Hồi hương ngẫu thư (Hạ Tri Chương) ● Hạ Tri Chương

Một phần của tài liệu Giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông dưới góc nhìn của thi pháp học (Trang 52 - 55)

- Ngôn ngữ: Khi nói về ngôn ngữ thơ Đường, trong “Đường thi tuyển dịch”, tác giả Lê Nguyễn Lưu đã nhận xét rằng “Ngôn ngữ thơ Đường kết tinh được nhiều

Chương 3: ỨNG DỤNG THI PHÁP HỌC VÀO GIẢNG DẠY THƠĐƯỜNG Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

3.2.1. Hồi hương ngẫu thư (Hạ Tri Chương) ● Hạ Tri Chương

● Hạ Tri Chương

Hạ Tri chương (659 – 744) tự Quý Chân, quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay là huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang). Năm đầu niên hiệu Chứng Thánh thời Võ Tắc Thiên (695), ông đỗ tiến sĩ và từ đó giữ nhiều chức quan ở triều đình. Suốt năm mươi năm làm quan ở triều đình, trải qua bốn đời vua, nội bộ nhà Đường rất biến động, nhưng Hạ Tri Chương luôn được quý trọng, không hề bị biếm trích. Đây là điều rất hiếm đối với quan lại – thi sĩ thời phong kiến. Năm Thiên Bảo thứ ba (744), ông xin cáo lão về quê quy ẩn ở Kính Hồ, không lâu sau thì mắc bệnh qua đời, thọ tám mươi sáu tuổi.

● Hồi hương ngẫu thư

Xa quê, nhớ quê, buồn rầu xa xứ là những đề tài quen thuộc trong thơ cổ - trung đại phương Đông. Nhưng mỗi nhà thơ trong hoàn cảnh riêng lại có những cách thể hiện riêng độc đáo, không trùng lặp. Còn gì vui mừng xốn xang hơn khi xa quê lâu năm nay mới có dịp về thăm lại nơi mình đã từng chôn nhau cắt rốn? Rồi khi gặp lại có những chuyện bất ngờ không sao nói lên lời. Hạ Tri Chương trong một lần về thăm quê sau năm mươi năm xa cách cũng gặp một chuyện nao lòng như thế trong bài Hồi hương ngẫu thư.

Phiên âm:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi, Hương âm vô cải, mấn mao tồi.

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức, Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?

Dịch nghĩa:

Rời nhà từ lúc còn trẻ, già mới quay về, Giọng quê không đổi nhưng tóc mai đã rụng. Trẻ con gặp mặt, không quen biết,

Cười hỏi: Khách ở nơi nào đến?

Dịch thơ:

Bản dịch thứ nhất:

Khi đi trẻ, lúc về già,

Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao. Trẻ con gặp, lạ lùng sao,

Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi? (Phạm Sĩ Vĩ dịch)

Bản dịch thứ hai:

Trẻ đi, già trở lại nhà,

Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu. Gặp nhau mà chẳng biết nhau,

Trẻ cười hỏi: Khách từ đâu đến làng? (Trần Trọng San dịch)

Chữ ngẫu trong nhan đề ‘‘Hồi hương ngẫu thư’’ cho thấy nhà thơ không hề cố ý làm thơ, cũng không hề nhắc đến năm mươi năm làm quan ở chốn cung đình, chứng tỏ tất cả tâm tình đặt ở cái đích hồi hương. Bài thơ là một bức tranh sinh hoạt giản dị, hồn nhiên; lời thơ tự nhiên, bình dị, như giọng nói chân chất của quê nhà không hề trau chuốt.

Điều đặc biệt, cái thâm thúy của bài thơ là ở các mối quan hệ.

Bài thơ chỉ có bốn câu. Ba câu trước mang hình thức tự đối, tức là mỗi câu đều tách ra thành hai vế đối nội bộ với nhau trong một dòng thơ. Riêng câu thứ tư, lại đối lập với ba câu trước:

Thiếu tiểu li gia >< lão đại hồi, Hương âm vô cải >< mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến >< bất tương thức,

><

Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?

Ở ba câu đầu, thể hiện tâm trạng bồi hồi xao xuyến của nhà thơ: Vừa vui vừa buồn; nửa mừng nửa tủi. Đây là tâm trạng rất thực của con người bao năm xa cách quê hương, giờ mới trở về. Dòng cảm xúc ấy như những ngọn triều tình cảm, những đợt sóng lòng, buồn vui, mừng tủi cứ thế hòa quyện, không tự chủ được. Đọc câu thơ, ta như hình dung thấy được bước chân hấp tấp, lập cập, líu ríu tay bắt mặt mừng, nước mắt rơi xuống ướt cả nụ cười trên môi. Không kìm nén được, cụ già tám mươi sáu tuổi ấy bỗng hóa trẻ thơ không điều khiển được cảm xúc của mình. Cũng đúng thôi, đã bao nhiêu năm ra vào chốn lầu son gác tía, vinh hoa phú quý đã từng, dẫu giờ đây đã là ông già đầu tóc bạc phơ nhưng vẫn là đứa con của quê hương với “giọng quê không đổi” – lòng không thay đổi, vẫn nhớ quê hương dù thời gian có đổi.

“Giọng quê không đổi” cần được hiểu cả theo nghĩa rộng, nghĩa bóng. Đó là tấm lòng không đổi, trách nhiệm với làng quê không đổi... Tâm tư khắc khoải, không biết quê hương có còn nhớ mình chăng?

Gặp gỡ trẻ thơ, niềm vui khôn xiết (nhi đồng tương kiến), nhưng trẻ thơ lại chẳng biết ông (bất tương thức)! Đột ngột, ngỡ ngàng và hụt hẫng biết bao! Không thể trách chúng được. Ngày ra đi, chúng và ngay cả cha mẹ chúng cũng chưa ra đời, chúng không biết và thực ra nhà thơ cũng không biết đó là con cái nhà ai. Mạch thơ đến đây bỗng chững lại.

“Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?”

Câu này tách ra, đối lập với ba câu trên. Tâm trạng ông lão thì náo nức... đầy vẻ vồ vập, mà bọn trẻ lại xa lạ. Thái độ xa lạ với câu hỏi càng xa lạ hơn của bọn trẻ đối lập hoàn toàn với tâm trạng của nhà thơ. Trước câu hỏi vô tư, thái độ ngoan ngoãn thân thiện của trẻ thơ, ẩn dấu nỗi buồn thấm thía của tác giả. Còn gì buồn hơn khi trở về nhà mình, quê mình lại trở thành khách lạ. Vì sao bài thơ không nhắc đến những người lớn trong làng? Đó mới là chỗ trống đáng suy nghĩ trong thơ văn. Nhà thơ chỉ mượn trẻ con để trách người lớn thờ ơ lãnh đạm với ông mà thôi. Người làng quê thường biết ơn những người trực tiếp đem lợi ích cho làng, ai biết đâu cái ông quan ở triều đình đến già mới về!

Không hề nói về tình cảm mà tình cứ hiện ra phập phồng xốn xang trên từng câu, từng chữ. Trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà được xem là khách, sự hớn hở vui mừng đón khách của trẻ bao nhiêu thì nỗi lòng của nhà thơ càng tan nát bấy nhiêu. Tình huống bất ngờ ấy đã tạo nên màu sắc đặc biệt của ý thơ, giọng thơ bi hài thấp thoáng ẩn hiện sau lời tường thuật khách quan trầm tĩnh. Sinh động, chân thật biết bao!

Một phần của tài liệu Giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông dưới góc nhìn của thi pháp học (Trang 52 - 55)