Đi tìm nguyên nhân

Một phần của tài liệu Giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông dưới góc nhìn của thi pháp học (Trang 46 - 51)

- Ngôn ngữ: Khi nói về ngôn ngữ thơ Đường, trong “Đường thi tuyển dịch”, tác giả Lê Nguyễn Lưu đã nhận xét rằng “Ngôn ngữ thơ Đường kết tinh được nhiều

Chương 3: ỨNG DỤNG THI PHÁP HỌC VÀO GIẢNG DẠY THƠĐƯỜNG Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

3.1.2. Đi tìm nguyên nhân

Dạy văn là sự giải mã một cách nghệ thuật cái vô hình sau cái hữu hình, cái im lặng sau cái âm thanh, cái thần thái của mỗi con chữ, cái đa nghĩa, cái lấp lửng, cái không xác định… Dạy và học văn là một niềm vui nếu giáo viên làm cho học sinh rung động, yêu đời, yêu cuộc sống và lớn lên một chút. Dạy văn không đơn thuần là dạy kiến thức mà dạy tâm hồn. Nhưng thực tế hiện nay môn văn trong nhà trường đối với học sinh không lấy gì làm hấp dẫn nếu không muốn nói là "liều thuốc gây mê". Đi tìm nguyên nhân lý giải cho việc trên, chúng tôi nhận thấy có hai nhóm nguyên nhân sau:

Nguyên nhân khách quan

Việc dạy học thơ Đường trong nhà trường phổ thông hiện nay không đạt kết quả như mong muốn có nguyên nhân từ “sự chuyên chế của những khoảng cách” như đã trình bày ở trên. Sự khác biệt về phong cách nghệ thuật, về không gian, thời gian lịch sử, ngôn ngữ và đặc biệt là về tâm lí giữa người dạy, người học ngày hôm nay với các tác giả, tác phẩm văn học quá khứ vừa là những khó khăn lại vừa là những nguyên nhân có tính khách quan dẫn đến thực trạng này. Những bài thơ Đường nhìn chung là xa lạ, không gần gũi với cuộc sống của các em, học sinh không thể hiểu sâu sắc vẻ đẹp thâm thúy của các bài thơ bởi vì các em chưa đủ vốn sống, chưa có những

trải nghiệm về cuộc đời. Cuộc sống hiện tại có những biểu hiện của lối sống thực dụng ít nhiều đã có những ảnh hưởng tới học sinh ngày hôm nay, khiến các em không dễ chấp nhận cách nghĩ, cách cảm của người xưa. Cho nên việc người thầy tạo ra được một không khí gần gũi với các em để có thể nắm bắt những suy nghĩ mà học sinh không dễ bộc lộ, quan tâm đến việc học sinh nghĩ gì, hiểu như thế nào trước những vấn đề đặt ra trong bài học là rất quan trọng vì điều đó sẽ mang lại hiệu quả giáo dục không nhỏ.

Đó là chưa kể đến khuynh hướng ngày càng có nhiều học sinh chạy theo các môn học tự nhiên, coi nhẹ môn Văn cũng như các môn học thuộc lĩnh vực xã hội khác.

Sự hạn chế thời lượng của những tiết học đã khiến cho người thầy không có cơ hội thực hiện một số công việc nhằm kích thích hứng thú học tập ở học sinh. Ví dụ, thời gian dạy bài thơ “Mao ốc vị thu phong sở phá ca” (Đỗ Phủ) là 1 tiết thì làm sao giáo viên có thể đủ thời gian để truyền tải kiến thức đầy đủ đến học sinh, buộc giáo viên phải dạy lướt qua nên học sinh cũng gặp những khó khăn trong việc lĩnh hội tri thức. Chính vì hạn chế về thời lượng mà những bài đọc thêm về thơ Đường trong sách giáo khoa không được học sinh và giáo viên chú ý tới.

Để học sinh biết cách đọc, cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố trong đó sách giáo khoa đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên sách giáo khoa hiện nay có một số câu hỏi gợi ý hướng dẫn học bài nhưng chưa thành hệ thống, chưa có câu hỏi kiểm tra sự hiểu của học sinh. Như vậy so với mục tiêu, yêu cầu đào tạo giáo dục hiện nay, sách giáo khoa chưa thực sự đổi mới. Thậm chí sách giáo viên vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về phương pháp để giáo viên nghiên cứu, tham khảo.

Giáo viên giảng dạy theo kiểu đối phó: Theo quan niệm giáo dục từ xưa đến nay, người dạy học phải có kiến thức cao hơn học sinh một cái đầu, phải trang bị kiến thức nhất định về môn học mà mình đang phụ trách, đồng thời phải có vốn kiến thức phổ thông mà bất kỳ người nào được gọi là trí thức trong xã hội cũng cần phải có. Thế nhưng, rất nhiều người làm nghề dạy học mà chẳng có số vốn kiến thức gì ngoài mấy trang giáo án được viết đi viết lại từ năm này sang năm khác. Đối với người thầy, ngoài kiến thức đã được học ở nhà trường, phải được trang bị thêm rất nhiều từ cuộc sống và tự học. Tự làm cho kiến thức càng ngày càng phong phú và tiếp thu những cái hay cái mới đang thay đổi hàng ngày là trách nhiệm của người thầy. Bởi có

được số vốn kiến thức như vậy thì người thầy mới có tự tin để giảng dạy và có sức thuyết phục đối với học trò.

Trong các kì thi dạy giỏi hay các buổi dự giờ, thầy cô giáo thường tổ chức như là một vở kịch khôi hài. Các câu hỏi được soạn rất kĩ lưỡng, và có khi được dạy trước đó; gợi ý khi phát biểu, cho học sinh giỏi giơ tay phải, học sinh yếu tay trái!...

Một vấn đề nữa cần được đề cập là điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học Văn. Số lượng băng hình, tranh ảnh dành riêng cho việc dạy học thơ Đường chưa đáp ứng được nhu cầu của giáo viên và học sinh. Vì chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất nên giáo viên thường không sử dụng các hình thức hỗ trợ này. Vài giáo viên tự tìm lấy tranh ảnh minh họa để sử dụng trong những tiết thao giảng chứ chưa có sự hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Bên cạnh đó, do đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn nên họ ít có điều kiện đầu tư vào việc dạy học.

Nguyên nhân chủ quan

Về năng lực chuyên môn: Nhìn chung đội ngũ giáo viên hiện nay không đồng đều về chất lượng, một số chưa chuẩn hóa. Lực lượng giáo viên trẻ qua dự giờ thấy bộc lộ nhiều hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn do hệ thống lý luận giáo dục và chương trình giảng dạy ở các trường sư phạm quá lạc hậu, thiếu thực tế. Sinh viên học lý thuyết nhiều mà thực hành lại quá ít. Chỉ chưa đầy một chục tiết dạy trong mấy tuần thực tập đã thành nghề!

Việc dạy tác phẩm văn chương lâu nay ở nhiều giáo viên hình như còn dở dang, chưa đi trọn con đường phải đi mặc dù vẫn đủ năm bước lên lớp. Giảng dạy môn văn trong nhà trường là giúp cho học sinh hiểu được giá trị của tác phẩm, từ đó nâng cao trình độ nhận thức bồi dưỡng tâm hồn cho các em. Việc để cho học sinh trực tiếp tiếp xúc với cái đẹp, với nội dung phong phú của tác phẩm là quan trọng nhất, nhưng đa số giáo viên lại không làm như vậy, mà chỉ cho học sinh cảm thụ tác phẩm theo cái cảm thụ của mình, hay nói rõ ra là giáo viên diễn lại cảm nhận của mình cho học sinh. Một số lại có xu hướng cung cấp kiến thức về văn chương hơn là giảng cho học sinh thấy và say mê cái đẹp do tác phẩm mang lại. Hiệu quả một giờ dạy không phải là khối lượng kiến thức mà ở phương pháp phát huy năng lực của học sinh. Mục đích giáo dục trong giảng văn là phát huy năng lực tư duy độc lập và óc

thông minh sáng tạo của học sinh, để các em có thể vận dụng những kiến thức tiếp thu được trên ghế nhà trường vào thực tiễn cuộc sống mai sau. Không khí cởi mở trao đổi thân mật giữa thầy và trò về những vấn đề của cuộc sống mà nhà văn, nhà thơ nêu lên sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của tiết giảng.

Vai trò người thầy trong quá trình dạy học theo quan điểm lấy người học là trung tâm không thể bị mờ nhạt mà trái lại còn rõ nét hơn, người thầy vẫn là “linh hồn” của giờ học sinh động và sáng tạo. Bởi vì, để có thể làm người hướng dẫn, cung cấp thông tin, trọng tài, cố vấn… người thầy phải hiểu biết sâu sắc những kiến thức cơ bản của môn học mình đảm nhiệm, đồng thời phải tự bổ sung vốn kiến thức của mình thường xuyên và có định hướng rõ ràng qua tài liệu, sách báo…

Người thầy phải nắm vững bản chất và các quy luật của quá trình dạy học để có thể tìm ra hoặc ứng dụng những phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng của mình nhất. Trong dạy học Văn, người thầy là chiếc cầu nối không thể thiếu để học sinh đến được với giá trị đích thực của tác phẩm văn học. Bằng kiến thức và khả năng sư phạm của mình, người thầy mang lại cho học sinh những điều mới mẻ, khơi gợi sự hứng thú và niềm yêu mến văn chương ở các em.

Muốn học sinh yêu mến, say mê môn Văn, bản thân người thầy phải có được niềm say mê, yêu mến đó. Muốn như thế, người thầy phải trải qua một quá trình khổ luyện để học hỏi, để hiểu biết và khám phá. Không có được những hiểu biết và say mê đối với nghề, giờ dạy Văn sẽ không tránh khỏi sự giả tạo và gượng ép.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng dạy học thơ Đường ở trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy một thực tế: sự khiếm khuyết về kiến thức, nhất là những kiến thức về thơ Đường.

Thơ Đường là những tác phẩm văn học của quá khứ, lẽ đương nhiên chứa đựng trong đó những dấu ấn về ngôn ngữ, về văn hóa của một thời. Muốn cho việc giảng dạy thơ Đường đạt hiệu quả, giáo viên phải được trang bị vốn hiểu biết sâu rộng mà trước hết là kiến thức về văn hóa, văn học, phải có một vốn kiến thức khá sâu rộng về thế giới cổ đại phương Đông.

Sự lúng túng về phương pháp của giáo viên cũng là nguyên nhân vừa có tính chất khách quan vừa chủ quan. Phương pháp mới không phải là cái gì xa lạ, mà chính là biết phối hợp tốt giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại. Đó là phương pháp tổng hợp bởi không có phương pháp vạn năng dù đó là phương pháp tốt

nhất. Trên thực tế, giáo viên chưa được hướng dẫn một cách kỹ càng về phương pháp dạy học chuyên mục này. Chính vì vậy, những bài thơ Đường cũng được giáo viên áp dụng giảng dạy theo phương pháp giống như các nội dung khác trong chương trình. Và cũng vì chưa được định hướng cho nên mới xảy ra tình trạng giáo viên mất nhiều thời gian hướng dẫn, dạy lại những kiến thức mà học sinh đã học ở những lớp trước đó (lớp 7). Bên cạnh đó một số giáo viên chưa mạnh dạn đầu tư vào giờ dạy bằng phương pháp mới để kích thích hứng thú học tập của học sinh. Thực ra, đây là một vấn đề không dễ giải quyết trong tình hình hiện nay. Nhiều giáo viên cũng muốn áp dụng những phương pháp mới nhưng không có đủ điều kiện vật chất, thời gian... Đó là những lí do khiến giáo viên vẫn phải áp dụng kiểu dạy học cũ – kiểu dạy nhồi nhét kiến thức. Màn “độc diễn” khi giảng dạy vẫn cứ tồn tại, và thực tế đã tạo ra những giờ học tẻ nhạt, kém hiệu quả, phản ánh sự lúng túng của người thầy trong việc tìm ra phương pháp tối ưu, do bản thân người giáo viên thiếu năng động, chậm đổi mới, do các nhà trường quan tâm chưa thỏa đáng đến việc cải tiến Phương pháp dạy học. Một vấn đề quan trọng là, nhiều giáo viên nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới phương pháp nhưng rất khó từ bỏ các phương pháp đã quen dùng. Do đó, muốn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thì trước hết là bản thân mỗi giáo viên phải ý thức được để chủ động kết hợp, kế thừa ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống và phát huy các phương pháp mới.

Thiếu lòng tin đối với học sinh: Một thực tế khó phủ nhận là học sinh ngày nay bị suy giảm khá nhiều về khả năng tự học và các hoạt động tư duy như phân tích, so sánh, tóm tắt, quy nạp... Nguyên nhân cũng khó phủ nhận là do hậu quả từ phương pháp giáo dục áp đặt, nhồi nhét trong thời gian khá dài của hệ thống giáo dục phổ thông. Đa số giáo viên cho rằng giáo dục phổ thông mới chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi, thích hợp cho các trường chuyên hoặc trường công lập có chất lượng cao, không phù hợp cho các trường bán công hoặc có chất lượng đầu vào thấp. Có giáo viên nói thẳng: Nếu giảng dạy những phương pháp trên thì học sinh sẽ không biết gì. Dẫn chứng đưa ra là những bài kiểm tra có tính suy luận hầu như các em đồng loạt bỏ giấy trắng.

Quan niệm trên không những thể hiện việc thiếu niềm tin đối với học sinh mà còn trái với lôgic về lý luận. Thực ra, muốn học sinh phát huy được khả năng tư duy

để làm được những bài suy luận thì chỉ có cách duy nhất là đổi mới phương pháp giáo dục.

Cơ chế quản lý chưa đủ sức mạnh và còn nhiều bất cập: Đặc thù nghề dạy học là giáo viên có "khoảng trời chuyên môn" riêng, dạy hết giờ, hết bài là hoàn thành nhiệm vụ. Còn chất lượng thế nào khó ai bắt bẻ được. Hiện tượng có giáo viên dạy trên lớp qua loa để giữ "bí quyết" nhằm lôi kéo học sinh về nhà học thêm là có thực, nhưng nhà trường biết cũng đành chịu. Trong khi đó, cuộc vận động đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay không kèm theo một thể chế thi đua khen thưởng hoặc giám sát, kiểm tra đánh giá nào. Phát động xong, ai muốn thực hiện hay không thì tùy. Khó có thể đặt hy vọng lớn vào một công việc nửa vời như vậy.

Mặt khác, đổi mới phương pháp giáo dục đòi hỏi phải đổi mới phương pháp đánh giá giờ dạy. Thế nhưng hiện nay, các trường phổ thông vẫn phải sử dụng "hướng dẫn đánh giá giờ dạy" đã quá lạc hậu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cách đây nhiều năm. Chẳng khác gì nhét một đồ vật đã biến dạng vào cái khuôn cũ.

Bệnh thành tích làm thui chột ý chí của giáo viên: Đại đa số giáo viên muốn đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh, nhưng sau một năm làm việc nghiêm túc, cuối năm học lại phải tự "phủ nhận" kết quả nghiêm túc của mình để tìm cách nâng điểm cho học sinh do chỉ tiêu thi đua khống chế. Đó là sự thực ở nhiều trường phổ thông hiện nay. Cho nên nếu nhìn thẳng vào sự thực thì bệnh thành tích chủ yếu là của các cấp quản lý. Từ đó sinh ra kết quả chất lượng ảo "bảo hiểm" cho học sinh dẫn tới hiện tượng chây lười học tập và hình thành thói quen ỷ lại, trông chờ vào ngoại cảnh. Trong bối cảnh như vậy, giáo viên dễ bị thui chột ý chí và lòng nhiệt tình, không mặn mà với sự đổi mới.

Ngoài ra, tình trạng học sinh thiếu cố gắng, ý thức học tập chưa cao ở phần Văn học nước ngoài, tâm lý nghiêng về Văn học Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu thi cử cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho việc dạy học. Đây là một vấn đề cần được sự quan tâm đúng mức của nhà trường, gia đình và xã hội.

Một phần của tài liệu Giảng dạy thơ Đường ở trường phổ thông dưới góc nhìn của thi pháp học (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)