Một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ vào việc đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hiện nay doc (Trang 67 - 74)

- Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ (phụ lục 2):

2.4.2. Một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

Bên cạnh những mặt đã làm được, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Hưng Yên vẫn còn tồn tại những hạn chế và yếu kém trong phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác.

Do phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác thiếu tính khoa học nên công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, triển khai việc học tập các nghị quyết trung ương ở một số địa phương còn chưa đầy đủ, dẫn đến nhân dân và một số cán bộ, đảng viên nhận thức

và thực hiện chưa đúng. Có nơi nhân dân đòi hỏi quyền lợi không chính đáng gây khó khăn, cản trở trong việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

Chế độ thông tin để nhân dân biết theo quy định của chính quyền cơ sở có lúc chưa kịp thời, giải quyết kiến nghị của nhân dân còn thiếu tập trung, dứt điểm.

Việc cụ thể hóa những việc dân biết, dân bàn và dân quyết định, giám sát, thực hiện chưa cụ thể nên khi sơ kết đánh giá không rõ, hiệu quả thực hiện thấp. Việc xây dựng hương ước, xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều nơi nhân dân chưa được bàn thấu đáo nên việc phát huy dân chủ trực tiếp của người dân thông qua hương ước, quy ước hiệu quả chưa cao, kế hoạch xây dựng một số công trình đặt ra tính khả thi thấp.

Việc phê bình và tự phê bình của một số cán bộ chủ chốt còn chưa nghiêm túc, còn tình trạng ngại kiểm điểm trước dân, không trực tiếp lắng nghe nhân dân góp ý. Có nơi còn vấn đề nổi cộm, cán bộ ngại thực hiện quy chế dân chủ dẫn đến phong trào của địa phương chuyển biến chậm.

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn chậm, thiếu dân chủ nên nhân dân có tâm lý chờ đợi, hoài nghi. Một số cán bộ còn quan liêu, thiếu trách nhiệm trước công việc được giao, năng lực trình độ hạn chế, có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, cầm chừng, xa dân.

ở một số cơ sở vẫn còn tồn tại những hạn chế trong phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt đó là:

Thứ nhất, có những cơ sở cán bộ chủ chốt có phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác mất dân chủ, cửa quyền, độc đoán dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, các quyết định không sát thực tế, các nhiệm vụ đặt ra không thực hiện được, đồng thời trở thành miếng đất màu mỡ cho những kẻ cơ hội, lợi dụng thực hiện những mưu đồ cá nhân. Đây cũng là nguy cơ dẫn đến mất lòng tin và mất dân chủ trong Đảng, chính quyền, và hậu quả tất yếu là dẫn đến Đảng, chính quyền mất quyền lãnh đạo. Bởi vậy trong giai đoạn hiện nay, xây dựng phong cách làm việc dân chủ, tập thể là yêu cầu không thể thiếu đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Bên cạnh đó, một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở còn tồn tại tình trạng coi thường

tập thể, dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm của mình trước tập thể đều làm yếu năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đơn vị mình, dẫn đến sự trì trệ. Thực chất, phong cách lãnh đạo của loại cán bộ này là không dám nghĩ, không dám chủ trương không dám quyết đoán, dù công việc rất nhỏ thuộc phạm vi quyền hạn của mình. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá của tỉnh đòi hỏi phong cách làm việc của cán bộ phải khoa học, phải sáng tạo, nhạy bén và năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời nó cũng không chấp nhận những cán bộ quan liêu, hữu danh, vô thực, trục lợi“sâu dân, mọt nước”, nhu nhược, yếu hèn. Đáp ứng được đòi hỏi trên thì chắc chắn Hưng Yên còn tiến xa hơn nữa.

Trình độ năng lực, chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành của một số cán bộ

chủ chốt cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở còn bộc lộ những yếu kém sau:

Một số cấp uỷ Đảng chưa thực sự đổi mới phương thức lãnh đạo trong xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng và chăm lo xây dựng chính quyền, đoàn thể nhân dân vững mạnh. Công tác quy hoạch cán bộ chưa được thực hiện đồng bộ, công tác quản lý cán bộ, đảng viên thiếu chặt chẽ, công tác kiểm tra tiến hành còn chậm, không thường xuyên. Vai trò của một số chi uỷ, chi bộ cơ sở còn hạn chế trong công tác cán bộ.

Hiệu lực và hiệu quả hoạt động của một số Hội đồng nhân dân cấp cơ sở còn yếu kém về: vai trò quyết định những vấn đề phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân, cũng như trong việc giám sát hoạt động của uỷ ban nhân dân. Chất lượng hoạt động của một số cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn yếu. Tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân ở một số nơi chỉ là hình thức.

Hoạt động quản lý hành chính của một số Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở còn nhiều yếu kém, tuỳ tiện, nhiều việc chưa thực sự tuân theo pháp luật mà còn nặng về tập quán, thói quen, tình cảm. Một số nơi còn hành chính hoá trong công tác quản lý kinh tế, lúc thì can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh khi lại

buông lỏng quản lý, còn giao nhiều việc quá thẩm quyền cho các trưởng thôn nên dẫn đến việc vi phạm pháp luật.

Hiện nay số cán bộ trẻ còn quá ít, cán bộ cao tuổi chiếm số đông và có nơi cán bộ hưu trí tham gia công tác nhiều khoá. Cơ cấu độ tuổi của cán bộ theo Nghị định số 09/CP của Chính phủ: tuổi dưới 30 chiếm 3,03%, từ 31 đến 45 chiếm 46,46%, từ 46 tuổi trở lên chiếm 50,51%. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế về trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý hành chính và kiến thức pháp luật nên còn lúng túng trước những vấn đề nổi mới đặt ra từ thực tiễn.

Mặt khác, chính quyền cấp cơ sở còn yếu trong việc phổ biến, tuyên truyền vận động nhân dân về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Một số cán bộ suy thoái về đạo đức, phẩm chất, xa dân, mất dân chủ, quan liêu, hách dịch, vi phạm pháp luật, bị thi hành kỷ luật và làm ảnh hưởng đến uy tín trong nhân dân.

Cụ thể, trên địa bàn Hưng Yên, từ năm 1997 đến sáu tháng đầu năm 2002, toàn tỉnh đã xử lý kỷ luật 1.379 đảng viên ở khu vực nông thôn vi phạm chiếm tỷ lệ 3,45% so với tổng số đảng viên, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng chiếm tỷ lệ 0,67%. Xử lý kỷ luật Đảng viên cấp cơ sở chiếm 0,73%, chi uỷ chiếm 0,17%, chấp hành các Đoàn thể chính trị 0,08%, đảng viên 2,14%, cán bộ tài chính, cán bộ địa chính và cán bộ chính sách chiếm 0,41% [65, tr.4]. Khi xảy ra những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể ở một số nơi chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm để tập trung giải quyết cho dứt điểm, kết luận không rõ ràng, tư tưởng ỷ lại, né tránh, đùn đẩy lên cấp trên để nhân dân khiếu kiện kéo dài.Việc phấn đấu để duy trì danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh một số nơi chỉ mang tính hình thức, có nơi tổ chức cơ sở Đảng được xếp loại trong sạch vững mạnh nhiều năm nhưng lại xảy ra những yếu kém về: nguyên tắc tập trung dân chủ, về công tác cán bộ, về thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở, về buông lỏng quản lý.

Về nhận thức, cấp uỷ và chính quyền cấp trên chưa tập trung nghiên cứu toàn diện về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nên chưa thể chế đồng bộ, tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết cho hoạt động của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và chế độ chính sách thu hút đối với đội ngũ cán bộ này.

Về tổ chức và chỉ đạo: cấp uỷ và chính quyền các cấp chưa thường xuyên chỉ đạo quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở một cách có hệ thống, chưa coi đó là một bộ phận của chiến lược cán bộ của thời kỳ mới, chưa chủ động, tích cực tạo nguồn cho cán bộ cơ sở. Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ còn nhiều bất cập cả về số lượng lẫn nội dung chương trình đào tạo, ít bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể.

Chưa thể chế hoá phương thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển, trình độ dân trí được nâng lên. Phương thức lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở chưa được đổi mới mạnh mẽ, nhiều việc còn bao biện, làm thay, chồng chéo, có việc lại buông lỏng đối với chính quyền, chưa tạo điều kiện phát huy vai trò chủ động của chính quyền.

Một bộ phận cán bộ chủ chốt cơ sở còn ngại học tập, thiếu tinh thần phấn đấu vươn lên. Tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, dòng họ còn tồn tại. Tinh thần đấu tranh còn kém, cái đúng không dám bảo vệ, cái sai không dám đấu tranh.

Chính sách đãi ngộ còn bất hợp lý giữa cán bộ chính quyền với cán bộ đoàn thể, giữa cán bộ chủ chốt với cán bộ chuyên môn, giữa các cán bộ chuyên môn với nhau… chưa có chính sách hấp dẫn thu hút con em địa phương được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng về làm việc ở xã, phường, thị trấn.

Chính sách sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở chưa ổn định, thiếu đồng bộ và còn bất hợp lý, chưa có tác dụng khuyến khích động viên.

Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của hệ thống chính trị ở cơ sở nhìn chung còn sơ sài, thiếu thốn, chắp vá chưa đáp ứng được so với nhu cầu đổi mới,

hiện đại hoá hành chính nhà nước. Còn 5,6% số xã chưa có trụ sở phải làm việc nhờ đình, chùa, 53,8% trụ sở xã còn sơ sài và còn 53% thôn, khu phố chưa có nhà để hội họp và sinh hoạt văn hoá.

Tóm lại, trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Hưng Yên, điều dễ nhận thấy là: trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cán bộ ở Hưng Yên nói chung và đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở nói riêng, còn nhiều vấn đề bất cập. Do đó, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ, trước hết Hưng Yên phải hết sức chú trọng đến công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

Cần lưu ý rằng, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, tư duy kinh tế tri thức đã và đang yêu cầu đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chủ chốt nói riêng phải có trình độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo thật sự, nếu không sẽ bị đào thải. Công việc lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đòi hỏi phải toàn diện, đa dạng, phong phú, ở cương vị đó đòi hỏi họ phải trau dồi cho mình một kỹ năng, một phương pháp lãnh đạo và phong cách làm việc thật khoa học để có thể gần dân, sát dân, hiểu dân, phát huy sức mạnh của tổng hợp của nhân dân để thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và xây dựng, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Song thực tế cho thấy, phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Hưng Yên còn nhiều bất cập chưa ngang tầm với tình hình, nhiệm vụ mới. Bên cạnh đó, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị (xem phụ lục) nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

Bên cạnh đó, năng lực tổ chức trong hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Hưng Yên hiện nay còn yếu. Trong quá trình đổi mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ này phải có năng lực thực tiễn vì thực tế luôn nảy sinh những mâu thuẫn mới, những nội dung mới đòi hỏi người cán bộ phải có năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn để vận dụng sáng tạo, căn cứ vào thực tế khách quan để giải quyết vấn đề một cách sinh động, có năng lực thực tiễn thì người cán bộ mới nhanh nhạy,

dám quyết định mọi công việc một cách chính xác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ phải : “cả gan nói, cả gan làm”. Trong thực tế năng lực của đội ngũ này còn phiến diện chưa biết giải quyết công việc một cách nhanh nhạy, linh hoạt, còn thụ động. Vì vậy đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ này không thể xem nhẹ việc nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn.

Việc đổi mới hệ thống chính trị cùng với việc đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hiện nay yêu cầu đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở không ngừng nâng cao năng lực thực hành dân chủ. Họ phải là tấm gương tiêu biểu về đạo đức như Hồ Chí Minh đã dạy: phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, biết vận động quần chúng và tập hợp quần chúng. Cái gì có lợi cho dân ta phải làm bằng được, cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Hễ dân có ý kiến gì phải giải thích cho “thấu tình, đạt lý”. Tránh trường hợp mang một loạt văn bản ra đọc này, đọc nọ, điều đó chỉ làm tăng thêm sự bất bình và mâu thuẫn trong dân. Thực tế hiện nay có không ít cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Hưng Yên ngại tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, né tránh, ngại phát biểu ở nơi đông người, quan liêu, tham nhũng, ức hiếp nhân dân, thậm chí còn lợi dụng dân chủ để thu lợi bất chính. Đây cũng là một vấn đề đặt ra cần nhanh chóng giải quyết bằng cách không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở theo hướng dân chủ để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hưng Yên.

Chương 3

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ vào việc đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hiện nay doc (Trang 67 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)