- Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ (phụ lục 2):
2.4.1. Những mặt đã làm được
Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Hưng Yên trong những năm vừa qua đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ trong những lần Người về thăm Hưng Yên về phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác của người cán bộ:
Cán bộ phải lãnh đạo một cách thiết thực và chu đáo, liên tục, toàn diện. Để lãnh đạo tốt, các đồng chí bí thư và uỷ viên, các đồng chí chủ tịch các cấp từ tỉnh đến xã cần phải thật sự tham gia vào một tổ đội công hoặc một hợp tác xã nông nghiệp, phải lao động thật sự để rút kinh nghiệm. Cần tổ chức tham quan những xã điển hình tốt để học hỏi lẫn nhau [49, tr.196].
Tại công trường thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, Hồ Chí Minh căn dặn:
Cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông, phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, phải khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất [49, tr.224].
Trong thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Hưng Yên đã không ngừng đổi mới phương thức và chất lượng lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành của chính quyền. Điểm nổi bật là cán bộ sát dân hơn, tôn trọng và lắng nghe nhiều ý kiến của quần chúng nhân dân về việc xây dựng các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; phương thức và lề lối làm việc của chính quyền cơ sở được thực hiện theo hướng dân chủ và công khai hoá. Cùng với việc công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc họp, tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã đã được niêm yết công khai các nội dung, hướng dẫn thủ tục giải quyết các công việc có liên quan nhiều và trực tiếp đến dân như: hồ sơ đăng ký hộ khẩu, mua bán nhà đất, các khoản thu phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân, công khai trương trình và lịch công tác của uỷ ban nhân dân cũng như
các lãnh đạo chủ chốt. Nhiều nghị quyết của hội đồng nhân dân, quyết định của uỷ ban nhân dân được đưa ra để nhân dân góp ý trước khi chính quyền quyết định ban hành; nội dung, chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cũng được thông báo rộng rãi để nhân dân biết; tiến hành công khai hoá hồ sơ, thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc, lịch tiếp dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Tổng kết cuối năm, nhiều xã, phường đã tổ chức cuộc họp dân ở các làng, các tổ dân phố để nhân dân đóng góp ý kiến vào bản kiểm điểm của chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân xã và của trưởng thôn, khu phố. Đa số các xã xây dựng được quy chế, quy định về công khai tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giữ gìn và bảo vệ môi trường, quy chế hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. 100% số xã trong tỉnh đã bầu được Ban thanh tra nhân dân. Ban thanh tra nhân dân đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương thực hiện chức năng của mình.
Các quy chế, quy định được thực hiện góp phần đưa hoạt động của chính quyền từng bước đi vào nề nếp, đúng pháp luật, khắc phục lối làm việc tuỳ tiện, theo cảm tính. Tác phong công tác của cán bộ có nhiều thay đổi: gần dân, sát dân hơn, tiếp thu ý kiến của nhân dân nhiều hơn, hạn chế quan liêu, hách dịch cửa quyền, độc đoán. Tích cực giữ gìn phẩm chất người cán bộ , tự khép mình vào kỷ luật tốt hơn. Qua năm 2002, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp lãnh đạo, phong cách làm việc của cán bộ chính quyền cơ sở có 3.775 ý kiến phản ánh tốt, chiếm 84,81%. Đã có rất nhiều xã là điển hình tiên tiến ví dụ như; Mễ Sở, Hùng An, Đống Thanh… Có thể khẳng định những thành tựu mà các xã điển hình trên đạt được có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Điển hình là xã Mễ Sở: xã đã được Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Toàn xã có gần 50 km đường giao thông (6km đường nhựa, 37 km đường bê tông, 5 km đường đá vôi). Trường học kiên cố cao tầng đủ cho ba cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), 2/3 số trường đạt chuẩn quốc gia và đã phổ cập trung học sơ sở. Toàn xã có 5
trạm biến áp điện (từ 180 KVA đến 320 KVA) với tổng công suất 1.040 KW đảm bảo đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của 100% số dân. Trụ sở uỷ ban nhân dân xã xây dựng kiên cố, khang trang. Trung tâm văn hoá xã được xây dựng gồm một hội trường 500 chỗ ngồi, có bốn phòng dành cho phòng thư viện, phòng truyền thống, thể thao trong nhà với 5.000 đầu sách và 5 loại báo để dân đọc hàng ngày. Trạm y tế xã được đầu tư xây mới với kinh phí ngót 300 triệu đồng, có 01 bác sỹ, 03 y sỹ làm việc. Hệ thống truyền thanh xã với 42 loa và 12 km đường dây trải khắp các cụm dân cư. Mức thu nhập bình quân 7,9 triệu đồng/người/năm (năm 2004). Xã có 713 hộ giàu, 819 hộ khá, 850 hộ trung bình và 80% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Toàn xã có 70% nhà cao tầng [5, tr.82].
Mễ Sở đất chật, người đông lại không trồng cây lương thực nhưng nhờ sợ lãnh đạo năng động, linh hoạt của đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nên nhân dân không còn hộ đói nghèo. Mễ Sở đã đi trước, đón đầu để không tụt hậu. Một nếp tư duy năng động đã hình thành: không sản xuất cái mình có mà sản xuất cái xã hội cần. Tất cả đất canh tác đều trở thành vườn với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây lương thực, cây dược liệu, cây ăn quả, cây cảnh .v.v. Mễ Sở là một mô hình nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Với một Đảng bộ gồm hơn 300 đảng viên và chính quyền trong sạch vững mạnh nhiều năm cấp huyện, tỉnh, một tầm nhìn mới của Mễ Sở, của 10.000 dân năng động, sáng tạo đã tạo nên nhịp tăng trưởng cao và bền vững cả kinh tế và xã hội. Mễ Sở xứng danh Anh hùng bảo vệ an ninh Tổ quốc (1985) và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới (2000).
Sở dĩ đạt được những thành tựu nói trên phần lớn là do sức dân, do con người, song cũng là do yếu tố đầu tầu biết tận dụng lợi thế của địa phương, phát huy sức dân phải kể đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã. Với phương thức lãnh đạo và phong cách làm việc dân chủ, tập thể, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bao nhiêu quyền lợi đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Theo báo cáo của xã cũng như ý kiến của người dân, các vấn đề, các công việc của xã đều được triển khai, lấy ý kiến của dân, xem sự
phản hồi của dân, rồi tổng hợp đa số ý kiến để giải quyết một cách khách quan hợp với lòng dân. Bài học kinh nghiệm mà Đại hội Đảng bộ xã đã tổng kết đó là: Thứ nhất, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà đứng đầu là đội ngũ cán bộ chủ chốt; thứ hai, quán triệt và thực hiện quy chế dân chủ, coi đây là công việc thường xuyên, thường trực trong mỗi hoạt động của chi bộ và chính quyền. Uỷ ban nhân dân xã đã duy trì và thực hiện tốt quy chế làm việc, mỗi thành viên đều chấp hành nghiêm chỉnh lịch làm việc, duy trì chế độ báo cáo, phối hợp chặt chẽ với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của xã để chỉ đạo các thôn kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ xã đã quán triệt việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, giải thích cho dân chúng biết rõ, được dân chúng đồng ý, do dân chúng vui lòng góp sức mà làm” [45, tr.249].
Có thể nói, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở đây đã biết vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra. Tuân thủ cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền thực hiện, quản lý bằng các biện pháp phù hợp, trên cơ sở tham khảo, tôn trọng ý kiến nhân dân. Đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc, nghiêm túc thực hiện phương pháp làm việc thống nhất giữa lời nói và việc làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân. Đây có thể là một trong những xã điển hình, tiên tiến không chỉ về sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội mà còn là một điển hình về phương thức lãnh đạo và phong cách công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cần được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.