm áo và sự dằn vặt tâm linh của người dân bình thường. Bài “Mao ốc vi thu phong sở phá ca” (Túp lều tranh bị gió cuốn sập) thể hiện rõ nhân cách của ông.
Ông viết về mọi đề tài nhưng hầu như không có đề tài nào thoát ly thời cuộc. Ảnh hưởng của Đỗ Phủ đến đời sau rất sâu sắc. Đó là ảnh hưởng về nhân cách, luôn luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đó còn là tài năng thơ ca, một tài năng siêu việt được Nguyễn Du tôn làm bậc thầy của văn
chương muôn thuở. Đỗ Phủ để lại cho đời hơn 1.400 bài thơ, phân thành hai loại lớn: cổ thể thi và cận thể thi.
Với nhân cách cao thượng, tài năng trác việt, Đỗ Phủ được người dân Trung Quốc gọi là “Thi Thánh”, xứng đáng với danh hiệu “Danh nhân văn hoá thế giới”. Bút pháp hiện thực cũng như tinh thần nhân đạo cao cả của thơ ông đã ảnh hưởng rộng đến thơ ca Trung Quốc đời sau.
● Mao ốc vị thu phong sở phá ca
Sau bao nhiêu năm vất vả, lận đận, cơm không đủ no áo không đủ ấm. Năm 760, được bạn bè và người thân giúp đỡ, Đỗ Phủ dựng được một căn nhà tranh bên cạnh khe Cán Hoa phía tây Thành Đô. Vừa được mấy tháng thì căn nhà đã bị gió phá nát, không còn nơi nương tựa. Xót xa trước cảnh này, ông đã làm bài thơ “Mao ốc vị thu phong sở phá ca”.
Phiên âm:
Bát nguyệt thu cao phong nộ hào, Quyển ngã ốc thượng tam trùng mao. Mao phi độ giang sái giang giao, Cao giả quải quyển trường lâm sao, Hạ giả phiêu chuyển trầm đường ao. Nam thôn quần đồng khi ngã lão vô lực, Nhẫn năng đối diện vi đạo tặc.
Công nhiên bão mao nhập trúc khứ, Thần tiêu khẩu táo hô bất đắc, Quy lai ỷ trượng tự thán tức.
Nga khoảnh phong định, vân mặc sắc, Thu thiên mạc mạc hướng hôn hắc. Bố khâm đa niên lãnh tự thiết, Kiêu nhi ác ngoạ đạp lí liệt. Sàng đầu ốc lậu vô can xứ, Vũ cước như ma vị đoạn tuyệt. Tự kinh táng loạn thiểu thuỵ miên, Trường dạ triêm thấp hà do triệt!
An đắc quảng hạ thiên vạn gian, Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan, Phong vũ bất động, an như sơn.
Ô hô! Hà thì nhãn tiền đột ngột hiện thử ốc, Ngô lư độc phá thụ đống tử diệc túc!
Dịch nghĩa:
Tháng tám , đang mùa giữa thu, gió gào dữ dội, Cuốn phăng cả mấy lớp nhà tranh trên mái nhà ta. Tranh bay qua sông, rải rác khắp cả vùng ven sông, Cái bay cao thì mắc trên ngọn cây rứng,
Cái bay thấp thì quay lộn rồi rơi xuống vùng chuôm ao chìm nghỉm.
Lũ trẻ xóm Nam khinh ta già yếu, Trước mắt ta dám làm kẻ cướp:
Cứ ngang nhiên ôm tranh chạy khuất vào bụi tre, Rát cổ bỏng họng, gào chẳng ăn thua gì,
Ta đành quay về chống gậy đứng thở dài! Chốc lát gió yên,mây đen như mực, Cảnh trời thu mịt mờ, mỗi lúc một tối, Chiếc khăn vải đã cũ, lạnh như đồng,
Thằng con xấu nết, nằm trái thói, lục đục đạp rách toang. Nhà đã dột giường không chỗ nào khô,
Mưa cứ rả rích không ngớt hạt. Từ khi loạn lạc mình đã ít ngủ,
Nay lại bị dầm nước thâu đêm, chịu sao nỗi được đến sáng! Ước gì có hàng vạn gian nhà rộng rãi,
Để che đủ cho tất cả hàn sĩ trong thiên hạ, Khiến mặt mũi ai cũngvui tươi,
Vững như núi chẳng sợ mưa gió lay chuyển!
Than ôi! Bao giờ được trông thấy ngôi nhà ấy hiện ra cao ngất, Thì dù một cái nhà ta nát, một mình ta chết rét cũng cam lòng!
Tháng tám thu cao, gió thét già, Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta. Tranh bay sang sông rải khắp bờ, Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa, Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.
Trẻ con thôn Nam khinh ta già không sức, Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào luỹ tre.
Môi khô miệng cháy gào chẳng được, Quay về, chống gậy lòng ấm ức! Giây lát gió lặng, mây tối mực, Trời thu mịt mịt đêm đen đặc. Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt, Con nằm xấu nết đạp lót nát.
Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu, Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt. Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê,
Đêm dài ướt át sao cho trót! Ước gì nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan, Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn! Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt, Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!
(Khương Hữu Dụng dịch)
Trong thơ Đường, để phản ánh hiện thực đầy biến động, cuộc đời phức tạp bộn bề với bao ưu hoạn, vất vả của con người đời thường nên bộ phận thơ hiện thực thường sử dụng thơ cổ thể và Mao ốc vị thu phong sở phá ca là một trong những bài được sáng tác theo thể thơ đó.
Thời gian và không gian nghệ thuật trong bài này rất rõ. Thời gian vào tháng tám, đang bước vào mùa thu, bầu trời cao, gió thổi lớn. Năm câu đầu gieo liền năm vần bằng (hào, mao, giao, sao, ao) ở cuối như vẽ nên âm thanh và cảnh tượng từng trận gió thu liên tiếp từ trời cao thổi tới, liên tiếp cuốn từng lớp tranh bay đi tứ tung.
Tiếng gió gào mãnh liệt “phong nộ hào” (gió gào giận dữ) ta như nghe thấy âm thanh gào rít của gió. Chữ “nộ” (giận dữ) đã nhân cách hóa trận gió khiến cho những câu sau có tính hành động, đồng thời hàm ẩn sắc thái tình cảm. Các động từ (cuốn, bay, rải, mắc, chìm) vẽ nên một cách sinh động sự giận dữ của cuồng phong trước con mắt hốt hoảng, bất lực của con người. Cách tả của Đỗ Phủ rất cô đọng. Qua sự miêu tả hầu như khách quan, nhà thơ vẫn thể hiện rõ sắc thái tâm trạng của con người, gây ấn tượng mạnh, tạo sự đồng cảm và khiến cho người đọc cảm thương với nỗi tiếc xót, hốt hoảng của nhà thơ trước cảnh tượng gió thu thổi tốc mái nhà tranh.
Từ việc nhà tốc mái, dẫn đến nhiều cảnh đời đau khổ xót xa. Những tấm tranh rải khắp bờ sông, treo tót ngọn rừng xa, quay lộn vào mương sa khó lòng lấy lại được. Thế nhưng, thấy Đỗ Phủ già yếu, lũ trẻ con nghèo khổ thôn Nam ngỗ ngược chạy đến cướp tranh. Mặc cho ông cố gắng quát tháo cũng không giữ được những cọng tranh, đành bất lực nhẫn nhịn nhìn đám trẻ, quay về vịn gậy thở than. Lòng giận mà không ghét lũ trẻ, ông nhìn thấy đằng sau hành vi đạo tặc của đám trẻ một cảnh sống khốn cùng. Nếu không quá khốn đốn thì nhà thơ đâu đến nỗi quay quắt tiếc mấy tấm tranh xơ xác, lũ trẻ nếu không quá nghèo khổ túng thiếu thì đâu dám lao vào giữa trận cuồng phong để giành giật mấy tấm tranh còm của một cụ già. Lòng thông cảm những con người nghèo khổ được thể hiện dưới những câu thơ mủi lòng, kín đáo.
Hai câu: “Nga khoảng phong định, vân mặc sắc; Thu thiên mạc mạc hướng hôn hắc”, trong cả nguyên văn và bản dịch đều gieo vần “nhập thanh – trắc”, vừa vẽ nên cảnh trời đất tối sầm vừa nhuốm màu tâm trạng thảm sầu của con người. Gió yên, tưởng đã qua cơn khổ nạn, ngờ đâu gió yên khi đã làm xong cái việc cuốn phăng mấy lớp tranh trên nhà, để rồi mưa ập đến gieo khổ nạn nặng nề hơn.
Cảnh đêm rét, nhà dột, suốt đêm không ngủ. Ngôi nhà lộ thiên để lộ nỗi khốn cùng của nhà thơ. Hình ảnh khổ sở, tủi nhục, ê chề đau đớn của một thiên tài hiện lên làm xoáy gan, cháy ruột lòng người.
Giá trị bài thơ chính là từ nỗi đau riêng của một người, nỗi bất hạnh của một gia đình, Đỗ Phủ còn biểu hiện nỗi thống khổ của thời đại, cuộc sống nhân dân thời Đường lúc bấy giờ “Tự kinh táng loạn thiểu thụy miên” do chiến tranh loạn lạc. Đó là tình trạng nghèo khổ, cơ cực của nhân dân, trong đó có người trí thức mà Đỗ Phủ là một điển hình.
Trong thời điểm lạnh lẽo tối tăm đến tận cùng ấy, nước đã tràn bờ, làm bùng lên một ước mơ: “An đắc quảng hạ thiên vạn gian; Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan; Phong vũ bất động, an như san”. Ba câu thơ liên tiếp gieo vần bằng như dòng thác tuôn đổ xuống, giải tỏa hết khổ đau u uất. Ước mơ thật thực tế và cụ thể. Trong thời buổi nhà Đường hỗn chiến, ước mơ ấy có thể không có cơ sở, nhưng đó là ước mơ đầy chất lãng mạn của con người “vì dân đen buồn tủi quanh năm”.
Hai câu cuối bài thơ chân thành xúc động, phát ra từ trái tim yêu thương con người. Ước mơ – niềm tin và hy vọng của Đỗ Phủ được diễn tả bằng ngôn ngữ thơ ca: “Ô hô! Hà thì nhãn tiền đột ngột hiện thử ốc”, và đứng trên đỉnh cao ước mơ ấy nhà thơ tự nguyện: “Ngô lư độc phá thụ đống tử diệc túc!”. Lời nguyện ấy vị tha và nhân ái biết bao!
Từ bút pháp hiện thực ở phần đầu, Đỗ Phủ chuyển sang bút pháp lãng mạn ở phần cuối, sự kết hợp thật hài hoà. Ngôn ngữ thơ giản dị, dễ hiểu. Hình tượng thơ đẹp, gợi cảm. Hình tượng con người được tác giả khắc họa sinh động, gây xúc động.
● Thu Hứng
Phiên âm:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng, Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ, Cô chu nhất hệ cố viên tâm. Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
Dịch nghĩa:
Sương móc trắng xoá làm tiêu điều cả rừng cây phong, Núi Vu, Kẽm Vu làm hơi thu hiu hắt.
Giữa dòng sông sóng vọt lên tận lưng trời, Trên cửa ải mây sa sầm giáp mặt đất âm u.
Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ. Chỗ nào cũng rộn ràng dao thước để may áo rét,
Về chiều, thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập áo nghe càng dồn dập.
Dịch thơ:
Lác đác rừng phong hạt móc sa, Ngàn non hiu hắt khí thu lòa.
Lưng trời sóng gợn dòng sông thẳm, Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm trú tuôn thêm dòng lệ cũ, Con thuyền buộc chắt mối tình nhà. Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước, Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.
(Nguyễn Công Trứ dịch)
Khi đất nước kiệt quệ vì chiến tranh loạn li thì Đỗ Phủ cũng lưu lạc tới Ba Thục, ngụ ở Quỳ Châu (Tứ Xuyên), trong mùa thu năm 766, ở nơi núi non hùng vĩ, hiểm trở, xa cách quê hương gia đình mấy nghìn dặm đã khơi nguồn cho nhà thơ sáng tác một chùm thơ mùa thu gồm tám bài gọi là “Thu hứng”. Chùm thơ thể hiện những suy tư sâu lắng, nhiều cảm xúc và lòng thương nhớ quê hương da diết của Đỗ Phủ lúc bấy giờ. Bài Thu hứng thứ 1 trong chương trình Trung học phổ thông được xem là “cương lĩnh sáng tác” của cả chùm thơ.
Về mặt đề tài, Thu hứng nói lên cảm hứng, suy nghĩ của Đỗ Phủ về mùa thu. Kim Thánh Thán từng viết: “Gái đẹp đương xuân thì ý nồng nàn, chí sĩ trước thu thì tình sâu xa” [57, tr. 47]. Đúng vậy, mùa thu là chủ đề ngâm vịnh muôn thuở của thi nhân. Thu hứng nói lên cảm xúc, ngẫu hứng của thi nhân trước cảnh mùa thu buồn bã, u sầu, gợi những nỗi nhớ nhung da diết. Một khoảng rừng thu, một bầu trời thu, một hàng cây thu… đều gợi lên những cảm giác buồn tẻ, lẻ loi.
Xét về mặt bố cục, thông thường một bài thơ Đường Luật gồm 4 phần: đề, thực, luận và kết, nhưng toàn bài thơ, ta thấy nổi lên hai ý rõ rệt: bốn câu đầu tả cảnh thu, bốn câu sau thể hiện tình cảm trước cảnh thu ở nơi đất khách.
Mùa thu mà Đỗ Phủ nói đến trong bài thơ không phải là mùa thu chung chung, cũng không phải mùa thu ở Hà Nam mà là mùa thu ở vùng Quỳ Châu (Tứ Xuyên). Hai địa danh Vu Sơn, Vu Giáp thuộc thượng lưu sông Trường Giang, núi non hiểm trở, vào thu nơi đây càng ảm đạm mịt mờ.
Lạnh lùng, buồn bã là hai cảm giác đầu tiên ta bắt gặp khi đọc câu thơ đầu. “Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm”
Khi tả mùa thu, các nhà thơ Đường thường nói đến cây phong – một loại cây về mùa thu lá úa vàng, tượng trưng để khắc họa cảnh thu.
Tính động từ “điêu thương” không chỉ để tả rừng phong mà còn thể hiện nỗi buồn thương của lòng người. Rừng phong điêu tạ, lòng người bi thương. Cả một rừng cây phong xơ xác tiêu điều bị sương móc trắng xóa bao phủ. Mùa thu buồn, rừng thu lá thu vàng úa lại thêm những hạt sương móc làm cho cả rừng phong tàn tạ, điêu linh, gợi lên cảm giác u buồn, một nỗi buồn âm thầm lặng lẽ.
Chẳng những rừng thu mà Đỗ Phủ còn nói đến khí thu: “Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm”.
Tiếp sau “Vu Sơn” “Vu Giáp” là cái khí “tiêu sâm” (mờ mịt), tất cả đều lạnh lùng vắng lặng. Rừng thu đã buồn, khí thu càng thêm hiu hắt. Tất cả thấm đượm màu thu, tình thu. Hai câu thơ đầu là hai cảnh thu: một cảnh ở rừng phong, một cảnh thu ở núi. Bằng không gian (rừng núi, hơi sương) mà thấy thời gian (mùa thu). Tuy ở hai
nơi, hai cảnh có khác nhau nhưng nhà thơ nhìn nó với tâm trạng và cảm giác buồn và nhớ quê da diết.
Hai câu tiếp theo, Đỗ Phủ tả cảnh thu ở lòng sông, lưng trời, mặt đất và cửa ải. “Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm”.
Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh về lời và ý, tạo nên hai bức tranh đối nghịch: một bên sóng vọt cao lên lưng trời; một bên mây lại sà xuống tiếp giáp mặt đất. Ở Vu Sơn, Vu Giáp ngước mắt nhìn sông, chỉ thấy sông vọt ngất trời, nhìn lên cửa ải chỉ thấy gió mây mịt mờ liền đất.
Người ta thường nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trước cảnh trời mây hiu hắt của mùa thu, một cách tự nhiên, con người trở về với thực tại, đối diện với cảnh vật trước mắt:
Cô chu nhất hệ cố viên tâm”
Trong bài Xuân vọng, vì cảm thương thời thế mà ông nhìn hoa cũng thấy hoa