Qúa trình ĐTH đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ nông nghiệp là chủ yếu dần chuyển sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Năm 2000 cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ của Kinh Môn tương ứng là 50,74 %; 26,8 %; 22,46 %; nhưng đến năm 2006 tỷ lệ này là 40,85 % ; 32,17 % ; 26,98 %.Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu việc làm cho người lao động. Từ đó có nhiều cơ hội việc làm cho người dân để họ có điều kiện pháp huy năng lực của mình trong những lĩnh vực mới ở các ngành nghề mới nhất là những ngành phi nông nghiệp nên tạo ra thị trường lao động thuận lợi để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên để chuyển đổi sang nghề mới nó đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn ứng với công việc mà mình phụ trách thì người dân mới có thu nhập cao, đời sống mới được cải thiện. ĐTH nông thôn trên địa bàn huyện đã thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại nên tạo ra nhiều việc làm, giảm bớt tình trạng thất nghiệp đồng thời mở ra cơ hội tốt khuyến khích người lao động chuyển đổi sang nghề phù hợp hơn, có thu nhập cao hơn. Tính đến nay, Kinh Môn đã có 90 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần và gần 2000 hộ
gia đình tham gia các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên hàng năm tạo việc làm cho 4000 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Chính ĐTH sẽ đem lại sự ổn định của xã hội khi vấn đề của con người được giải quyết như: có việc làm, có thu nhập, có điều kiện phát huy năng lực của bản thân để cống hiến cho xã hội,...Với tiềm năng vốn có và mức độ ĐTH nhanh như hiện nay thì lao động trong huyện hàng năm sẽ có hàng nghìn chỗ làm mới nên chuyển đổi nghề nghiệp sẽ dễ dàng hơn.
Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động là điều cấp bách ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống hàng ngày của họ. Trong thời gian qua số lao động được giải quyết việc làm ở huyện là tương đối lớn. Điều này chứng tỏ huyện đã làm tốt công tác giải quyết việc làm, số việc làm tạo ra ngày càng nhiều. Đây chính là tác động tích cực của ĐTH trong chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.
ĐTH có tác động kích khích chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động nhất là lao động nông nghiệp. ĐTH kéo theo một bộ phận lao động nông nghiệp mất đất tiến hành sản xuất nên không có việc làm họ phải chuyển nghề từ nông nghiệp sang nghề phi nông nghiệp để đảm bảo cuộc sống. Ở Kinh Môn đã có sự dịch chuyển lao động nhưng hầu như mang tính chất tự phát chưa có phương hướng, qui hoạch tổng thể. Đã có một số lượng lao động nông nghiệp chuyển sang hoạt động kinh doanh dịch vụ giải khát, cắt tóc, gội đầu,… những loại hình dịch vụ này không đòi hỏi nhu cầu cao về trình độ nên dễ chuyển đổi phù hợp yêu cầu tìm kiếm việc làm tức thời của người lao động khi không còn việc làm do mất đất canh tác. Do đó sự chuyển dịch này tạo thuận lợi tốt cho huyện về giải quyết việc làm trong quá trình ĐTH nông thôn.
Tác động đến lao động nông nghiệp về số lượng và chất lượng. Lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện giảm rõ rệt cả về số tuyệt đối và tỷ trọng. Năm 2000 số lao động nông nghiệp là 61134 người, chiếm 74,26 % nhưng đến năm 2006 đã giảm xuống còn 59872 người, chiếm 68,84 %. Xu hướng chuyển từ lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác với mức thu nhập cao hơn đặc biệt là lao động trẻ vì họ thường không muốn làm nông nghiệp. Hiện nay, lao động nông nghiệp ở huyện vào khoảng hơn 60000 người vẫn là một con số khá lớn. Vấn đề đặt ra là khi
ĐTH nông thôn diễn ra trên địa bàn huyện là số lao động nông nghiệp mất đất phải làm thế nào để chuyển đổi nghề nghiệp, tìm được công ăn việc làm phù hợp dảm bảo cuộc sống.
Bên cạnh tác động tích cực do ĐTH mang lại thì nó còn tác động tiêu cực đến quá trình chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Số lao động cần giải quyết việc làm tăng từ 4701 người năm 2000 lên 6072 người năm 2006.
Khi ĐTH nông thôn diễn ra diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp dẫn đến lao động nông nghiệp dôi ra. Sự gia tăng quá mức lao động nông nghiệp bị mất đất dẫn tới số việc làm không đáp ứng đủ hoặc có đủ thì việc làm này lại không phù hợp, có việc làm song thu nhập rất thấp do trình độ lao động rất thấp. Do đó để có việc làm thì số lao động này cần phải học tập, nâng cao trình độ mới có thể chuyển đổi nghề nghiệp tham gia vào các ngành phi nông nghiệp khác. Vì vậy chất lượng lao động có xu hướng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, chất lượng lao động của huyện vẫn còn chưa đáp ứng đòi hỏi khắt khe của kinh tế thị trường, vẫn còn một bộ phận không nhỏ lao động nông nghiệp lúng túng và phản ứng chậm trước những thay đổi của tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.